Tập đoàn Lộc Trời (LTG): Đẩy mạnh tập trung mảng gạo có thương hiệu

Nguồn: VCSC

Đẩy mạnh tập trung mảng gạo có thương hiệu

 

  • Chúng tôi cập nhật thông tin dành cho CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) sau báo cáo gần nhất của chúng tôi ngày 09/02/2021.
  • Trong năm 2022, mảng gạo đã vượt mảng thuốc bảo vệ thực vật (CPC) để trở thành mảng đóng góp doanh thu lớn nhất cho LTG (55% tổng doanh thu), tiếp theo là CPC (36%), bao bì (1%) và các mảng khác (2%).
  • LNST sau lợi ích CĐTS năm 2022 đạt 412 tỷ đồng (-1% YoY), chủ yếu do (1) đóng góp doanh thu giảm từ mảng CPC vốn có biên lợi nhuận cao và (2) chi phí lãi vay và chi phí thuế cao hơn.
  • Trong năm 2023, chúng tôi kỳ vọng LTG sẽ được hưởng lợi từ tăng trưởng nhu cầu gạo có thương hiệu toàn cầu – đặc biệt trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung gạo trên thế giới hiện tại.
  • LTG hiện giao dịch với P/E trượt là 7,0 lần – thấp hơn 44% so với trung vị một số công ty cùng ngành là 12,5 lần.
  • LTG cho biết công ty sẽ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25% trong năm 2022 và cổ tức tỷ lệ 30% bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt trong năm 2023.
  • Rủi ro: (1) Dịch bệnh cây trồng; (2) biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn; (3) lãi suất cho vay tăng; (4) tỷ giá USD/VND tăng.
 
Tình trạng thiếu hụt gạo toàn cầu sẽ hỗ trợ giá gạo Việt Nam. Fitch Solutions – nhà cung cấp xếp hạng tín dụng, nhận định và nghiên cứu cho thị trường vốn toàn cầu — ước tính mức thiếu hụt gạo toàn cầu là 8,7 triệu tấn trong niên vụ 2022/2023, đây là mức thâm hụt gạo toàn cầu lớn nhất kể từ niên vụ 2003/2004. Các nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu hụt này là (1) nguồn cung gạo bị thắt chặt do chiến tranh Nga-Ukraine, (2) thời tiết bất lợi cho việc trồng lúa và (3) Ấn Độ (nhà cung cấp gạo lớn thứ hai thế giới) quyết định cấm gạo xuất khẩu gạo tấm vào tháng 9/2022. Do Việt Nam là nước xuất khẩu gạo, chúng tôi cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ giá gạo cao hơn. Trong quý 1/2023, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam là 531 USD/tấn (+9% YoY), mức cao nhất trong 10 năm. Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ở mức cao đến quý 3/2023.
 
Dự báo EU sẽ đóng góp thêm doanh thu cho LTG trong năm 2023. Năm 2022, gạo mang thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” của LTG đã được giới thiệu lần đầu tiên tại hai chuỗi siêu thị bán lẻ lớn tại Pháp — Carrefour và Leclerc. Sau đó, LTG nhận được các đơn đặt hàng bổ sung từ các đối tác EU với tổng sản lượng 400.000 tấn tính đến cuối năm 2022. LTG dự kiến sẽ giao các đơn hàng này trong quý 2/2023. Theo chúng tôi, đây là những tín hiệu tích cực cho thương hiệu gạo chất lượng cao của LTG tại EU. Mặc dù doanh thu từ EU chiếm chưa đến 5% tổng doanh thu năm 2022 của LTG, nhưng chúng tôi dự báo thị trường này sẽ đóng góp nhiều hơn vào thu nhập của LTG trong năm 2023 — đặc biệt nếu giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao do tình trạng thiếu hụt gạo toàn cầu hiện tại. Trong trung hạn, chúng tôi dự phóng LTG sẽ cải thiện biên lợi nhuận gộp nhờ (1) đóng góp doanh thu cao hơn từ mảng gạo có thương hiệu và thuốc trừ sâu sinh học và (2) mở rộng danh mục sản phẩm với các sản phẩm giá trị gia tăng từ lúa gạo.