Tập đoàn Hòa Phát (HPG): Sản lượng tháng 11/2022 - Mức thấp mới trong năm do nhu cầu yếu

Nguồn: HSC

Sản lượng tháng 11/2022 - Mức thấp mới trong năm do nhu cầu yếu

 

HPG

 

Tóm tắt

  • Sản lượng tiêu thụ tháng 11/2022 tiếp tục ở mức thấp, giảm 32,2% so với cùng kỳ và 10,2% so với tháng trước xuống 518.000 tấn sản phẩm thép do nhu cầu thép cả trong nước và xuất khẩu đều thấp.
  • Mặc dù hồi phục 20% so với tháng trước, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tháng 11/2022 giảm 7% so với cùng kỳ. Mặt khác, sản lượng tiêu thụ HRC giảm 12,7% so với cùng kỳ và 32,7% so với tháng trước.
  • Sản lượng tiêu thụ tôn giảm 63% so với cùng kỳ và 17% so với tháng trước do nhu cầu xuất khẩu sụt giảm. Sản lượng tiêu thụ ống thép tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ nhưng giảm 7% so với tháng trước.
  • HSC duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng với giá mục tiêu là 22.000đ (tiềm năng tăng giá là 10%).

Sự kiện: Công bố sản lượng tiêu thụ tháng 11/2022

Ngày 6/12/2022, HPG đã công bố sản lượng tiêu thụ tháng 11/2022 thấp và sát với dự báo. Theo đó, tổng sản lượng tiêu thụ giảm mạnh 32,2% so với cùng kỳ và 10,2% so với tháng trước do nhu cầu đối với tất cả các loại sản phẩm thép đều ở mức thấp. Sản lượng sản xuất thép thô giảm xuống mức thấp kỷ lục chỉ 384.000 tấn (giảm 43% so với cùng kỳ và 32% so với tháng trước) chủ yếu do đóng cửa một số lò cao vào tháng 11/2022. Cụ thể như sau:

Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng là điểm sáng trong tháng

Trong tháng 11/2022, HPG tiêu thụ 252.000 tấn thép xây dựng. Mặc dù giảm 7,1% so với cùng kỳ, nhưng vẫn có dấu hiệu tích cực với mức phục hồi 20,1% so với tháng trước.

  • Sản lượng tiêu thụ trong nước hồi phục 32,7% so với cùng kỳ và 30,6% so với tháng trước do mức nền thấp và nhu cầu tăng nhẹ. Thông thường, Q4 là mùa cao điểm của ngành thép nhưng sản lượng tuyệt đối vẫn thấp so với mức tiêu chuẩn của HPG.
  • Sản lượng xuất khẩu giảm mạnh 71,9% so với cùng kỳ và 26,1% so với tháng trước xuống 28.900 tấn do nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chính sụt giảm.

Lũy kế 11 tháng đầu năm 2022, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng vẫn tăng 10,6% so với cùng kỳ đạt 3,91 triệu tấn. Trong đó, sản lượng xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt 1,1 triệu tấn (tăng 21,5% so với cùng kỳ) trong khi sản lượng tiêu thụ trong nước tăng nhẹ 6,8% so với cùng kỳ đạt 2,8 triệu tấn.

Lũy kế 11 tháng đầu năm 2022, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng vẫn tăng 10,6% so với cùng kỳ đạt 3,91 triệu tấn. Trong đó, sản lượng xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt 1,1 triệu tấn (tăng 21,5% so với cùng kỳ) trong khi sản lượng tiêu thụ trong nước tăng nhẹ 6,8% so với cùng kỳ đạt 2,8 triệu tấn.

Nhu cầu HRC thấp

Sản lượng tiêu thụ HRC trong tháng 11/2022 chỉ là 180.000 tấn (giảm 12,7% so với cùng kỳ và 32,7% so với tháng trước). Sau khi bất ngờ tăng trong tháng 10/2022, nhu cầu HRC đã sụt giảm một lần nữa do sản lượng tiêu thụ các sản phẩm tôn và ống thép ở mức thấp. Do đó, sản lượng tiêu thụ HRC trong 11 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 2,49 triệu tấn (tăng 5,6% so với cùng kỳ).

Sản lượng tiêu thụ tôn và ống thép trái chiều

So với tháng trước, cả sản lượng tiêu thụ tôn và ống thép đều giảm lần lượt 16,8% và 8,0% xuống lần lượt 22.800 tấn và 53.000 tấn. Tuy nhiên, so với cùng kỳ, sản lượng tiêu thụ ống thép tăng nhẹ 4,2% trong khi sản lượng tiêu thụ tôn giảm mạnh 63,4%.

Lưu ý, sản lượng xuất khẩu đóng góp chính cho nhu cầu tôn thép trong năm 2021, nhưng sản lượng xuất khẩu tôn trong tháng 11/2022 chỉ là 9.000 tấn (giảm 84% so với cùng kỳ) và đóng góp 39,5% sản lượng tiêu thụ tôn. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2022, sản lượng tiêu thụ tôn và ống thép lần lượt là 298.772 tấn (giảm 21,4% so với cùng kỳ) và 687.654 tấn (tăng 10,7% so với cùng kỳ).

Sản lượng sản xuất giảm xuống mức thấp kỷ lục mới

Trong tháng 11/2022, sản lượng sản xuất thép thô chỉ là 384.000 tấn (giảm 43% so với cùng kỳ và 32% so với tháng trước), có thể do HPG đóng cửa một số lò cao tại cả Tổ hợp Dung Quất (DQSC) và Hải Dương (HDSC). Với sản lượng sản xuất tháng 11/2022, hiệu suất hoạt động ở cấp Tập đoàn chỉ là 54%.

Theo một thông báo của HPG gửi cho nhà cung cấp về kế hoạch đóng cửa 2 lò cao tại tổ hợp HDSC (trong số 3 lò cao) và 2 lò cao tại tổ hợp DQSC (trong số 4 lò cao), hiệu suất hoạt động của tổ hợp HDSC chỉ khoảng 33% trong tháng 11/2022. Tính riêng tổ hợp DQSC, chúng tôi ước tính hiệu suất hoạt động vào khoảng 63%. Lưu ý, trong tháng 11/2022, tất cả gang được sản xuất từ 2 lò cao của Công ty được sử dụng để sản xuất HRC nhằm tích trữ hàng tồn kho trước khi bảo trì theo kế hoạch trong 1 tháng vào tháng 12/2022. HPG sẽ tiếp tục sản xuất thép xây dựng từ tháng 12/2022 tại tổ hợp DQSC. Chúng tôi hiểu rằng sản lượng tồn kho thép xây dựng (cùng với phôi thép) hiện đang ở mức cao (tổng cộng khoảng 550.000 tấn), đủ tiêu thụ từ 2-2,5 tháng.

Duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng và giá mục tiêu là 22.000đ (tiềm năng tăng giá là 10%)

Trong tháng vừa qua, giá thép trong nước, bao gồm HRC và thép xây dựng, vẫn ổn định. Tuy nhiên, ngày 6/12/2022, HPG thông báo tăng giá bán sản phẩm tôn trong nước 400.000đ/tấn, tương đương mức tăng khoảng 2% từ ngày 8/12/2022. Động thái này là một tín hiệu tích cực nhẹ đối với xu hướng giá thép trong thời gian tới khi Trung Quốc đang nới lỏng các biện pháp phong tỏa, điều này sẽ hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ và giá thép. Tuy nhiên, nhu cầu đối với các sản phẩm thép của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Chúng tôi vẫn theo dõi để cập nhật tình hình nhu cầu trong thời gian tới.

HSC duy trì dự báo lợi nhuận năm 2022 là 9.091 tỷ đồng (giảm 73,6% so với cùng kỳ), tương đương lỗ thuần 1.384 tỷ đồng trong Q4/2022, cải thiện từ mức lỗ 1.774 tỷ đồng trong Q3/2022 nhưng giảm mạnh so với mức lợi nhuận thuần bình thường là 7.427 tỷ đồng trong Q4/2021. HPG đang giao dịch với P/E trượt dự phóng 1 năm là 11,5 lần, so với mức bình quân trong 5 năm qua là 9,3 lần. HSC duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng với giá mục tiêu không đổi là 22.000đ (tiềm năng tăng giá là 10%).