Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX): Giá cổ phiếu đã phản ánh khá đầy đủ một số điều chỉnh tích cực trong Nghị Định 95

Nguồn: VCSC

Giá cổ phiếu đã phản ánh khá đầy đủ một số điều chỉnh tích cực trong Nghị Định 95

 

PLX

 

  • Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 35% lên 38.400 đồng/CP nhưng điều chỉnh hạ khuyến nghị từ KHẢ QUAN xuống PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) do giá cổ phiếu của công ty đã tăng 40% trong 2 tháng qua.
  • Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu do chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023-2024 thêm khoảng 30% khi chúng tôi nâng dự báo sản lượng bán hàng trong nước của PLX thêm khoảng 8%. Chúng tôi cho rằng PLX hưởng lợi từ việc giành được thị phần từ các công ty yếu hơn thông qua sản lượng bán hàng cao hơn.
  • Chúng tôi duy trì giả định lợi nhuận trên mỗi lít xăng dầu trong giai đoạn 2023-2027 vì các đợt điều chỉnh thành phần giá cơ sở (premium & chi phí vận chuyển định mức) trong quý 4/2022 gần như bù đắp được premium và chi phí thực tế của PLX, theo công ty. Chúng tôi cho rằng điều này là nhờ thị phần vượt trội và quy mô lớn của PLX mang lại cho PLX lợi thế cạnh tranh về chi phí so với các công ty cùng ngành.
  • Chúng tôi dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 sẽ tăng gấp đôi đạt 3,3 nghìn tỷ đồng nhờ lợi nhuận trên mỗi lít xăng dầu tăng 8% YoY và sản lượng bán hàng trong nước tích cực đạt 10,4 triệu m3 (đi ngang YoY so với mức tăng trưởng bất thường 24% YoY trong năm 2022). Chúng tôi cũng dự phóng LNST năm 2024 sẽ quay về mức trước dịch COVID-19.
  • Với mạng lưới phân phối và kho chứa lớn nhất cả nước, chúng tôi cho rằng PLX sẽ được hưởng lợi từ mức tăng trưởng nhu cầu xăng dầu kỳ vọng trong dài hạn của Việt Nam là 4,1%/năm trong giai đoạn 2022-2027 (theo Chính phủ), gấp 4 lần tốc độ tăng trưởng toàn cầu.
  • Ngoài ra, chúng tôi cho rằng PLX có định giá hợp lý với P/E dự phóng năm 2023 là 16,6 lần.
  • Yếu tố hỗ trợ: Lãi bất thường từ việc thoái vốn PG Bank; lợi nhuận trên mỗi lít xăng dầu cao hơn dự kiến do điều chỉnh Nghị định 95.
  • Rủi ro: Rủi ro chính sách; giá dầu thô biến động bất lợi; sự trở lại của tình trạng thiếu xăng dầu.

Bộ Công Thương đề xuất cơ chế giá bán lẻ xăng dầu mới. Gần đây, Bộ Công Thương đã đề xuất 3 phương án sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP. Bộ Tài chính đã thống nhất với phương án 3 cho phép các nhà phân phối xăng dầu tự định giá bán lẻ xăng dầu và bỏ quỹ bình ổn xăng dầu. Đồng thời, chu kỳ điều chỉnh giá sẽ giảm từ 10 ngày xuống còn 7 ngày để phản ánh chính xác hơn diễn biến giá dầu thế giới. Chúng tôi cho rằng việc phê duyệt cơ chế giá mới sẽ cần thêm thời gian, nhưng sẽ có tác động tích cực đến lợi nhuận của PLX.

Nguồn cung nhiên liệu vẫn chưa chắc chắn vào năm 2023. Theo PLX, việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (NSR) ngừng hoạt động kỹ thuật trong 15 ngày vào tháng 1/2023 đã không có tác động đáng kể đến công ty. Tuy nhiên, loại trừ mọi khả năng xảy ra khó khăn tài chính tương tự như năm 2022 vào năm 2023, NSR dự kiến sẽ trải qua 55 ngày bảo dưỡng lớn (bắt đầu từ ngày 25/08/2023) so với kỳ vọng trước đây của chúng tôi là chỉ 10 ngày. Do cả NSR và BSR sẽ tiến hành bảo dưỡng lớn trong quý 2-3/2023, chúng tôi cho rằng hoạt động tìm nguồn cung ứng của PLX sẽ gặp khó khăn đồng thời có khả năng ảnh hưởng nguồn cung nhiên liệu của Việt Nam.