Tập đoàn Vingroup (VIC): Lợi nhuận Q2/2022 vượt dự báo nhờ lợi nhuận tài chính

Nguồn: HSC

Lợi nhuận Q2/2022 vượt dự báo nhờ lợi nhuận tài chính

 

VIC

 

Tóm tắt

  • KQKD Q2/2022 vượt dự báo, chủ yếu nhờ lợi nhuận tài chính từ thoái vốn tại một số công ty con. 
  • Vinpearl hồi phục mạnh hơn kỳ vọng trong khi kết quả của Vinfast (loại bỏ các khoản mục không thường xuyên) kém hơn kỳ vọng một chút. Tác động thuần từ việc dừng sản xuất xe xăng đối với lợi nhuận ít tiêu cực hơn nhiều so với dự đoán của HSC.
  • HSC đang xem xem xét lại khuyến nghị Mua vào, giá mục tiêu và dự báo. Hiện thị giá cổ phiếu VIC đang chiết khấu 35,6% so với RNAV, cao hơn so với mức bình quân là 21,4% trong 2 năm qua.

Sự kiện: Công bố KQKD Q2/2022 và tổ chức hội nghị chuyên viên phân tích

VIC đã công bố KQKD Q2/2022 với lợi nhuận thuần đạt 3.191 tỷ đồng, tăng 120% so với cùng kỳ và doanh thu đạt 13.854 tỷ đồng (giảm 63% so với cùng kỳ). Kết quả 6 tháng đầu năm 2022 lần lượt bằng 610% và 21,1% dự báo lợi nhuận thuần và doanh thu của HSC cho cả năm 2022.

KQKD nói chung vượt dự báo của HSC chủ yếu nhờ lợi nhuận tài chính từ bán cổ phần tại các công ty con cao hơn ước tính. Về KQKD bộ phận, Vinpearl đạt kết quả cao hơn kỳ vọng trong khi Vinfast (loại bỏ các khoản mục không thường xuyên) thấp hơn một chút so với kỳ vọng của chúng tôi.

KQKD của các mảng trái chiều

BĐS nhà ở: Doanh thu BĐS Q2/2022 đạt 2,4 nghìn tỷ đồng (giảm 91,1% so với cùng kỳ). Trong kỳ, Công ty chủ yếu ghi nhận từ 3 dự án lớn như sau: Vinhomes Ocean Park (0,9 nghìn tỷ đồng), Vinhomes Smart City (0,3 nghìn tỷ đồng) và Vinhomes Grand Park (0,5 nghìn tỷ đồng).

Doanh thu thấp hơn dự báo chủ yếu vì ghi nhận từ dự án Vinhomes Smart City và Vinhomes Ocean Park thấp hơn. Tuy nhiên, mức chênh giữa dự báo của HSC và kết quả thực hiện không lớn. Chúng tôi vẫn kỳ vọng lợi nhuận từ BĐS trong năm nay sẽ rơi nhiều vào nửa cuối năm, chủ yếu nhờ bàn giao sản phẩm thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 2.

Lợi nhuận gộp đạt 30,7%; thấp hơn ước tính của HSC vì biên lợi nhuận xây lắp thấp. Để biết thông tin chi tiết, vui lòng tham khảo Báo cáo nhanh về KQKD Q2/2022 của VHM phát hành ngày 28/7/2022.

Cho thuê mặt bằng: Doanh thu Q2/2022 hồi phục 33% so với cùng kỳ và 35,5% so với quý trước đạt 2 nghìn tỷ đồng. Doanh thu mảng này khả quan hơn kỳ vọng vì VRE không phát sinh chi phí hỗ trợ khách hàng thuê trong kỳ (so với ước tính của HSC là hỗ trợ 150-200 tỷ đồng); và (2) tỷ lệ lấp đầy trong kỳ cao hơn một chút so với kỳ vọng. Tỷ suất lợi nhuận gộp cũng cao hơn dự báo và đạt 54,1%. Để biết thông tin chi tiết, vui lòng tham khảo Báo cáo nhanh về KQKD Q2/2022 của VRE phát hành ngày 28/7/2022.

Khách sạn nghỉ dưỡng: Doanh thu Q2/2022 hồi phục mạnh mẽ, tăng 117,8% so với cùng kỳ và 49,4% so với quý trước đạt 2 nghìn tỷ đồng. Theo Công ty, số đêm phòng bán được của Vinpearl đã tăng 63% so với quý trước và tăng 26% so với cùng kỳ, nhờ du lịch nội địa tăng mạnh và du khách quốc tế bắt đầu quay trở lại. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch (VNAT), khách du lịch nội địa trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 60,8 triệu lượt, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 100% mục tiêu VNAT đặt ra cho năm 2022. HSC kỳ vọng đà hồi phục sẽ tiếp diễn trong các quý còn lại của năm nhờ hoạt động vui chơi giải trí đang dần quay trở lại mức trước dịch Covid-19.

Sản xuất: Doanh thu mảng sản xuất (gồm Vinfast và xe máy điện) đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, giảm 29,9% so với cùng kỳ vì số lượng xe bàn giao trong Q2/2022 giảm. Mảng này ghi nhận lỗ gộp là 9,9 nghìn tỷ đồng, cao hơn 53,6% so với mức lỗ gộp cùng kỳ.

Vinfast đã ghi nhận lãi từ thanh lý tài sản cố định trong kỳ với giá trị là 4,46 nghìn tỷ đồng, xuất phát từ việc chuyển nhượng tài sản cố định liên quan đến sản xuất xe xăng. Lợi nhuận không thường xuyên này giúp bù vào chi phí khấu hao được ghi nhận nhanh trong kỳ (do dừng sản xuất xe xăng). Tác động thuần từ 2 động thái trên làm cho chi phí từ việc dừng sản xuất xe xăng hạch toán trong 6 tháng đầu năm 2022 thấp hơn đáng kể so với ước tính của chúng tôi.

Giáo dục và y tế: Doanh thu các mảng này đạt 1.774 tỷ đồng, tăng mạnh 64,3% so với cùng kỳ và nói chung sát kỳ vọng của HSC. Tuy nhiên, các mảng này lỗ gộp 253 tỷ đồng (giảm 37% so với cùng kỳ), chênh một chút so với dự báo của chúng tôi.

Lợi nhuận tài chính đã hỗ trợ lợi nhuận thuần

VIC ghi nhận 6,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận tài chính trong Q2/2022 so với 1 nghìn tỷ đồng trong cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu HĐ tài chính trong kỳ đạt 10,7 nghìn tỷ đồng, tăng 172,3% so với cùng kỳ chủ yếu đến từ việc thoái vốn tại một số công ty con, công ty liên kết (vẫn giữ quyền quản trị và vận hành).

Chi phí bán hàng & quản lý trong kỳ là 5.548 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ, nói chung sát với ước tính của HSC.

Tóm lại, LNTT Q2/2022 của Vingroup đạt 1,4 nghìn tỷ đồng (giảm 61,1% so với cùng kỳ) trong khi thuế suất thuế TNDN là 63,3%. Thuế TNDN ở mức cao vì một số công ty con lỗ và không thể dùng để bù vào cho thuế TNDN tại các công ty con có lãi cũng như lãi tài chính.

Lợi nhuận thuần đạt 3,2 nghìn tỷ đồng, tăng 120,1% so với cùng kỳ và cao hơn dự báo của HSC chủ yếu nhờ lợi nhuận tài chính cao hơn dự báo.

Bảng CĐKT: tỷ lệ vay nợ giảm nhẹ

Tại thời điểm cuối Q2/2022, nợ thuần của VIC giảm 9,1% xuống còn 118 nghìn tỷ đồng so với 130 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối Q1/2022, chủ yếu nhờ dòng tiền từ bán sản phẩm BĐS tại VHM. Tỷ lệ nợ thuần/vốn CSH giảm còn 0,9 lần từ 0,97 lần tại thời điểm cuối Q1/2022. Chúng tôi cho rằng tỷ lệ vay nợ nói chung hiện vẫn khá cao và cần được theo dõi sát.

HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo

HSC đang xem xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo. Hiện thị giá cổ phiếu VIC đang chiết khấu 35,6% so với RNAV, cao hơn so với mức bình quân 21,4% trong 2 năm qua.