Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX): Tinh chỉnh hoạt động kinh doanh

Nguồn: SSI

Tinh chỉnh hoạt động kinh doanh

 

PLX

 

KQKD Q4.2022

PLX đạt 1,65 nghìn tỷ đồng LNTT trong Q4.2022, mức cao nhất kể từ Q3.2021 và mang lại mức tăng trưởng đáng kể 99% so với cùng kỳ và 426% so với quý trước nhờ điều chỉnh tăng một số thành phần trong giá bán lẻ xăng dầu và biến động của tỷ giá theo chiều hướng thuận lợi.

Sản lượng tiêu thụ tiếp tục tăng trưởng mạnh do gián đoạn nguồn cung: Sản lượng tiêu thụ trong nước của PLX trong Q4.2022 đạt mức cao kỷ lục là 2,87 triệu m3, tăng 16% so với quý trước và 34,7% so với cùng kỳ, trong đó, sản lượng bán lẻ tăng 14,6% so với quý trước và tăng 45,7% so với cùng kỳ đạt 1,88 triệu m3. Nguyên nhân là do nguồn cung tại thị trường trong nước bị gián đoạn, đặc biệt trong nửa đầu quý 4 khi giá bán lẻ không được điều chỉnh theo chi phí hoạt động của các nhà phân phối, dẫn đến việc một số cửa hàng xăng dầu chịu thua lỗ và tạm thời phải đóng cửa.

Ngoài ra, việc siết chặt kiểm soát tình trạng buôn lậu xăng dầu và gián đoạn sản xuất nội địa cũng giúp tăng sản lượng tiêu thụ qua kênh chính ngạch, điều này được thể hiện qua sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng mạnh 28% so với cùng kỳ lên 8,9 triệu m3/tấn, chiếm 34% nguồn cung trong nước (mặc dù sản lượng sản xuất trong nước vẫn tăng 13% so với cùng kỳ trong năm 2022).

Sau hai năm tăng trưởng âm giai đoạn 2020-2021, sản lượng tiêu thụ trong nước của PLX đã tăng 24% so với cùng kỳ trong năm 2022 lên 10,44 triệu m3, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua. Sản lượng bán lẻ từ hệ thống COCO của PLX thậm chí còn tăng cao hơn là 31% so với cùng kỳ và đóng góp 63% vào tổng sản lượng tiêu thụ. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của sản lượng tiêu thụ trong nước và sản lượng tiêu thụ bán lẻ giai đoạn 2017-2022 lần lượt là 3,5% và 5,6%.

Biên lợi nhuận gộp phục hồi do hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho và điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu: Biên lợi nhuận gộp trong Q4.2022 phục hồi lên mức 5,5% so với mức trung bình 3,6% trong ba quý trước, phần lớn là do việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Chính phủ điều chỉnh premium trong nước (chênh lệch giữa số tiền mà các nhà phân phối phải trả cho các nhà máy lọc dầu trong nước và giá thế giới) đối với xăng và dầu diesel trung bình 200 đồng/lít. Ngoài ra, chi phí vận chuyển tiêu chuẩn từ nhà máy lọc dầu trong và ngoài nước đến đại lý phân phối cũng tăng lần lượt 55 đồng/lít và 360 đồng/lít trong 2 tháng đầu quý 4.

Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp của PLX được hỗ trợ nhờ dự phòng hàng tồn kho giảm 363 tỷ đồng so với quý trước (tương đương 0,5% doanh thu) xuống mức 68 tỷ đồng do giá xăng dầu ổn định hơn.

Lợi nhuận từ mảng hàng không phục hồi nhờ du lịch cải thiện: Trong năm 2022, tổng lượng khách du lịch hồi phục mạnh 161% - cao hơn so với mức tăng tổng số chuyến bay là 146%. Điều này đã giúp thúc đẩy lợi nhuận từ mảng hàng không tăng 201% so với cùng kỳ đạt khoảng 450 tỷ đồng trong năm 2022, đóng góp khoảng 20% vào tổng LNTT.

Hoàn nhập lỗ tỷ giá trong Q4.2022: Do đồng VND tăng giá 1,1% so với đồng USD, PLX đã ghi nhận khoản lãi tỷ giá 303 tỷ đồng trong Q4.2022, giúp đảo chiều khoản lỗ lũy kế trong 9T2022.

Việc thoái vốn khỏi PGB đang ở giai đoạn cuối cùng: PLX gần đây đã công bố thoái vốn khỏi PGB thông qua đấu giá công khai vào ngày 7/4 với mức giá khởi điểm là 21.300 đồng/cổ phiếu, tương đương với PBV trượt 12 tháng là 1,4x. PLX là cổ đông lớn nhất của PGB với tỷ lệ sở hữu là 40%.

PGB đã mang lại khoản lãi ròng 405 tỷ đồng trong năm 2022, đóng góp khoảng 11% lợi nhuận ròng của PLX. Chúng tôi ước tính việc thoái vốn PGB thành công có thể giúp PLX thu về 2,6 nghìn tỷ đồng và ghi nhận khoản lãi bất thường hơn 700 tỷ đồng. Con số này tương đương với 18% LNTT năm 2023 và khoảng 2% giá trị sổ sách năm 2023 của công ty (trước khi thoái vốn).

Việc triển khai thêm các dịch vụ giá trị gia tăng tại các trạm xăng có thể hỗ trợ tăng trưởng dài hạn: Trong ngắn hạn, PLX dự kiến triển khai các dịch vụ liên quan đến xe tải, như là ăn uống, nhà nghỉ, rửa xe, giặt là…tại các trạm xăng lớn. Công ty dự kiến sẽ thử nghiệm mô hình mới ở khoảng 10-20 trạm xăng lớn từ năm 2023 trước khi triển khai hàng loạt. Mô hình mới này sẽ chiếm khoảng 10% tổng số trạm bán lẻ của PLX trong dài hạn và có thể giúp thúc đẩy doanh thu xăng dầu cũng như biên lợi nhuận tại mỗi trạm.

Ước tính lợi nhuận

Chúng tôi dự báo LNTT năm 2023 của PLX sẽ tăng trưởng mạnh 76% so với cùng kỳ, đạt 4 nghìn tỷ đồng.

Chúng tôi kỳ vọng tổng sản lượng nội địa có thể tăng 4% lên khoảng 10,86 triệu tấn/m3 trong năm 2023. Tăng trưởng sản lượng tiêu thụ trong năm 2023 có thể sẽ chậm hơn so với năm 2022 do mức nền cao và nguồn cung của các nhà phân phối khác ổn định hơn. Gần đây, Chính phủ đã phân giao tổng sản lượng xăng dầu cho các đơn vị bán buôn trong năm 2023 là 27,34 triệu m3/tấn, tăng 15% so với cùng kỳ, sau khi sản lượng được chỉ định trong năm 2022 giảm 7% so với nhu cầu thực tế.

Tuy nhiên, biên lợi nhuận có thể được hỗ trợ bởi tác động của việc điều chỉnh công thức tính giá bán lẻ xăng dầu trong cả năm.

Ngoài ra, triển vọng của mảng hàng không có thể cải thiện do ngành du lịch phục hồi. Chính phủ đặt kế hoạch tổng lượng khách du lịch trong năm 2023 sẽ tăng 5% so với cùng kỳ, chủ yếu là do lượng khách du lịch nước ngoài tăng 130% so với cùng kỳ lên 8 triệu (vẫn thấp hơn 55% so với năm 2019).

Định giá và luận điểm đầu tư

PLX đang giao dịch với P/E 2023 là 18x. Dựa trên P/E mục tiêu không đổi là 20x, chúng tôi điều chỉnh tăng giá mục tiêu 1 năm lên 40.000 đồng/cổ phiếu (từ 35.800 đồng/cổ phiếu) nhờ triển vọng lợi nhuận được cải thiện. Tuy nhiên, do giá cổ phiếu đã tăng 19% kể từ báo cáo gần đây nhất của chúng tôi, chúng tôi hạ khuyến nghị đối với cổ phiếu PLX từ KHẢ QUAN xuống TRUNG LẬP. Chúng tôi chưa đưa sự kiện thoái vốn khỏi PGB vào định giá. Tuy nhiên, sự kiện này có thể sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá cổ phiếu trong ngắn hạn.