Tập đoàn Hòa Phát (HPG): Sản lượng tháng 12/2022 - Vượt kỳ vọng nhờ giá bán hồi phục

Nguồn: HSC

Sản lượng tháng 12/2022 - Vượt kỳ vọng nhờ giá bán hồi phục

 

HPG

 

Tóm tắt

  • Sản lượng tiêu thụ tháng 12/2022 của HPG vượt kỳ vọng nhờ hầu hết các sản phẩm đều hồi phục so với tháng trước, ngoại trừ HRC. Sản lượng tiêu thụ tháng 12/2022 đạt 648.400 tấn (tăng 25% so với tháng trước nhưng giảm 18,9% so với cùng kỳ).
  • Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng là điểm sáng với mức tăng 42,1% so với tháng trước và 1,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ HRC giảm mạnh 20% so với tháng trước và 33,7% so với cùng kỳ do nhà máy ngừng sản xuất để nâng cấp và bảo trì.
  • HSC ước tính lỗ thuần trong Q4/2022 sẽ giảm xuống 569 tỷ đồng, so với 1.774 tỷ đồng trong Q3/2022, chủ yếu nhờ hoàn nhập khoản lỗ tỷ giá. Chúng tôi duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng với giá mục tiêu là 22.000đ (tiềm năng tăng giá là 13,4%).

Sự kiện: Công bố sản lượng tiêu thụ tháng 12/2022

HPG công bố sản lượng tiêu thụ tháng 12/2022 vượt kỳ vọng nhờ sản lượng tiêu thụ thép xây dựng hồi phục mạnh, nhờ giá thép hồi phục. Sản lượng tiêu thụ tháng 12/2022 là 648.400 tấn (tăng 25% so với tháng trước nhưng giảm 18,9% so với cùng kỳ). Theo đó, sản lượng tiêu thụ Q4/2022 và cả năm 2022 lần lượt là 1,75 triệu tấn (giảm 31% so với quý trước) và 8,26 triệu tấn (giảm 6,5% so với cùng kỳ). Cụ thể như sau:

Thép xây dựng là điểm sáng trong tháng

Nhờ giá thép xây dựng tăng 1% từ ngày 19/12/2022, nhu cầu đã tăng lên 358.000 tấn (tăng 1,2% so với cùng kỳ và 42,1% so với tháng trước).

  • Trong tháng 12/2022, sản lượng tiêu thụ trong nước tăng 18,5% so với cùng kỳ, chủ yếu do mức nền thấp trong tháng 12/2021 đạt 308.000 tấn. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy nhu cầu đã phục hồi 38,1% so với tháng trước. Hàng tồn kho của các đại lý tại thời điểm cuối tháng 10/2022 ở mức thấp kỷ lục. Do đó, các đại lý sẽ tích cực tích trữ hàng tồn kho khi giá bán có tín hiệu tăng. Trong cả năm 2022, sản lượng tiêu thụ trong nước tăng trưởng 7,9% đạt 3,11 triệu tấn, đóng góp 72,8% tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng (so với 74,1% trong năm 2021).
  • Sản lượng xuất khẩu tháng 12/2022 đạt 50.000 tấn (giảm 46,7% so với cùng kỳ nhưng phục hồi 73% so với tháng trước). Các thị trường xuất khẩu chính bao gồm các quốc gia trong khu vực ASEAN, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong cả năm 2022, sản lượng xuất khẩu tăng mạnh 15,1% so với cùng kỳ đạt 1,16 triệu tấn, đóng góp 27,2% tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng (so với 25,9% trong năm 2021).

Do đó, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong năm 2022 tăng trưởng 9,8% đạt 4,27 triệu tấn. Trong đó, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong Q4/2022 đạt khoảng 1,75 triệu tấn (giảm 24,9% so với cùng kỳ và 23,8% so với quý trước).

Chúng tôi ước tính giá thép xây dựng trong Q4/2022 sẽ khoảng 14,623 triệu đồng/tấn (giảm 10,7% so với cùng kỳ và 6,6% so với quý trước).

Đối với phôi thép, sản lượng tiêu thụ tháng 12/2022 cải thiện đáng kể đạt 56.000 tấn (tăng 409% so với tháng trước nhưng giảm 55,3% so với cùng kỳ). Phôi thép chủ yếu được tiêu thụ trong nước. Sản lượng tiêu thụ phôi thép trong Q4/2022 và cả năm 2022 lần lượt là 80.877 tấn (giảm 83% so với cùng kỳ) và 287.573 tấn (giảm 77,5% so với cùng kỳ).

Sản lượng tiêu thụ HRC thấp nhất kể từ năm 2021

Trong tháng 12/2022, sản lượng tiêu thụ HRC chỉ là 144.000 tấn (giảm 33,7% so với cùng kỳ và 20% so với tháng trước) do nhu cầu thấp và nhà máy tạm ngừng sản xuất để nâng cấp và bảo trì trong tháng 12/2022.

Giá HRC cho đơn hàng giao hàng tháng 12/2022 vào khoảng 545 USD/tấn, tương đương giá bán bình quân trong Q4/2022 là 584 USD/tấn (giảm 35,6% so với cùng kỳ và 17,3% so với quý trước).

Sản lượng tiêu thụ tôn và ống thép cải thiện

Trong tháng 12/2022, sản lượng tiêu thụ ống thép của HPG đạt 61.200 tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ và 15,5% so với cùng kỳ, tương đương sản lượng tiêu thụ Q4/2022 và cả năm 2022 lần lượt là 172.264 tấn (giảm 2,9% so với cùng kỳ) và 749.327 tấn (tăng trưởng 11%). Ống thép chủ yếu được tiêu thụ trong nước.

Đối với tôn, sản lượng tiêu thụ tháng 12/2022 là 29.200 tấn, giảm 39,8% so với cùng kỳ do nhu cầu xuất khẩu giảm, nhưng phục hồi 28,1% so với tháng trước nhờ nhu cầu trong nước cải thiện. Theo đó, sản lượng tiêu thụ tôn trong Q4/2022 và cả năm 2022 lần lượt là 79.372 tấn (giảm 49% so với cùng kỳ) và 327.929 tấn (giảm 23,5% so với cùng kỳ).

Đánh giá sơ bộ KQKD Q4/2022

Dựa trên số liệu về sản lượng tiêu thụ, chúng tôi ước tính HPG sẽ tiếp tục thua lỗ trong Q4/2022. Chúng tôi dự báo HPG sẽ lỗ thuần 569 tỷ đồng trong Q4/2022 (so với lợi nhuận thuần đạt 7.427 tỷ đồng trong Q4/2021) với doanh thu thuần là 26.899 tỷ đồng (giảm 39,8% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, lỗ thuần sẽ giảm so với quý trước từ mức 1.774 tỷ đồng trong Q3/2022, chủ yếu nhờ khoản hoàn nhập lỗ tỷ giá và chi phí nguyên vật liệu đầu vào giảm, chủ yếu trước đó được ghi nhận trong Q3/2022.

Cập nhật hoạt động sản xuất

Lưu ý, HPG đã đóng cửa 4/7 lò cao trong tháng 11/2022 do nhu cầu đối với các sản phẩm thép ở mức thấp. Ngoài ra, trong tháng 12/2022, HPG cũng đã tạm dừng hoạt động nhà máy cán HRC để nâng cấp và bảo trì trong 1 tháng.

Do hàng tồn kho đang giảm do các lò cao ngừng hoạt động, HPG đã khởi động lại 1 lò cao (tại nhà máy Hải Dương) vào ngày 27/12/2022. Theo đó, HPG hiện đang vận hành 4/7 lò cao. Chúng tôi kỳ vọng, nếu nhu cầu tiếp tục phục hồi trong thời gian tới, HPG sẽ khởi động lại dần các lò cao còn lại để đáp ứng nhu cầu. Lò cao ngừng hoạt động sẽ mất 7 ngày để khởi động lại.

HSC duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng và giá mục tiêu

Trong năm 2022, HSC dự báo lợi nhuận thuần của HPG là 9.906 tỷ đồng (giảm 71,3% so với cùng kỳ) với doanh thu thuần là 142.483 tỷ đồng (giảm 4,8% so với cùng kỳ). Trong năm 2023, chúng tôi dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận thuần sẽ lần lượt là 133.986 tỷ đồng (giảm 6,0% so với cùng kỳ) và 10.392 tỷ đồng (tăng trưởng 4,9%).

Chúng tôi duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng đối với HPG với giá mục tiêu là 22.000đ (tiềm năng tăng giá là 13,4%). HPG đang giao dịch với P/E và P/B dự phóng 2023 lần lượt là 11,3 lần và là 1,06 lần.