Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX): Lợi nhuận dự kiến bắt đầu phục hồi từ năm 2023

Nguồn: VCSC

Lợi nhuận dự kiến bắt đầu phục hồi từ năm 2023

 

PLX

 

  • Chúng tôi giảm giá mục tiêu thêm cho Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (PLX) thêm 18% nhưng nâng khuyến nghị từ KHẢ QUAN lên MUA vì giá cổ phiếu của công ty đã giảm khoảng 30% trong 3 tháng qua. Theo quan điểm của chúng tôi, PLX có định giá hấp dẫn với EV/EBITDA năm 2023 dự phóng là 7,8 lần và P/E là 16,0 lần.
  • Chúng tôi giảm giá mục tiêu 18% đến từ việc chúng tôi giảm dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2022-2026 thêm 25% do 1) tác động tiêu cực của nguồn cung giảm ngoài dự kiến của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (NSR) khiến PLX phải nhập khẩu xăng dầu trong bối cảnh bất lợi vào năm 2022 và 2) những nỗ lực của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá dầu tăng cao có khả năng làm giảm biên lợi nhuận dài hạn của PLX.
  • Chúng tôi dự báo lợi nhuận giảm 7,5% YoY trong năm 2022 do nguồn cung trong nước không ổn định trong quý 1/2022 và giá nhập khẩu có khả năng cao làm ảnh hưởng đến lợi nhuận/lít của mảng phân phối xăng dầu.
  • Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của PLX sẽ dần cải thiện trong các quý tương lai và phục hồi 43,3% YoY vào năm 2023 với nguồn cung trong nước và nhập khẩu ổn định và có kế hoạch tốt.
  • PLX được hưởng lợi từ mức tăng trưởng nhu cầu xăng dầu dài hạn dự kiến của Việt Nam là 5,5% trong giai đoạn 2021-2026 (theo kế hoạch của Chính phủ - gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng toàn cầu dự kiến là 1,6% theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế). Theo đó, chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS đạt 15,0% trong giai đoạn 2021-2026.
  • PLX có tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng đến từ các dịch vụ ngoài xăng dầu tại các trạm xăng và khí hóa lỏng.
  • PLX cũng có năng lực tài chính mạnh có thể cho phép công ty trả cổ tức tiền mặt ở mức 1.200/2.000 đồng/CP cho năm 2022/2023 và 3.000 đồng/CP cho giai đoạn 2024-2026 (lợi suất 7%).
  • Rủi ro: Giá dầu biến động bất lợi.

Nguồn cung không ổn định từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (NSR), giá dầu biến động và tăng cao đã ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của PLX trong năm 2022. Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo LNST năm 2022 xuống 35,7% do 1) tác động tiêu cực khi hiệu suất hoạt động của NSR hơn dự kiến còn khoảng 65%-67% và tiêu thụ xăng dầu phục hồi thấp làm ảnh hưởng đến lợi nhuận quý 1/2022 của PLX và 2) giá dầu hiện đang ở mức cao và biến động có khả năng tiếp tục ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của PLX trong các quý tiếp theo, do công ty tăng nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung. PLX gần đây đã công bố kế hoạch LNTT năm 2022 là 3,1 nghìn tỷ đồng (-19,1% YoY), cho thấy quan điểm thận trọng của ban lãnh đạo về triển vọng năm 2022; chúng tôi cho rằng mục tiêu này là thận trọng và chúng tôi kỳ vọng PLX sẽ vượt 24% so với kế hoạch của công ty.

Nỗ lực của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá dầu tăng cao có thể làm giảm biên lợi nhuận dài hạn của PLX. Chúng tôi đã điều chỉnh giảm 10,3% dự báo lợi nhuận/lít dài hạn của PLX và 23,3% LNST trong giai đoạn 2023-2026. Trong khi chúng tôi nâng dự báo giá dầu Brent trong Báo cáo cập nhật ngành năng lượng ngày 08/04/2022, rủi ro lạm phát và nỗ lực của Chính phủ để kiểm soát giá xăng dầu có thể làm giảm lợi nhuận/lít của PLX trong giai đoạn 2023-2026 so với kỳ vọng trước đó của chúng tôi.

Quá trình phục hồi dự kiến sẽ bắt đầu từ năm 2023. Theo Bộ Công Thương, NSR đã cam kết hoạt động với công suất khoảng 80%-85% và sử dụng nhiều hàng nhập khẩu hơn để đảm bảo nguồn cung trong quý 2/2022. Chúng tôi kỳ vọng kế hoạch này có thể giúp PLX đảm bảo nguồn cung ứng đầu vào và phục hồi lợi nhuận trong quý 2/2022. Trong năm 2023, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận đạt 43,3% YoY nhờ nguồn cung ổn định và tăng trưởng sản lượng đạt 5,3% YoY.