Tập đoàn Hoa Sen (HSG): Q3/2022 - Lợi nhuận vượt dự báo do không trích lập dự phòng

Nguồn: HSC

Q3/2022: Lợi nhuận vượt dự báo do không trích lập dự phòng

 

HSG

 

Tóm tắt

  • Lợi nhuận thuần Q3/2022 giảm mạnh 84,4% xuống 265 tỷ đồng trong khi doanh thu thuần giảm nhẹ 6,2% với tỷ suất lợi nhuận giảm mạnh.
  • Tuy nhiên, KQKD Q2/2022 vượt ước tính của chúng tôi do HSG không trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho dù giá HRC giảm mạnh gần đây. Điều này sẽ tạo thêm áp lực lên triển vọng lợi nhuận Q4/2022 với dự báo nhu cầu tiếp tục sụt giảm.
  • Lợi nhuận thuần 9 tháng đầu năm 2022 giảm 66% xuống 1.138 tỷ đồng, đạt 55% dự báo cả năm của chúng tôi. HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo.

Sự kiện: Công bố KQKD Q3/2022

HSG công bố KQKD Q3/2022 vượt dự báo (từ ngày 1/4-30/6/2022) với doanh thu thuần là 12.177 tỷ đồng (giảm 6,2% so với cùng kỳ) và lợi nhuận thuần là 265 tỷ đồng (giảm 84,4% so với cùng kỳ). Lợi nhuận thuần Q3/2022 vượt dự báo của chúng tôi chủ yếu do HSG không trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Cụ thể như sau:

Nhu cầu yếu khiến doanh thu sụt giảm

Trong Q3/2022, sản lượng tiêu thụ giảm mạnh 34,3% so với cùng kỳ xuống 416.838 tấn thép thành phẩm do nhu cầu thấp đối với tất cả sản phẩm thép.

  • Sản lượng tiêu thụ trong nước giảm 41,8% so với cùng kỳ xuống 186.608 tấn sản phẩm thép. Trong đó,sản lượng tiêu thụt ống thép giảm mạnh 60,3% so với cùng kỳ xuống 54.403 tấn trong khi sản lượng tiêu thụ tôn trong nước cũng sụt giảm 27,9% so với cùng kỳ xuống 132.205 tấn. Nhu cầu thấp tại thị trường trong nước cùng với giá thép thành phẩm giảm mạnh từ tháng 5/2022 đã tác động tiêu cực tới sản lượng tiêu thụ nói chung.
  • Sản lượng tiêu thụ trong nước chiếm 44,8% tổng sản lượng tiêu thụ Q3/2022 của HSG so với 50,5% trong Q3/2021.
  • Sản lượng xuất khẩu giảm 26,8% so với cùng kỳ xuống 230.230 tấn sản phẩm thép. Sản lượng xuất khẩu giảm mạnh do lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của HSG bao gồm EU, Mỹ và các quốc gia trong khu vực ASEAN. Trong đó, sản lượng xuất khẩu tôn giảm 26,6% so với cùng kỳ xuống 223,393 tấn trong khi sản lượng xuất khẩu ống thép giảm mạnh 32,1% so với cùng kỳ xuống 6.837 tấn.
  • Sản lượng xuất khẩu chiếm 55,2% sản lượng tiêu thụ thép trong Q3/2022, tăng từ 49,5% trong Q3/2021.

HSC ước tính giá bán bình quân trong Q3/2022 tăng mạnh 41% so với cùng kỳ đạt 28,4 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, giá thép giảm mạnh từ đầu tháng 5/2022 do nhu cầu thấp trên toàn cầu trong bối cảnh Trung Quốc áp dụng các biện pháp phong tỏa chặt chẽ.

Do đó, nhu cầu thấp đã khiến doanh thu thuần giảm 6,2% so với cùng kỳ xuống 12.177 tỷ đồng, tương đương doanh thu 9 tháng đầu năm 2022 đạt 41.772 tỷ đồng (tăng 26,9% so với cùng kỳ), đạt 74,3% dự báo cả năm 2022 của chúng tôi là 56.217 tỷ đồng.

Lợi nhuận thuần sụt giảm do tỷ suất lợi nhuận thu hẹp

Lợi nhuận gộp giảm mạnh 46% so với cùng kỳ xuống 1.595 tỷ đồng, tương đương tỷ suất lợi nhuận gộp là 13,1% so với 22,7% trong Q3/2021. Những nguyên nhân chính khiến tỷ suất lợi nhuận sụt giảm bao gồm:

HSG hưởng lợi từ việc đã tích trữ thành công hàng tồn kho giá rẻ trong Q3/2021. Giá HRC trong 4 tháng đầu năm 2021 (tháng 1-4/2021) dao động trong khoảng 600-670 USD/tấn và bắt đầu tăng mạnh từ tháng 5/2021 sau đó đạt đỉnh trong tháng 7/2021. HSG hưởng lợi trong Q3/2021 từ nguồn hàng tồn kho giá rẻ trong khi giá bán bình quân có xu hướng tăng cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, xu hướng giá HRC và tôn hoàn toàn khác biệt trong Q3/2022. Mặc dù giá HRC bình quân toàn cầu tăng 7,6% so với cùng kỳ, giá HRC đã biến động đáng kể từ tháng 1-6/2022. Thời điểm và giá trị hàng tồn kho tích trữ đã tạo ra nhiều tác động tiêu cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó làm cho tỷ suất lợi nhuận biến động. Giá bán bình quân sản phẩm thép giảm mạnh từ tháng 5/2022 do nhu cầu suy yếu. Từ đó, tỷ suất lợi nhuận giảm mạnh trong tháng 5-6/2022 do chi phí đầu vào tăng và giá bán bình quân giảm.

Chi phí bán hàng & quản lý tăng 17% so với cùng kỳ lên 1.130 tỷ đồng và tương đương 9,3% doanh thu thuần so với 7,4% trong Q3/2021, do tỷ trọng doanh thu xuất khẩu tăng cùng với chi phí logistics tăng. Lỗ tài chính thuần tăng lên 174 tỷ đồng so với lãi tài chính thuần 2 tỷ đồng trong Q3/2021 do lỗ từ chênh lệch tỷ giá tăng 2,2 lần so với cùng kỳ cùng với thu nhập tài chính giảm 71% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, LNTT và LNST giảm mạnh 84,4% xuống lần lượt 313 tỷ đồng và 265 tỷ đồng do tỷ suất lợi nhuận thu hẹp. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận thuần là 1.138 tỷ đồng (giảm 66,3% so với cùng kỳ) và đạt 54,8% dự báo cả năm 2022 của chúng tôi.

HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo

Lưu ý, tổng lượng hàng tồn kho của HSG là 12.345 tỷ đồng vào thời điểm cuối Q3/2022 (tháng 6/2022). Trong đó: nguyên liệu đầu vào chiếm 56% giá trị hàng tồn kho trong khi thành phẩm và sản phẩm thương mại chiếm 40%. HSG không trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho trong Q3/2022 dù giá HRC giảm hơn 35% trong 3 tháng qua. Lợi nhuận Q4/2022 sẽ chịu áp lực và có thể sẽ giảm so với quý trước nếu giá HRC và thép tiếp tục xu hướng giảm trong phần còn lại của năm trong khi nhu cầu toàn cầu vẫn thấp. Do đó, HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo.