Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX): Nghị định 95 sửa đổi có lợi nhẹ cho các nhà phân phối xăng dầu

Nguồn: VCSC

Nghị định 95 sửa đổi có lợi nhẹ cho các nhà phân phối xăng dầu

 

PLX

  • 341 cổ đông (đại diện cho 93,1% tổng số cổ phiếu đang lưu hành) đã tham dự ĐHCĐ của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (PLX) vào ngày 26/6, thảo luận về kế hoạch thận trọng của công ty cho năm 2023, nguồn cung xăng dầu, Nghị định 95, quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh và tiến trình tái cơ cấu.
  • Cổ đông đã thông qua kế hoạch năm 2023 với doanh thu đạt 190 nghìn tỷ đồng (-38% YoY) và LNTT đạt 3,2 nghìn tỷ đồng (+42% YoY), mà chúng tôi tin rằng kế hoạch này đến từ kế hoạch sản lượng xuất bán thận trọng của công ty. Trong 9 năm qua, sản lượng bán thực tế của PLX cao hơn trung bình 6% mục tiêu đề ra. Mục tiêu LNTT năm 2023 của PLX tương đương 78% dự báo LNTT cốt lõi năm 2023 của chúng tôi.
  • Cổ đông đã thông qua mức cổ tức tiền mặt năm 2022 là 700 đồng/cổ phiếu, cao hơn dự báo của chúng tôi về việc không chia cổ tức tiền mặt. Trước đó, PLX đặt mục tiêu trả cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 12% trên mệnh giá cho năm 2022. PLX đặt mục tiêu cổ tức trên cổ phiếu năm 2023 đạt 1.000 đồng so với dự báo của chúng tôi là 1.500 đồng.
  • PLX đã đảm bảo nguồn nhập khẩu thay thế để giảm thiểu tác động của việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn ngừng hoạt động để bảo dưỡng. Ban lãnh đạo PLX khẳng định có đủ nguồn cung xăng dầu ngay cả trong thời gian bảo dưỡng Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.
  • Việc sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP (quy định về giá xăng dầu) đang chờ phê duyệt. Ngđịnh này có thể sẽ cho phép các thương nhân phân phối xăng dầu được mua từ nhiều hơn 1 nhà cung cấp và tự định giá bán lẻ. Chúng tôi kỳ vọng những sửa đổi này sẽ mang lại lợi ích nhẹ cho các thương nhân phân phối xăng dầu.
  • PLX đã hoàn tất việc thoái vốn tại PG Bank (PGB) và dự định thoái vốn Petrolimex Lào vào năm 2023. Ngoài ra, PLX đặt mục tiêu giảm tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (HNX: PLC) từ 79% xuống 51%-65% trong dài hạn.  
  • Theo ban lãnh đạo  PLX, giai đoạn nhu cầu đạt đỉnh đối với nhiên liệu hóa thạch được dự báo sẽ là giai đoạn 2030-2035. Sau giai đoạn này, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch dự kiến sẽ giảm dần và chuyển sang sử dụng năng lượng xanh.
  • PLX sẽ không đầu tư vào LNG Nam Vân Phong. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến dự báo của chúng tôi vì chúng tôi chưa đưa dự án này vào định giá của chúng tôi.

Cổ đông đã thông qua kế hoạch thận trọng cho năm 2023. PLX công bố kế hoạch năm 2023 với doanh thu là 190 nghìn tỷ đồng (-38% YoY) và LNTT là 3,2 nghìn tỷ đồng (+42% YoY). Kế hoạch doanh thu tương đương 89% dự báo cả năm của chúng tôi, mà chúng tôi cho rằng là do mục tiêu sản lượng bán hàng thận trọng của PLX thấp hơn 6% so với dự báo hiện tại của chúng tôi. Chúng tôi lưu ý rằng doanh số bán hàng thực tế của công ty bình quân vượt 6% so với mục tiêu đặt ra trong 9 năm qua. Ngoài ra, kế hoạch LNTT (tương đương 67% dự báo cả năm của chúng tôi) tương tự như kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt tại ĐHCĐ bất thường của PLX vào tháng 12/2022. Chúng tôi cho rằng mục tiêu này dựa trên kế hoạch sản lượng bán hàng thận trọng của PLX và chưa bao gồm lợi nhuận từ việc thoái vốn PGB. Chúng tôi hiện ước tính khoản LNTT trị giá 685 tỷ đồng từ việc thoái vốn này, tương đương khoảng 14% dự báo LNTT năm 2023 của chúng tôi. Nếu không tính đến khoản LNTT này, chúng tôi ước tính kế hoạch LNTT năm 2023 của PLX tương đương 78% dự báo LNTT cốt lõi năm 2023 của chúng tôi.

PLX đã đảm bảo nguồn xăng dầu nhập khẩu thay thế để giảm thiểu tác động của việc đóng cửa Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Ban lãnh đạo xác nhận PLX đã chủ động tìm nguồn xăng dầu nhập khẩu từ các nước ASEAN khác để đối phó với kế hoạch ngừng hoạt động 55 ngày để bảo dưỡng nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (bắt đầu từ ngày 25/8). Ban lãnh đạo cũng đã cân nhắc rủi ro xung đột Nga – Ukraine tiếp diễn, nhưng ban lãnh đạo kỳ vọng nguồn cung sẽ ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hụt như năm 2022.

Việc sửa đổi Nghị định 95 có thể hỗ trợ nhẹ cho các nhà phân phối xăng dầu. Bộ Tư pháp vừa tổ chức họp lấy ý kiến góp ý dự thảo do Bộ Công Thương trình Chính phủ. Nội dung sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP bao gồm 3 nội dung chính: 1) giảm chu kỳ điều chỉnh giá từ 10 ngày xuống còn 7 ngày, 2) cho phép các thương nhân phân phối xăng dầu có thể mua từ nhiều hơn một nhà cung cấp, và 3) cho phép họ tự đặt giá bán lẻ riêng. Các nội dung này phù hợp với phương án hai đã được đề xuất trước đó.

PLX đang chuẩn bị chuyển đổi sang năng lượng xanh. Theo ban lãnh đạo PLX, giai đoạn 2030- 2035 được dự báo là giai đoạn nhu cầu cao nhất đối với nhiên liệu hóa thạch. Sau giai đoạn này, PLX kỳ vọng việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ giảm dần khi khách hàng chuyển sang sử dụng năng lượng xanh như xe điện, năng lượng mặt trời và hydro. Do việc chuyển sang xe điện là xu thế tất yếu, PLX đã quyết định tham gia vào cơ sở hạ tầng xe điện — cụ thể là ở dạng trạm sạc và cơ sở thay pin. Ngày 3/6/2022, PLX đã ký kết hợp tác với VinFast để vận hành mạng lưới trạm sạc xe điện tại các CHXD Petrolimex. Ngày 14/10/2022, PLX và VinFast khai trương dịch vụ sạc xe điện tại 10 cửa hàng xăng dầu đầu tiên của Petrolimex trên khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam. Hiện tại, PLX có 50-60 trạm sạc EV.

Ngoài ra, như một phần trong định hướng phát triển của PG Tanker (công ty con 100% cổ phần của PLX), PLX sẽ vận chuyển LNG và hydro lỏng.

PLX sẽ tiếp tục theo đuổi các kế hoạch đã đề ra tại ĐHCĐ bất thường tháng 12/2022, bao gồm kế hoạch sản xuất kinh doanh và Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025. PLX được chấp thuận tăng vốn điều lệ trong 3 năm tới với mục tiêu vốn cổ phần dự kiến là 20 nghìn tỷ đồng. PLX dự kiến tăng ư vốn điều lệ bằng thặng dư vốn cổ phần. Do đó, chúng tôi  dự báo tỷ lệ sở hữu Nhà nước sẽ giữnguyên ở mức 75,87% và không pha loãng EPS.