Tập đoàn Vingroup (VIC): Các mảng kinh doanh cốt lõi tiếp tục hồi phục sẽ bù đắp cho khoản lỗ của VinFast

Nguồn: VCSC

Các mảng kinh doanh cốt lõi tiếp tục hồi phục sẽ bù đắp cho khoản lỗ của VinFast

 

VIC

 

  • Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA đối với Tập đoàn Vingroup (VIC) và tăng giá mục tiêu thêm 6,2% lên 94.900 đồng/cổ phiếu, chủ yếu nhờ định giá cao hơn lần lượt 18% và 7% đối với mảng Công nghiệp và Cho thuê bán lẻ, cũng như số dư nợ ròng thấp hơn vào cuối năm 2022. Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực về việc Vingroup sẽ hưởng lợi mạnh mẽ từ tầng lớp thu nhập trung bình cao vốn đang gia tăng tại Việt Nam thông qua các công ty BĐS như Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE) và Vinpearl.
  • Chúng tôi dự báo LN từ HĐKD (EBIT) năm 2023 của VIC sẽ đạt 10,2 nghìn tỷ đồng so với mức lỗ EBIT là 11,5 nghìn tỷ đồng năm 2022 vì chúng tôi kỳ vọng ghi nhận doanh thu bán bất động sản mạnh và sự phục hồi của mảng Cho thuê bán lẻ sẽ bù đắp cho khoản lỗ EBIT cho mảng Công nghiệp và Khách sạn - nghỉ dưỡng. EBIT dự phóng 2023 và 2024 của chúng tôi thấp hơn 15% và 4% so với các dự báo tương ứng trước đó do chúng tôi dự báo khoản lỗ EBIT cao hơn cho cả 2 mảng này.

  • Giá trị định giá tổng của từng phần sử dụng thị giá hiện tại của VIC, VHM và VRE cho thấy các tài sản còn lại của VIC là VinFast, Vinpearl, Vinmec và VinSchool có trị giá khoảng 1,5 tỷ USD so với định giá của chúng tôi đối với các tài sản này là 2,6 tỷ USD. Chúng tôi cho rằng yếu tố hỗ trợ của VHM và VRE dựa trên định giá của chúng tôi đối với 2 cổ phiếu này cũng khiến giá cổ phiếu VIC hiện tại trở nên hấp dẫn.
  • Rủi ro: Việc mở bán các đại dự án bất động sản mới chậm hơn dự kiến; bàn giao xe chậm hơn dự kiến.

Doanh số bán BĐS chưa ghi nhận cao và hoạt động cho thuê bán lẻ phục hồi sẽ đảm bảo lợi nhuận năm 2023. Chúng tôi kỳ vọng lượng doanh số bán BĐS chưa ghi nhận cao từ dự án The Empire và The Crown (chiếm 71% tổng lượng doanh thu chưa ghi nhận tính đến cuối năm 2022 ở mức 107,6 nghìn tỷ đồng) sẽ hỗ trợ mảng BĐS của VIC vào năm 2023. Trong khi đó, chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của mảng Cho thuê bán lẻ sẽ tiếp tục cải thiện nhờ giá thuê cao hơn và tỷ lệ lấp đầy cao hơn.

Sự trở lại của du khách Trung Quốc chậm hơn dự kiến và chi tiêu của người tiêu dùng thấp hơn có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của mảng khách sạn - nghỉ dưỡng. Chúng tôi cho rằng sự phục hồi của du lịch quốc tế sẽ hỗ trợ cải thiện công suất phòng và giá phòng của Vinpearl. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng sự trở lại của du khách Trung Quốc chậm hơn dự kiến và sức chi tiêu của người tiêu dùng trong nước yếu hơn sẽ dẫn đến quá trình phục hồi kéo dài hơn dự kiến. Do đó, chúng tôi điều chỉnh giảm 6% dự báo doanh thu năm 2023 cho mảng khách sạn - nghỉ dưỡng xuống 9,1 nghìn tỷ đồng (+21% YoY). Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) doanh thu 2023-2025 đạt 27%, hỗ trợ EBIT 2025 đạt mức dương 2,2 nghìn tỷ đồng.

Nhiều kế hoạch huy động vốn từ VIC để hỗ trợ việc mở rộng thị trường của VinFast tại Mỹ. Về kế hoạch huy động vốn của VinFast, VIC đang tìm kiếm các cơ hội huy động vốn khác nhau từ đợt IPO tiềm năng của VinFast và thị trường vốn quốc tế. Ngoài ra, chúng tôi kỳ vọng VIC và chủ tịch HĐQT sẽ tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của VinFast. Theo ban lãnh đạo, VinFast đã được trao giấy phép “Air Permit” – đây là giấy phép cuối cùng theo yêu cầu – và đang chuẩn bị xây dựng nhà máy ở Bắc Carolina của VinFast. VinFast tiếp tục giữ kế hoạch đưa nhà máy tại Mỹ đi vào sản xuất thử nghiệm vào cuối năm 2024. Chúng tôi dự báo tổng đầu tư vốn đầu tư cho giai đoạn 2023-2025 là 100,7 nghìn tỷ đồng (4,3 tỷ USD), được tài trợ bởi mức tăng nợ vay huy động ròng dự kiến của chúng tôi là 108,9 nghìn tỷ đồng (4,6 tỷ USD) trong giai đoạn này.