Thép Nam Kim (NKG): Sản lượng tiêu thụ tháng 4/2022 hồi phục so với cùng kỳ

Nguồn: HSC

Sản lượng tiêu thụ tháng 4/2022 hồi phục so với cùng kỳ

 

NKG

 

Tóm tắt

Trong tháng 4/2022, NKG tiêu thụ khoảng 94.000 tấn (tăng 3,9%) sản phẩm thép sau 2 tháng sản lượng tiêu thụ giảm so với cùng kỳ trong tháng 2/2022 và tháng 3/2022, chủ yếu nhờ sản lượng xuất khẩu hồi phục.

Sản lượng xuất khẩu tăng 52,5% đạt 60.000 tấn nhờ nhu cầu cao, chủ yếu tại thị trường châu Âu, trong khi sản lượng tiêu thụ trong nước giảm 33% do nhu cầu nội địa thấp trong bối cảnh giá thép cao.

Ngày 17/5/2022, Chủ tịch HĐQT đăng ký mua vào 3 triệu cổ phiếu NKG (tương đương 1,4%) trong bối cảnh giá cổ phiếu giảm mạnh thời gian gần đây. HSC duy trì khuyến nghị Mua vào đối với NKG nhờ định giá rất hấp dẫn.

Sự kiện: Cập nhật sản lượng tiêu thụ tháng 4/2022 và 4 tháng đầu năm 2022

NKG đã tiêu thụ khoảng 94.000 tấn (tăng 3,9% so với cùng kỳ) sản phẩm thép trong tháng 4/2022 nhờ sản lượng xuất khẩu phục hồi, mặc dù sản lượng tiêu thụ nội địa giảm.

Ngoài ra, ngày 17/5/5022, Chủ tịch HĐQT đã đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu NKG, tương đương 1,4% cổ phần. Cụ thể như sau:

Sản lượng tiêu thụ tháng 4/2022 hồi phục so với cùng kỳ nhờ hoạt động xuất khẩu hồi phục.

Hoạt động xuất khẩu

Theo NKG, Công ty đã xuất khẩu khoảng 60.000 tấn tôn trong tháng 4/2022, tăng 52,5% so với cùng kỳ do nhu cầu mạnh mẽ, chủ yếu từ thị trường châu Âu. Nhờ hoạt động xuất khẩu phục hồi kể từ tháng 3/2022, sản lượng xuất khẩu lũy kế 4 tháng đầu năm 2022 đạt 215.127 tấn (tăng 12,5% so với cùng kỳ).

Lưu ý, NKG xuất khẩu sản phẩm thông qua hợp đồng kỳ hạn 2 tháng. Sản lượng xuất khẩu thấp trong 2 tháng đầu năm do vấn đề về logistics, cùng với nhu cầu thấp tại thời điểm ký hợp đồng (tháng 12/2021, kỳ nghỉ lễ Giáng sinh).

Tuy nhiên, giá HRC đã chạm đáy sau kỳ nghỉ Tết vào đầu tháng 2/2022. Kể từ đó, nhu cầu thép đã tăng mạnh trên toàn cầu, đặc biệt là tại các nước châu Âu trong bối cảnh chiến tranh giữa Nga/Ukraina kéo dài. Do ảnh hưởng của cuộc xung đột, sản lượng xuất khẩu tháng 3 và tháng 4/2022 đã tăng mạnh so với 2 tháng đầu năm 2022 và so với cùng kỳ.

Tiêu thụ trong nước

Mặt khác, sản lượng tiêu thụ nội địa trong tháng 4/2022 giảm 33,5% so với cùng kỳ xuống 34.000 tấn do nhu cầu trong nước yếu trong bối cảnh giá thép tăng cao. Lưu ý, thị trường trong nước mua bán theo giá giao ngay. Giá thép đã chạm đáy sau kỳ nghỉ Tết và tăng mạnh vào tháng 3 và đầu tháng 4/2022.

Tuy nhiên, do giá thép cao, nhu cầu trong nước đã suy yếu trong tháng 4/2022 trong bối cảnh giá HRC trên toàn cầu giảm sau khi Trung Quốc bắt đầu áp dụng các biện pháp phong tỏa. Điều này đã tác động tiêu cực đến nhu cầu thép trong nước của Việt Nam. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, sản lượng tiêu thụ nội địa đạt 136.210 tấn (giảm 2,2% so với cùng kỳ).

Nhìn chung, sản lượng tiêu thụ trong tháng 4/2022 và 4 tháng đầu năm 2022 của NKG đạt lần lượt 94.000 tấn (tăng 3,9% so với cùng kỳ) và 351.337 tấn (tăng 6,3% so với cùng kỳ). Trong đó, sản lượng xuất khẩu chiếm 61,2% tổng sản lượng tiêu thụ 4 tháng đầu năm 2022, tăng so với mức 57,9% trong 4 tháng đầu năm 2021. Sản lượng tiêu thụ nội địa đóng góp 38,8%.

Lợi nhuận Q2/2022 được kỳ vọng sẽ tăng mạnh

HSC kỳ vọng sản lượng tiêu thụ bình quân mỗi tháng có thể đạt khoảng 95.000- 100.000 tấn thép trong phần còn lại của năm. Trong đó:

Sản lượng xuất khẩu được dự báo đạt 60.000 tấn/tháng, đóng góp 60% sản lượng tiêu thụ. NKG đã ký thành công các hợp đồng xuất khẩu đến cuối tháng 7/2022 chủ yếu tập trung tại thị trường châu Âu. Sản lượng xuất khẩu sang châu Âu hiện đóng góp 50% tổng sản lượng xuất khẩu hàng tháng của NKG. Các thị trường xuất khẩu khác bao gồm Úc, Mỹ và các nước ASEAN.

Nhu cầu trong nước ổn định và NKG dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 35.000-40.000 tấn thép thành phẩm/tháng với giá giao ngay

Nhờ sản lượng tiêu thụ dự kiến sẽ cải thiện trong Q2/2022, cùng với giá bán bình quân tăng, HSC tin rằng lợi nhuận Q2/2022 sẽ tăng so với Q1/2022. Bên cạnh việc tỷ suất lợi nhuận mở rộng đáng kể tại các thị trường xuất khẩu (đặc biệt là trong tháng 5 và tháng 6/2022), NKG nhiều khả năng sẽ tiếp tục thực hiện hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho trị giá 100 tỷ đồng trong Q2/2022.

Hiện tại, HSC dự báo lợi nhuận thuần Q2/2022 sẽ đạt khoảng 695 tỷ đồng (tăng 37,6% so với quý trước mặc dù giảm 17,9% so với cùng kỳ do mức nền cao). Theo đó, lợi nhuận thuần 6 tháng đầu năm 2022 đạt 1.200 tỷ đồng (tăng 3% so với cùng kỳ).

Chủ tịch HĐQT nâng tỷ lệ sở hữu NKG

Ngày 17/5/2022, ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch HĐQT của NKG, đã đăng ký mua vào 3 triệu cổ phiếu NKG trong bối cảnh giá cổ phiếu giảm mạnh thời gian gần đây. Thời gian thực hiện giao dịch từ ngày 23/5/2022 đến 21/6/2022 thông qua phương thức khớp lệnh hoặc giao dịch thỏa thuận.

Hiện tại, Chủ tịch đang nắm giữ 28,2 triệu cổ phiếu NKG, tương đương 12,83% cổ phần. Sau giao dịch, ông Quang sẽ nắm giữ tối đa 31,2 triệu cổ phiếu, tương đương 14,2% cổ phần của Công ty.

Các hoạt động khác của Công ty

NKG đang trình hồ sơ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2021 cho UBCKNN phê duyệt. Sau khi UBCKNN chấp thuận, NKG sẽ phát hành cổ phiếu mới để chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu và chi trả thêm 1.000đ/cp cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2021, lợi suất cổ tức là 3,7%.

Theo đó, NKG sẽ phát hành 20% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, tương đương 43,9 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2021. Cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 20 cổ phiếu mới. Vốn điều lệ sau khi phát hành sẽ đạt 2.633 tỷ đồng.

HSC duy trì khuyến nghị Mua vào, giá mục tiêu và dự báo

HSC hiện dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận thuần năm 2022 đạt lần lượt 29.729 tỷ đồng (tăng trưởng 6%) và 1.930 tỷ đồng (giảm 13,3%). NKG đang giao dịch với P/E dự phóng 2022 và P/E trượt dự phóng 1 năm lần lượt là 2,9 lần và 3,2 lần, so với mức P/E trượt dự phóng 1 năm bình quân trong quá khứ là 7,2 lần (kể từ năm 2019). Ngoài ra, P/B dự phóng 2022 chỉ là 0,7 lần, mức rất rẻ. HSC duy trì khuyến nghị Mua vào đối với NKG nhờ triển vọng tốt và định giá rẻ, với giá mục tiêu là 55.800đ (tiềm năng tăng giá là 117%).