Nguồn: HSC
Tóm tắt
Sự kiện: Công bố doanh số tháng 2/2023 của các liên doanh
Doanh số xe máy của Honda – liên doanh quan trọng nhất của VEA – đã bất ngờ phục hồi trong tháng 2/2023, chỉ giảm 4% so với cùng kỳ. Trong khi doanh số ô tô trên toàn quốc tiếp tục kém tích cực (chỉ tăng 2% so với mức nền thấp cùng kỳ năm ngoái), doanh số ô tô của các liên doanh VEA vượt trội so với thị trường giúp thị phần của các liên doanh cải thiện mạnh.
Xe máy: Chỉ giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ
Doanh số xe máy của Honda – liên doanh do VEA sở hữu 30% cổ phần, thường đóng góp khoảng 63% tổng lợi nhuận – giảm 4% so với cùng kỳ (giảm 37% so với tháng trước do hiệu ứng mùa vụ) xuống 140.669 xe trong tháng 2/2023. Trong 2 tháng đầu năm 2023, doanh số xe máy của Honda giảm 12% so với cùng kỳ. Mặc dù không có số liệu hàng tháng về thị trường xe máy (cung cấp theo quý), nhưng doanh số xe máy của Honda thường chiếm khoảng 80% tổng doanh số thị trường.
Chúng tôi kỳ vọng doanh số xe máy sẽ tăng trưởng trở lại từ tháng 5/2023, do hoạt động sản xuất tại thời điểm này trong năm ngoái chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp phong tỏa tại Thượng Hải khiến nguồn cung một số phụ tùng chính trở nên khan hiếm.
Ô tô: Giành thêm thị phần
Tổng doanh số ô tô trên thị trường Việt Nam trong tháng 2/2023 tăng 2% so với cùng kỳ và 37% so với tháng trước đạt 29.261 xe. Các liên doanh của VEA tăng trưởng vượt trội so với thị trường với tổng doanh số tăng 34% so với cùng kỳ và thị phần tăng lên 30,8% (tăng 7,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ, với hơn một nửa doanh số đến từ Vinfast). Doanh số của VEA tăng vượt trội chủ yếu do doanh số của Ford tăng 5 lần so với cùng kỳ đạt 2.632 xe, bù đắp cho doanh số của Honda giảm 24% so với cùng kỳ xuống 1.385 xe.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, tổng doanh số ô tô tại Việt Nam giảm 27% so với cùng kỳ do nhu cầu thấp; Doanh số của các liên doanh của VEA giảm nhẹ hơn ở mức 12% so với cùng kỳ, cũng được hỗ trợ nhờ doanh số của Ford tăng 3,2 lần so với cùng kỳ, bù đắp cho doanh số sụt giảm của Toyota (giảm 27% so với cùng kỳ) và Honda (giảm 49% so với cùng kỳ). Theo đó, thị phần của các liên doanh của VEA tăng 5,4 điểm phần trăm lên 31,4%.
Đề xuất của Chính phủ để hỗ trợ nhu cầu
Chính phủ mới đây đã yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Công Thương nghiên cứu chính sách hoãn nộp thuế TTĐB và ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước và báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/3/2023. Trong khi chính sách hoãn thuế sẽ giúp hạ nhiệt áp lực dòng tiền của các doanh nghiệp sản xuất ô tô, chính sách giảm lệ phí trước bạ sẽ hỗ trợ nhu cầu – từ đó sẽ tác động tích cực đối với VEA.
Lưu ý, trong 3 năm qua (2020-2022), những chính sách này đã nhiều lần được đưa ra để hỗ trợ ngành sản xuất ô tô trong nước – và đã phát huy hiệu quả. Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước đã được ban hành 2 lần (một lần trong nửa cuối năm 2020 và một lần từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022). Lệ phí trước bạ là 10-12% dựa trên giá mua cuối cùng người tiêu dùng phải trả, do đó, việc giảm 50% lệ phí sẽ giúp tiết kiệm 5-6% giá xe.
Đối với ưu đãi lệ phí trước bạ, Bộ Tài chính sẽ phải cân nhắc giữa lợi ích và chi phí đối với ngân sách nhà nước. Với việc lệ phí trước bạ giảm, ngân sách nhà nước sẽ thu ít hơn trên mỗi xe được bán, nhưng doanh số gia tăng có thể bù đắp lại.
HSC duy trì khuyến nghị Mua vào và giá mục tiêu
HSC duy trì dự báo đối với VEA với lợi nhuận thuần lần lượt là 7.149 tỷ đồng (giảm 6% so với cùng kỳ) và 7.537 tỷ đồng (tăng trưởng 5%) trong năm 2023 và 2024. Lưu ý, lợi nhuận từ các công ty liên doanh được dự báo sẽ đóng góp 91-92% lợi nhuận thuần của VEA, trong đó lợi nhuận từ mảng xe máy của Honda được dự báo sẽ đóng góp khoảng 70% tổng lợi nhuận của liên doanh.
VEA đang giao dịch với P/E dự phóng 2023 là 7,1 lần và P/E trượt dự phóng 1 năm là 7,0 lần, so với mức bình quân trong quá khứ là 9,3 lần (tính từ năm 2019). Với định giá rất hấp dẫn và lợi suất cổ tức cao lần lượt là 11% và 15% trong năm 2022 và 2023, HSC duy trì khuyến nghị Mua vào đối với VEA.