Tập đoàn Hoa Sen (HSG): Q4/2022 Lỗ nhiều hơn dự kiến do chi phí dự phòng tăng

Nguồn: HSC

Q4/2022 Lỗ nhiều hơn dự kiến do chi phí dự phòng tăng

 

HSG

 

Tóm tắt

  • KQKD Q4/2022 gây thất vọng với khoản lỗ thuần 887 tỷ đồng, so với lãi thuần 940 tỷ đồng trong Q4/2021 và dự báo của chúng tôi là lỗ thuần 563 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí trích lập dự phòng hàng tồn kho cao hơn so với dự báo.
  • Lợi nhuận thuần giảm do lỗ gộp (chi phí nguyên liệu đầu vào cao và chi phí dự phòng hàng tồn kho) và chi phí bán hàng & quản lý tăng. Nếu không bao gồm khoản chi phí không thường xuyên, lỗ cốt lõi trong Q4/2022 sẽ là 403 tỷ đồng (so với lãi thuần 960 tỷ đồng trong Q4/2021).
  • Nhu cầu và giá thép hiện vẫn đang thấp cùng với sự phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu khiến rủi ro gia tăng. Mặc dù định giá hiện đang hấp dẫn, chúng tôi duy trì khuyến nghị Nắm giữ. Chúng tôi sẽ cân nhắc tích lũy cổ phiếu HSG khi giá HRC hồi phục.

Sự kiện: Công bố KQKD Q4/2022

HSG công bố KQKD Q4/2022 kém khả quan với mức lỗ thuần (887 tỷ đồng) vượt dự báo của chúng tôi (563 tỷ đồng), so với lãi thuần 940 tỷ đồng trong Q4/2021, do doanh thu thuần giảm 49,7% so với cùng kỳ xuống 7.939 tỷ đồng và tỷ suất lợi nhuận giảm mạnh. Nếu không bao gồm các khoản mục không thường xuyên (bao gồm lãi tỷ giá và chi phí trích lập dự phòng hàng tồn kho), lỗ thuần cốt lõi sẽ là 403 tỷ đồng so với lãi thuần 960 tỷ đồng trong Q4/2021. Cụ thể như sau:

Doanh thu giảm một nửa do nhu cầu xuất khẩu thấp

Lưu ý, trong báo cáo mới nhất của chúng tôi “Q3 rất khó khăn, nhưng triển vọng Q4 sẽ cải thiện” ngày 28/10/2022, HSG tiêu thụ được 323.345 tấn sản phẩm thép (giảm 42,7% so với cùng kỳ) do sản lượng xuất khẩu giảm mạnh 75,7% so với cùng kỳ, mặc dù sản lượng tiêu thụ trong nước phục hồi 31,7% so với mức nền thấp cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, giá bán bình quân Q4/2022 cũng giảm mạnh 12,3% so với cùng kỳ xuống 24,6 triệu đồng/tấn. Theo đó, doanh thu thuần Q4/2022 là 7.939 tỷ đồng (giảm 49,7% so với cùng kỳ), tương đương doanh thu cả năm 2022 đạt 49.711 tỷ đồng (tăng trưởng 2,0%).

Lỗ gộp và chi phí bán hàng & quản lý gây áp lực lên lợi nhuận

Trong Q4/2022, HSG lỗ gộp 231 tỷ đồng, giảm mạnh so với lãi gộp 2.474 tỷ đồng trong Q4/2021, chủ yếu do chi phí nguyên liệu đầu vào rất cao và được tích trữ quá mức vào cuối Q3/2022. Lưu ý, hàng tồn kho tính đến cuối Q3/2022 là 12.344 tỷ đồng, tương đương 3,6 tháng sản xuất. Trong Q4/2022, HSG đã trích lập 603 tỷ đồng dự phòng hàng tồn kho so với 96 tỷ đồng trong Q4/2021. Tính đến cuối năm 2022, HSG đã giảm lượng hàng tồn kho xuống chỉ còn 7.374 tỷ đồng (giảm 40,3% so với quý trước), tương đương 2,7 tháng sản xuất.

Do đó, tỷ suất lợi nhuận gộp Q4/2022 là -2,9% so với mức 15,7% trong Q4/2021, tương đương tỷ suất lợi nhuận gộp cả năm 2022 là 9,9% so với 18,2% trong năm 2021.

Tiếp theo, mặc dù chi phí bán hàng & quản lý giảm 44,8% so với cùng kỳ xuống 766 tỷ đồng, tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu tăng lên 9,6% trong Q4/2022, so với mức 8,8% trong Q4/2021, mặc dù tỷ trọng xuất khẩu/doanh thu giảm mạnh. Chi phí lao động tăng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu tăng.

Về tình hình tài chính, HSG lỗ tài chính thuần 14 tỷ đồng, so với lỗ thuần 28 tỷ đồng trong Q4/2021 chủ yếu do chi phí lãi vay giảm 31,1% so với cùng kỳ. Trong Q4/2022, chi phí lãi vay chỉ còn 73,5 tỷ đồng, do dư nợ ngân hàng giảm mạnh. Dư nợ ngắn hạn và dài hạn vào thời điểm cuối năm 2022 lần lượt là 4.070 tỷ đồng (giảm 25,1% so với cùng kỳ) và 116 tỷ đồng (giảm 91,7% so với cùng kỳ). Tỷ lệ nợ thuần/vốn CSH giảm mạnh xuống chỉ còn 0,35 lần, từ 0,58 lần trong năm 2021. HSG đã nỗ lực cắt giảm nợ ngắn hạn bằng cách giảm mạnh hàng tồn kho trong quý vừa qua. Hàng tồn kho giảm và tỷ lệ nợ an toàn hơn sẽ giúp HSG phục hồi nhanh hơn so với các công ty cùng ngành trong thời gian tới.

Từ đó, HSG lỗ thuần 887 tỷ đồng trong Q4/2022 (so với lãi thuần 940 tỷ đồng trong Q4/2021), trong khi chúng tôi dự báo lỗ cốt lõi của HSG sẽ khoảng 403 tỷ đồng so với lãi cốt lõi 960 tỷ đồng trong Q4/2021. Trong cả năm 2022, lợi nhuận thuần giảm mạnh 94,2% so với cùng kỳ xuống 251 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận thuần cốt lõi giảm 85,9% so với cùng kỳ xuống 633 tỷ đồng (không bao gồm các khoản mục không thường xuyên).

KQKD Q1/2023 khó khăn, nhưng sẽ hồi phục so với quý trước

Bảng CĐKT của HSG cải thiện đáng kể trong Q4/2022, với tỷ lệ nợ và hàng tồn kho giảm (xuống biên độ thấp của mức bình quân trong quá khứ). Chúng tôi kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận của HSG sẽ phục hồi so với quý trước trong Q1/2023. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thận trọng đối với nhu cầu xuất khẩu sản phẩm tôn thép trong thời điểm hiện tại, cùng với chính sách tiền tệ thắt chặt trong nước.

Chúng tôi tin rằng việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phong tỏa trong vài tháng tới sẽ là động lực rất lớn đối với toàn ngành thép, trong đó có HSG.

HSG đang giao dịch với với P/E dự phóng 2023 là 8,9 lần so với mức bình quân trong quá khứ là 9,9 lần và P/B dự phóng 2022 là 0,6 lần. Mặc dù định giá tương đối hấp dẫn, chúng tôi cho rằng NĐT nên theo dõi giá HRC phục hồi trước khi tích lũy cổ phiếu. HSC duy trì khuyến nghị Nắm giữ đối với HSG với giá mục tiêu là 11.900đ (thấp hơn 2,9% so với thị giá).