Thị trường Trái phiếu doanh nghiệp

Nguồn: MBS

Thị trường Trái phiếu doanh nghiệp

 

 

Bộ Tài Chính đang lấy ý kiến từ các chuyên gia về dự thảo sửa đổi lần thứ 5, bổ sung Nghị định 153 với nhiều quy định chặt chẽ. Dự kiến bản dự thảo sửa đổi số 5 đề cao tính minh bạch và chống lại các rủi ro gian lận trong quá trình phát hành trái phiếu. Các quy định như trong dự thảo sẽ khiến cho kênh huy động vốn bằng phát hành trái phiếu riêng lẻ khó khăn hơn trước. Thị trường TPDN sẽ kém sôi động hơn so với năm ngoái trước khi có các chính sách rõ ràng và các doanh nghiệp và nhà đầu tư đều cần thời gian để làm quen và thích ứng dần với sự thay đổi trong chính sách, và pháp lý.

Sau quý 1 tương đối ảm đạm với 70,6 nghìn tỷ đồng được huy động, khối lượng trái phiếu phát hành trong quý 2 đã khả quan trở lại, tuy nhiên tổng khối lượng trong 6 tháng đầu năm vẫn giảm hẳn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong Quý 2, có 112.802 tỷ đồng TPDN được phát hành qua các kênh riêng lẻ và công chúng, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó chỉ có 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng của CTCP Đầu Tư và Thương Mại TNG, chiếm 0,2% tổng giá trị phát hành. Tổng kết 6 tháng đầu năm, khối lượng TPDN phát hành đạt 183.477 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 5.309,46 tỷ đồng được phát hành ra công chúng. Kỳ hạn bình quân gia quyền của các trái phiếu huy động là 3,2 năm, ngắn hơn 0,69 năm so với mức trung bình năm 2021. Lãi suất huy động bình quân 6,4%, thấp hơn 1,7 điểm phần trăm so với bình quân năm 2021.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động tích cực hơn trong quý 2, chủ yếu ở nhóm ngành Ngân hàng. Trong 3 tháng gần nhất, các ngân hàng đã phát hành 80,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu. Tổng cộng trong 6 tháng đầu năm, có 21 ngân hàng khác nhau huy động được 90,1 nghìn tỷ đồng trái phiếu, tỷ lệ 49%. Kỳ hạn bình quân gia quyền các trái phiếu ngân hàng là 3,76 năm. Mức lãi suất bình quân đạt 5%/năm. Các ngân hàng đang nỗ lực tăng vốn nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR), đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn và chuẩn bị nguồn vốn sẵn sàng cho nhu cầu phục hồi kinh tế trong năm 2022.

Nhóm đứng thứ 2 về mặt khối lượng trái phiếu phát hành là nhóm Bất động sản, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong quý 2/2022 suy giảm khi tổng số đợt phát hành trong quý chỉ đạt với 10,8 nghìn tỷ đồng TPDN, còn từ đầu năm lượng trái phiếu huy động lên tới 44,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 24% tổng lượng trái phiếu phát hành. Lãi suất bình quân gia quyền của những trái phiếu bất động sản là 9,7%/năm, tăng 1,8 điểm phần trăm so với năm 2021 trong khi kỳ hạn bình quân là 2,45 năm.

Các doanh nghiệp khác phát hành gần 48.825 tỷ đồng TPDN, trong đó chủ yếu thuộc ngành Xây dựng/ Vật liệu xây dựng với gần 17 nghìn tỷ đồng trái phiếu phát hành trong 6 tháng, chiếm 9,2% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ. Lãi suất huy động trái phiếu các doanh nghiệp này cũng ở mức cao hơn trung bình, đạt mức 10,3%/năm và kỳ hạn bình quân là 2,27 năm.

Trong 6 tháng đầu năm, có 2 đợt phát hành TPDN ra thị trường quốc tế của CTCP Tập đoàn Vingroup bao gồm đợt 1 với giá trị phát hành 525 triệu USD có kỳ hạn là 5 năm và lãi suất là 4%/năm và đợt 2 với giá trị phát hành 100 triệu USD có kỳ hạn là 59 tháng và lãi suất là 4%/năm.