Tập đoàn Vingroup (VIC): Triển vọng bán BĐS ổn định; VinFast cạnh tranh thị phần xe điện (EV)

Nguồn: VCSC

Triển vọng bán BĐS ổn định; VinFast cạnh tranh thị phần xe điện (EV)

 

VIC

 

  • Chúng tôi giữ nguyên khuyến nghị MUA đối với Tập đoàn Vingroup (VIC) và giá mục tiêu là 112.000 đồng/cổ phiếu do cập nhật mô hình định giá đến giữa năm 2023, thay đổi phương pháp định giá cho mảng công nghiệp sang phương pháp giá trị sổ sách so với EV/doanh thu trước đây và bị ảnh hưởng bởi nợ ròng cao hơn tính đến cuối quý 1/2022.
  • Chúng tôi vẫn giữ quan điểm lạc quan về việc Vingroup có hưởng lợi mạnh mẽ từ tầng lớp thu nhập trung bình cao vốn đang gia tăng tại Việt Nam - đặc biệt thông qua các công ty bất động sản như Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE) và Vinpearl. Chúng tôi cũng đánh giá cao tiềm năng của VinFast trong việc trở thành thương hiệu xe điện hàng đầu trong nước cũng như nhà sản xuất xe điện toàn cầu trong dài hạn.
  • Trong năm 2022, chúng tôi tiếp tục kỳ vọng lợi nhuận cao từ mảng bán BĐS và lợi nhuận phục hồi của mảng cho thuê bán lẻ, điều này sẽ bù đắp cho khoản lỗ từ kinh doanh (EBIT) mảng khách sạn - nghỉ dưỡng và công nghiệp. Chúng tôi dự báo tổng EBIT và thu nhập tài chính ở mức 28 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 so với 23 nghìn tỷ đồng dự báo trước đó, chủ yếu là do việc thoái vốn các mảng kinh doanh không cốt lõi cao hơn dự kiến trong quý 1/2022. Chúng tôi dự phóng LNST trong năm 2022 là 5,3 nghìn tỷ đồng.
  • Giá trị định giá tổng của từng phần sử dụng thị giá hiện tại của VIC, VHM và VRE cho thấy các tài sản còn lại của VIC là VinFast, Vinpearl, Vinmec và VinSchool có trị giá là 1,78 tỷ USD (so với định giá của chúng tôi là 1,83 tỷ USD). Chúng tôi cho rằng yếu tố hỗ trợ của VHM và VRE dựa trên định giá của chúng tôi đối với hai cổ phiếu này (chi tiết hơn trong Báo cáo cập nhật VHM ngày 25/05 và Báo cáo cập nhật VRE ngày 24/05) cũng khiến giá cổ phiếu VIC hiện tại trở nên hấp dẫn - đặc biệt là sau đà điều chỉnh đáng kể của giá cổ phiếu VIC trong quý 1/2022.
  • Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: Các đại dự án BĐS mới mở bán chậm hơn dự kiến; bàn giao xe chậm hơn dự kiến.

Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng các đại dự án bất động lớn mới sẽ được mở bán và mảng khách sạn nghỉ dưỡng và mảng cho thuê bán lẻ sẽ phục hồi vào năm 2022. Theo ban lãnh đạo, đợt mở bán lẻ The Empire - Ocean Park 2 (trước đây là Dream City) vào cuối tháng 4/2022 có tỷ lệ hấp thụ cao nhờ vị trí chiến lược và khả năng bán hàng mạnh. Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng triển vọng doanh số bán hàng khả quan đối với các đại dự án mới khác như Đại An - Ocean Park 3, Wonder Park và Cổ Loa. Ngoài ra, chúng tôi kỳ vọng mảng khách sạn nghỉ dưỡng và mảng cho thuê bán lẻ sẽ được thúc đẩy bởi du lịch khi Việt Nam có tỷ lệ tiêm chủng cao và các chuyến bay được nối lại - đặc biệt là trong kỳ nghỉ hè.

Kế hoạch tăng vốn cho VinFast; Lỗ từ HĐKD tăng nhằm củng cố thị phần. Theo dữ liệu gần nhất từ ban lãnh đạo, các mẫu xe EV của VinFast thu hút được nhiều sự chú ý với khoảng 24.000 đơn đặt hàng trước cho VFe34 trong 3 tháng kể từ khi mở cọc vào tháng 3/2021; cũng đã có khoảng 60.000 đơn đặt hàng trước cho VF8 và VF9 tính đến cuối quý 1/2022. Dù tình hình khó khăn hiện nay liên quan đến việc thiếu hụt linh kiện, VinFast có kế hoạch tiếp tục cung cấp mẫu VFe34 trong nước và cung cấp các mẫu VF8 và VF9 cả trong nước và quốc tế vào cuối năm 2022. Chúng tôi cũng kỳ vọng VIC sẽ tiếp tục đầu tư vào xe điện thông qua các kế hoạch tăng vốn bổ sung nhằm thúc đẩy chiến lược trở thành nhà sản xuất xe điện toàn cầu, bao gồm nhà máy sản xuất pin VinES với tổng vốn đầu tư cho Giai đoạn 1 là 4,0 nghìn tỷ đồng dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào quý 4/2022. Trong năm 2022, công ty có kế hoạch huy động tối đa 1,0 tỷ USD trái phiếu quốc tế để tài trợ cho mảng công nghiệp. Đợt trái phiếu quốc tế đầu tiên trị giá 525 triệu USD được phát hành vào tháng 5/2022 với thời hạn 5 năm và quyền chọn đổi thành cổ phiếu VinFast do VIC sở hữu.