Thép Nam Kim (NKG): Vốn XDCB mới thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn; cổ phiếu bị quá bán

Nguồn: VCSC

Vốn XDCB mới thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn; cổ phiếu bị quá bán

 

NKG

 

  • Chúng tôi nâng khuyến nghị cho CTCP Thép Nam Kim (NKG) từ PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG lên KHẢ QUAN dù giảm giá mục tiêu thêm 24% còn 34.000 đồng/CP. Giá cổ phiếu NKG đã giảm 40% trong 3 tháng qua.
  • Chúng tôi giảm giá mục tiêu 22% do việc chúng tôi tăng dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2022-2026 thêm 21% nhờ đóng góp mới từ nhà máy Phú Mỹ giúp bù đắp cho 1) số dư tiền mặt thấp hơn vào cuối quý 1/2022 so với cuối năm 2021, 2) giả định vốn XDCB tại nhà máy Phú Mỹ - Giai đoạn 1 đạt 1,5 nghìn tỷ đồng trong năm 2023 và 3) P/E mục tiêu thấp hơn.
  • NKG báo cáo LNST sau lợi ích CĐTS tăng mạnh đạt 507 tỷ đồng (+59% YoY và +12% QoQ) trong quý 1/2022 nhờ công ty hoàn nhập 300 tỷ đồng chi phí dự phòng, khoản tiền này đã hỗ trợ biên lợi nhuận gộp của công ty dù mức chênh lệch giữa giá thép cuộn cán nóng đầu vào (HRC) và giá bán tôn mạ thành phẩm trong quý thu hẹp.
  • Do doanh thu và biên lợi nhuận quý 1/2022 của NKG nhìn chung phù hợp với dự báo của chúng tôi, chúng tôi duy trì dự báo LNST sau lợi ích CĐTS đạt 1,6 nghìn tỷ đồng (-28% YoY) trong năm 2022.
  • Giá cổ phiếu NKG đã giảm 42% trong 3 tháng qua do giá thép giảm ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư đối với các cổ phiếu thép. Giá cổ phiếu giảm mạnh đã khiến định giá của NKG trở nên hấp dẫn với P/E dự phóng đạt 4,2 lần trong năm tài chính 2022 so với P/E trượt của các công ty cùng ngành trong khu vực là 7,5 lần.
  • Yếu tố hỗ trợ: sản lượng bán tăng mạnh hơn dự kiến, giá thép cao hơn dự kiến.
  • Rủi ro: Biên lợi nhuận giảm do chi phí HRC đầu vào cao hơn không thể chuyển sang khách hàng thông qua việc tăng giá bán trung bình (ASP).

Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng sản lượng bán trong nước sẽ phục hồi vào năm 2022 trong khi doanh số xuất khẩu giảm từ mức cơ sở cao. Trong quý 1/2022, tổng sản lượng bán tôn mạ và ống thép của toàn ngành đã tăng 7% YoY - với doanh số trong nước tăng 20% YoY. Trong khi đó, doanh số xuất khẩu giảm 11% YoY và chiếm 36% tổng doanh số của toàn ngành (so với mức 47% trong cả năm 2021). Tổng sản lượng bán tôn mạ và ống thép trong quý 1/2021 của NKG đạt 265.400 tấn (+11% YoY). Do tiến độ bán hàng quý 1/2022 của NKG nhìn chung phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi, chúng tôi duy trì dự báo tổng sản lượng bán tôn mạ và ống thép năm 2022 của chúng tôi ở mức 1,1 triệu tấn (+3% so với năm 2021).

Chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận gộp sẽ tăng trong quý 2/2022 nhờ giá HRC dao động thuận lợi từ tháng 11/2021 đến tháng 2/2022. Chúng tôi duy trì dự báo biên lợi nhuận gộp năm 2022 ở mức 13,1% khi chúng tôi cho rằng việc giá HRC điều chỉnh cũng tạo cơ hội tích lũy HRC trước khi giá HRC phục hồi trong tháng 3/2022, điều này sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận trong quý 2/2022. Ngoài ra, NKG vẫn có khoản dự phòng hàng tồn kho trị giá 120 tỷ đồng có thể hoàn nhập trong năm 2022. 

Chúng tôi phản ánh giai đoạn đầu của nhà máy Phú Mỹ mới của NKG vào mô hình định giá. Chúng tôi phản ánh vào mô hình định giá 1,5 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư dự kiến cho nhà máy Phú Mỹ - Giai đoạn 1 (400.000 tấn/năm sản phẩm tôn mạ) sẽ được ghi nhận hoàn toàn vào năm 2023, qua đó chúng tôi tăng dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn thêm 21%.