Thị trường trái phiếu hàng tháng: Tài sản nước ngoài ròng giảm làm tăng áp lực lên lãi suất và tỷ giá

Nguồn: HSC

Tài sản nước ngoài ròng giảm làm tăng áp lực lên lãi suất và tỷ giá

 

 

Tóm tắt

  • Tài sản nước ngoài ròng giảm đã làm tăng áp lực lên lãi suất và tỷ giá. Siết thanh khoản không phải là giải pháp khả thi để ngăn sự mất giá của đồng VND. Các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế & tài khoản vãng lai dương sẽ hiệu quả hơn.
  • Mặc dù NĐTNN không tham gia nhiều vào thị trường trái phiếu Việt Nam, nhưng lợi suất trái phiếu Việt Nam vẫn chịu tác động của xu hướng thế giới và lợi suất kỳ hạn 10 năm có thể chạm 5% năm nay và 5,5% năm sau. Thanh khoản thị trường trái phiếu giảm nhưng thị trường repo tăng gần gấp đôi.
  • Tổng lượng trái phiếu Kho bạc phát hành sẽ dưới 200 nghìn tỷ đồng, thấp hơn nhiều mức 450 nghìn tỷ đồng công bố trước đó vì ngân sách 8 tháng đang thặng dư 251,7 nghìn tỷ đồng. NĐTNN đang bán ròng TPCP Việt Nam.

Mặt băng lãi suất tại Việt Nam tăng theo xu hướng thế giới với lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm dự báo chạm 5%

Thanh khoản thắt chặt là hệ quả của động thái giữ ổn định tỷ giá, giữ cho đồng VND không mất giá mạnh so với USD, dẫn đến mặt bằng lãi suất LNH tăng.

Lãi suất LNH đã lập đỉnh 10 năm vào ngày 7/9, vượt qua mốc 6%. Tuy nhiên, sau đó lãi suất LNH đã nhanh chóng quay trở lại biên độ 4-5,5% khi thanh khoản tăng trở lại.

Lãi suất LNH đã tăng theo xu hướng chung của thế giới trước động thái tăng lãi suất của Fed và kéo lợi suất trái phiếu tăng theo.

So với mặt bằng lợi suất trái phiếu ở thời điểm lãi suất Fed lập đỉnh vào tháng 4/2019 (lúc đó là 2,45%), mặt bằng lợi suất trái phiếu hiện nay (tại thời điểm cuối tháng 8) vẫn thấp hơn 118-189 điểm cơ bản ở kỳ hạn dài (10-30 năm) và 37-82 điểm cơ bản ở kỳ hạn ngắn (1-7 năm).

Dựa trên dự báo của thị trường là lãi suất Fed sẽ vượt 4% trong năm nay và có thể chạm 4,6% vào năm sau, HSC cho rằng lợi suất TPCP Việt Nam sẽ còn tăng tiếp với lợi suất kỳ hạn 10 năm sẽ tăng ít nhất lên 5% vào năm nay và 5,5% vào năm sau.