Tập đoàn Hòa Phát (HPG): Lợi nhuận phục hồi với giá thép trong năm 2023; định giá phù hợp

Nguồn: VCSC

Lợi nhuận phục hồi với giá thép trong năm 2023; định giá phù hợp

 

HPG

 

  • Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị cho HPG từ MUA còn PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG dù tăng giá mục tiêu thêm 2% lên 21.000 đồng/cổ phiếu do giá cổ phiếu của công ty đã tăng 39% trong 3 tháng qua.
  • Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi đến từ 1) chúng tôi tăng dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023-2027 thêm 2% nhờ giá bán thép cao hơn trong bối cảnh giá hàng hóa toàn cầu phục hồi và 2) WACC thấp hơn do thuế suất thực tế cao hơn và tiền mặt ròng cao hơn vào cuối năm 2022 so với cuối quý 3/2022.
  • Mặc dù sản lượng bán thép tăng trưởng khả quan trong suốt năm 2022, HPG báo cáo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2022 đạt 8,5 nghìn tỷ đồng (-75% YoY), với 2 quý lỗ liên tiếp trong quý 3-4/2022 (lỗ ròng tổng cộng 3,8 nghìn tỷ đồng) do giá cả đầu vào và đầu ra điều chỉnh mạnh.
  • Chúng tôi giảm dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 thêm 1% còn 13,3 nghìn tỷ đồng (+57% YoY) do chúng tôi kỳ vọng giá bán thép phục hồi sẽ bị ảnh hưởng một phần bởi 1) sản lượng bán năm 2023 giảm trong bối cảnh nhu cầu yếu tại thị trường trong nước và 2) giá nguyên liệu đầu vào cao hơn gây áp lực lên biên lợi nhuận.
  • Giá cổ phiếu HPG đã tăng 39% trong 3 tháng qua do kỳ vọng lợi nhuận sẽ phục hồi trong bối cảnh giá hàng hóa toàn cầu tăng, khiến định giá năm 2023 của HPG ở mức hợp lý với P/E là 9,3 lần và P/B là 1,1 lần (dựa trên dự báo của chúng tôi). Trong dài hạn, HPG vẫn là cổ phiếu mà chúng tôi đánh giá cao tại Việt Nam vì HPG đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ đầu tư mới và có khả năng sinh lời vượt trội so với các công ty cùng ngành trong khu vực. Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2022-2027/2023F-2027 đạt 24%/17%.
  • Yếu tố hỗ trợ/(rủi ro) đối với quan điểm tích cực của chúng tôi: 1) Biên lợi nhuận tăng (giảm) trong bối cảnh giá đầu vào giảm (tăng); 2) tăng trưởng sản lượng bán thép mạnh hơn (thấp hơn) mặc dù (do) thị trường bất động sản suy thoái kéo dài.

Chúng tôi dự báo sản lượng bán năm 2023 sẽ giảm so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù sản lượng bán thép xây dựng năm 2022 của HPG vượt trội so với ngành ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu — tốt hơn kỳ vọng của chúng tôi — chúng tôi giữ nguyên dự báo sản lượng bán thép xây dựng năm 2023 ở mức 3,8 triệu tấn (-11% YoY). Chúng tôi cho rằng hoạt động xây dựng trong nước của khu vực tư nhân tiếp tục yếu sẽ có tác động kéo dài đến nhu cầu vật liệu xây dựng vào năm 2023 mặc dù được bù đắp một phần bởi chi tiêu dự kiến của khu vực công cho cơ sở hạ tầng. Đối với thép cuộn cán nóng (HRC), chúng tôi nâng dự báo sản lượng bán năm 2023 từ 2,5 triệu tấn lên 2,6 triệu tấn (đi ngang YoY) do chúng tôi kỳ vọng nhu cầu xuất khẩu sẽ giúp sản lượng bán HRC tăng mạnh hơn so với các sản phẩm sản xuất trong nước như thép xây dựng.

Chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận năm 2023 sẽ tăng so với mức cơ sở thấp của năm 2022, nhưng biên lợi nhuận dự phóng mới thấp hơn so với dự báo trước đây của chúng tôi. Trong khi chúng tôi tăng giả định về giá bán năm 2023 đối với các sản phẩm thép, chúng tôi cũng tăng giả định về giá nguyên liệu đầu vào chính. Chúng tôi cho rằng các nhà sản xuất thép của Việt Nam, trong đó có HPG, sẽ phải đối mặt với kịch bản giá đầu ra tăng chậm hơn giá đầu vào trong bối cảnh giá hàng hóa tăng trong khi nhu cầu trong nước vẫn yếu, điều mà chúng tôi cho rằng có thể tiếp tục gây áp lực lên biên lợi nhuận trong nửa đầu năm 2023. Chúng tôi lưu ý dự phòng cho hàng tồn kho của HPG là 1.2 nghìn tỷ đồng (5,2 lần so với cuối năm 2021) vào cuối năm 2022 — tương đương với 1.0 nghìn tỷ đồng chi phí dự phòng hàng tồn kho được ghi nhận trong cả năm 2022. Nếu giá hàng hóa tăng trong nửa đầu năm 2023, HPG có thể hoàn nhập khoản dự phòng này để bù đắp một phần mức giảm của biên lợi nhuận do chênh lệch giá giao ngay thấp hơn.