TCT Khí Việt Nam (GAS): Lợi nhuận nửa đầu năm 2023 giảm từ mức đỉnh trong nửa đầu năm 2022

Nguồn: SSI

Lợi nhuận nửa đầu năm 2023 giảm từ mức đỉnh trong nửa đầu năm 2022

 

PVS

 

Kết quả kinh doanh sơ bộ nửa đầu năm 2023: Theo kết quả kinh doanh sơ bộ, doanh thu và lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2023 của GAS ước tính lần lượt đạt 45,8 nghìn tỷ đồng và 6,04 nghìn tỷ đồng, tương ứng với mức giảm lần lượt là -16% và -30% svck do giá dầu điều chỉnh, trong khi sản lượng tiêu thụ vẫn duy trì ổn định. Do đó, doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt giảm 11% và 51% svck trong Q2/2023 so với mức đỉnh trong nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng lợi nhuận ròng thực tế thường cao hơn so với ước tính sơ bộ khoảng 15- 25%.

Sản lượng tiêu thụ khí khô trong nửa đầu năm 2023 tăng nhẹ 1%svck đạt 3,99 triệu m3, vượt 3% so với kế hoạch nửa đầu năm 2023, do mức tiêu thụ của các nhà máy điện (chiếm 75% tổng sản lượng) tăng 2%. Ngược lại, sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp phân bón và khách hàng công nghiệp ước tính đã giảm 7% svck trong nửa đầu năm. Sản lượng tiêu thụ khí khô của công ty tính riêng trong Q2/2023 ước tính tăng 3% svck và 11% so với quý trước.

Sản lượng tiêu thụ LPG ước tính tăng 4% svck đạt 1,06 triệu tấn trong nửa đầu năm 2023.

Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm 2023 ước tính giảm xuống mức 16%, từ mức 20% trong nửa đầu năm 2022, nguyên nhân là do:

(1) Giá dầu giảm ảnh hưởng đến giá bán khí khô cho các nhà máy điện và phân bón từ các bể Cửu Long và Nam Côn Sơn I&II vốn tính trực tiếp dựa vào giá dầu, trong khi giá nguyên liệu đầu vào của các bể Cửu Long và Nam Côn Sơn I&II (trừ mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh) tăng với tỷ lệ cố định.

(2) Sản lượng từ bể Cửu Long, vốn có giá đầu vào thấp hơn và tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với các bể khác, giảm 18% svck xuống còn khoảng 400 triệu m3 do trữ lượng giảm dần và một số mỏ tạm dừng khai thác để bảo trì.

(3) Tỷ trọng doanh thu từ các khách hàng công nghiệp có mức giá cao hơn (và tỷ suất lợi nhuận) giảm.

LNG Thị Vải: Ngày 10/7, GAS đã tiếp nhận tàu LNG đầu tiên từ Indonesia với khối lượng 70 nghìn tấn, do Shell cung cấp để chạy thử nghiệm cho Kho cảng LNG Thị Vải. LNG từ kho cảng có thể được phân phối cho khách hàng qua đường ống dẫn khí (LNG được tái khí hóa và bơm vào đường ống Thị Vải – Phú Mỹ để cung cấp cho các khách hàng gần khu công nghiệp Phú Mỹ 3, Cái Mép và khu vực lân cận) hoặc vận chuyển qua xe bồn tới các khách hàng ở xa hệ thống đường ống. Công ty đã ký hợp đồng khung với nhiều nhà cung cấp LNG lớn đến từ Mỹ, Châu Âu, Trung Đông và Châu Á.

Trong thời gian tới, GAS đang tiến hành nghiên cứu mở rộng đường ống vận chuyển khí Phú Mỹ - TP.HCM và đường ống dẫn đến các nhà máy điện Nhơn Trạch 3 & 4, đây sẽ là khách hàng sử dụng chính của dự án. Theo POW, các nhà máy điện này dự kiến sẽ lần lượt đi vào hoạt động vào cuối năm 2024 và giữa năm 2025.

Kho cảng LNG Thị Vải dự kiến sẽ cung cấp lượng khí hàng năm là 1,4 tỷ m3 khi đạt công suất tối đa, tương đương khoảng 18% sản lượng khí khô tiêu thụ hàng năm hiện tại của GAS. Theo ban lãnh đạo, dự án có thể mang lại khoảng 12-14 nghìn tỷ đồng doanh thu trong giai đoạn đầu và 35 nghìn tỷ đồng sau khi giai đoạn hai hoàn thành, giúp tăng gấp ba công suất của dự án lên 3 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, ban lãnh đạo không kỳ vọng mảng LNG sẽ đóng góp đáng kể đến lợi nhuận của công ty trong ngắn hạn.

Sơn Mỹ LNG: Ngày 11/7, tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định chấp thuận đầu tư cho dự án kho cảng Sơn Mỹ LNG, trong đó GAS nắm giữ 61% cổ phần và AES của Mỹ nắm giữ 39% còn lại. Dự án có vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, giai đoạn 1 có công suất là 3,6 triệu tấn/năm, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2027 đến 2028, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy điện Sơn Mỹ 1 và 2. Công suất của kho cảng Sơn Mỹ có thể mở rộng lên khoảng 6 - 10 triệu tấn/năm trong các giai đoạn tiếp theo.

Tác động của dự án Lô B – Ô Môn: Chính phủ đang đẩy nhanh việc phê duyệt đại dự án Lô B, với việc chuyển quyền sở hữu Nhà máy điện Ô Môn III & IV từ EVN sang PVN theo cập nhật mới nhất. Nếu Lô B đạt được Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào cuối năm 2023 theo kịch bản cơ sở của chúng tôi thì dự án có thể tiến hành khai thác dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026 hoặc đầu năm 2027.

Dự án này dự kiến sẽ cung cấp lượng khí hàng năm khoảng 2,7 tỷ m3 trong năm đầu tiên hoạt động và khoảng 5 tỷ m3 trong năm 2030, tương đương 35% và 65% sản lượng khí hàng năm hiện tại của công ty, với điều kiện Nhà máy điện Ô Môn đi vào vận hành theo đúng kế hoạch.

Như đã đề cập trước đó, chúng tôi ước tính dự án sẽ mang lại tổng doanh thu vận tải hơn 7 tỷ USD trong suốt vòng đời của dự án. Tuy nhiên, một phần lợi nhuận này sẽ bù đắp cho sản lượng của các bể Cửu Long và Nam Côn Sơn đang cạn dần, tổng sản lượng dự kiến sẽ giảm từ 4,44 tỷ m3 trong năm 2022 xuống còn 900 triệu m3 trong năm 2030.

Ước tính lợi nhuận và định giá

Chúng tôi giữ nguyên ước tính lợi nhuận ròng năm 2023 của GAS là 12,3 nghìn tỷ đồng (-18% svck). Chúng tôi đưa ra các ước tính cho năm 2024 và kỳ vọng lợi nhuận sau thuế của công ty sẽ tăng nhẹ 2,6% svck đạt 12,6 nghìn tỷ đồng, nhờ sản lượng tiêu thụ phục hồi 4% khi nhu cầu của khách hàng công nghiệp phục hồi.

GAS đang giao dịch với P/E 2024F là 15,5x. Chúng tôi duy trì khuyến nghị TRUNG LẬP đối với cổ phiếu GAS và nâng giá mục tiêu 12 tháng lên 106.000 đồng/cổ phiếu (từ 103.000 đồng/cổ phiếu), dựa trên EPS năm 2024 (từ EPS 2023) và P/E mục tiêu 1 năm không đổi là 16,5x.