Tập đoàn Masan (MSN): Khả năng sinh lời được cải thiện, nhưng các mảng kinh doanh tiêu dùng giảm tốc

Nguồn: VCSC

Khả năng sinh lời được cải thiện, nhưng các mảng kinh doanh tiêu dùng giảm tốc

 

MSN

 

Tổng quan KQKD 6 tháng 2022 của MSN

Tập đoàn Masan (MSN) đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022, bao gồm doanh thu đạt 36,0 nghìn tỷ đồng (-13% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 2,6 nghìn,tỷ đồng (+163% YoY). Doanh thu chủ yếu bị ảnh hưởng bởi thoái mảng thức ăn chăn nuôi vào tháng 11/2021. Không tính mảng thức ăn chăn nuôi, tăng trưởng doanh thu tương đương (LFL) là 9% YoY trong 6 tháng đầu năm 2022, với động lực tăng trưởng doanh thu 33% tại Masan High-Tech Materials (MHT) và mức tăng trưởng ở mức 1 chữ số tại Masan Consumer Holdings (MCH). Ngoài ra, MSN đã ghi nhận doanh thu tài chính bất thường trong 6 tháng đầu năm 2022. Không tính (1) khoản lãi bất thường này và (2) đóng góp từ mảng thức ăn chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm 2021, LNST sau lợi ích CĐTS vẫn tăng 214% YoY trên cơ sở LFL, mà chúng tôi cho rằng (1) tận dụng đòn bẩy hoạt động từ việc tăng doanh thu từ MHT (biên lợi nhuận gộp 18% trong 6 tháng đầu năm 2022) và MCH (biên lợi nhuận gộp 40% trong nửa đầu năm 2022), ngoài ra (2) khả năng sinh lời của WinCommerce (WCM) đã cải thiện.

Mặc dù doanh thu giảm, WCM đã góp phần cải thiện lợi nhuận của MSN khi khả năng sinh lời của WCM được cải thiện trong 6 tháng đầu năm 2022 nhờ vào tăng hiệu quả mua hàng và các chương trình khuyến mãi hướng đến đúng đối tượng.

KQKD 6 tháng đầu năm 2022 phần lớn phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi – dù cần thêm đánh giá chi tiết - do doanh thu và LNST sau lợi ích CĐTS cốt lõi hoàn thành 40% và 41% dự báo cả năm tương ứng của chúng tôi. Chúng tôi tin rằng lợi nhuận của MSN sẽ tăng trong các quý tương lai do doanh thu theo quý của MCH thường tăng trong nửa cuối năm.

Các ghi nhận chính từ các mảng kinh doanh

MCH: Tất cả các ngành hàng đều tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2022. Đáng chú ý, thịt chế biến dẫn đầu với mức tăng trưởng 58% YoY (chiếm 7% tổng doanh thu của MCH) với sự tăng trưởng ổn định từ thương hiệu Ponnie. Mảng cà phê và bia cũng có mức tăng trưởng cao lần lượt là 33% YoY và 19% YoY trong 6 tháng đầu năm 2022. Trong khi đó, các danh mục sản phẩm chính như gia vị và thực phẩm tiện lợi chỉ tăng 1 chữ số trong 6 tháng đầu năm 2022 và thậm chí giảm trong quý 2/2022, mà chúng tôi cho là (1) áp lực lạm phát làm giảm sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng và (2) mức cơ sở cao của tháng 5 và tháng 6/2021 khi người tiêu dùng tích trữ hàng hóa thiết yếu trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội. Về vấn đề (1), có một lượng hàng tồn kho lớn của các nhà phân phối do MCH đã nhận định nhu cầu của người tiêu dùng sẽ tăng cao vào quý 4/2021 và đầu năm 2022, do đó khiến doanh số bán hàng thấp trong quý 2/2022. MCH đã giảm doanh số bán hàng vào cuối quý 2/2022 để đưa lượng hàng tồn kho của thị trường quay trở về mức thông thường, tạo ra dư địa tăng trưởng trong mùa hè và mùa mua sắm cuối năm trong nửa cuối 2022. Biên LN gộp của MCH tăng 60 điểm cơ bản YoY 40,2% trong 6 tháng đầu năm 2022 nhờ phòng hộ giá hàng hóa hiệu quả và giá bán trung bình cao hơn. Tuy nhiên, biên EBITDA giảm 30 điểm cơ bản YoY trong quý 2/2022, mà chúng tôi cho rằng một phần là do chi phí logistics cao hơn.

WCM: Trong 6 tháng đầu năm 2022, biên LN gộp và tổng biên lợi nhuận thương mại lần lượt đạt 23% và 29% (theo ước tính của chúng tôi). Mặc dù biên LN gộp tăng lên 23% trong 6 tháng đầu năm 2022 (so với 18% trong 6 tháng đầu năm 2021), biên EBITDA
vẫn tương đối ổn định do tích cực mở rộng cửa hàng và chi phí nhân công cao hơn khiến chi phí thuê mặt bằng và chi phí lương/doanh số bán hàng tăng trong bối cảnh doanh thu LFL (so sánh cùng cơ sở) của WCM thấp hơn trong nửa đầu năm 2022. Trong nửa đầu năm 2022, WCM đã mở 5 cửa hàng WinMart mới và 301 cửa hàng WinMart+ mới.

Biên LN gộp và biên lợi nhuận EBITDA của Masan MEATLife (MML) lần lượt giảm xuống còn 6% và -2,5% trong 6 tháng đầu năm 2022 do biên LN gộp mảng chăn nuôi heo lao dốc do giá heo giảm trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng. Mặt khác, niên EBITDA của mảng thịt heo và thịt gà có thương hiệu được cải thiện trong 6 tháng đầu năm 2022 do mảng thịt heo có thương hiệu được hưởng mức giá thịt heo thấp hơn và giá ổn định hơn trong khi mảng thịt gà được hưởng lợi từ giá bán cao hơn.

MHT: Doanh thu tăng mạnh nhờ giá bán ghi nhận cao hơn và nhu cầu về vonfram tăng. Tuy nhiên, đà tăng trưởng EBITDA chậm lại trong quý 2/2022 khi tăng 52,6% trong 6 tháng đầu năm 2022 và 31,7% trong quý 2/2022.

Tổng quan KQKD 6 tháng 2022 của MSN và các nhận định của chúng tôi được thể hiện ở trang tiếp theo. Chúng tôi không tính mảng thức ăn chăn nuôi do không còn được hợp nhất vào tháng 11/2021 để thực hiện so sánh tương đương (LFL) rõ ràng hơn với các mảng kinh doanh hiện tại.