Thị trường trái phiếu hàng tháng: Triển vọng thị trường TPDN vẫn ảm đạm

Nguồn: HSC

Triển vọng thị trường TPDN vẫn ảm đạm

 

 

Tóm tắt

  • Quy mô thị trường TPDN đã giảm bình quân 22 nghìn tỷ đồng mỗi tháng trong 4 tháng qua xuống còn 1,22 triệu tỷ đồng (giảm 287,4 nghìn tỷ đồng hay 19% so với cùng kỳ).
  • Khối lượng TPDN phát hành mới từ đầu năm chỉ đạt 29,8 nghìn tỷ đồng (giảm 82,8% so với cùng kỳ), trong đó không có TPDN phát hành ra công chúng.
  • Số trường hợp chậm thanh toán tăng với khối lượng chậm thanh toán (từ tháng 10/2022) tới cuối tháng 4 là 43,9 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, gần 1/2 trong số này đã được tái cơ cấu thành công.
  • GTGD bình quân ngày của TPDN niêm yết (chiếm chưa tới 5% tổng thị trường TPDN) giảm 100-200 tỷ đồng.

Quy mô thị trường TPDN giảm 22 nghìn tỷ đồng mỗi tháng

Trong năm 2022, thị trường TPDN đã trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất và hiện vẫn chưa hồi phục hoàn toàn mặc dù sự hoảng loạn trước đó giờ đã dịu xuống. Nghị định 08 và Thông tư 03 được ban hành vào tháng 3 và tháng 4 cho đến nay vẫn chưa có nhiều tác động.

Quy mô thị trường TPDN đã giảm 89,6 nghìn tỷ đồng so với đầu năm (34,6% số giảm này rơi vào tháng 4), tương đương giảm 297,7 nghìn tỷ đồng từ đỉnh thiết lập vào cuối tháng 6/2022 xuống 1,23 triệu tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 4 (Bảng 2 & 3).

Quy mô thị trường giảm vì khối lượng trái phiếu phát hành mới thấp trong khi khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn cao.

  • Tổng khối lượng trái phiếu phát hành mới từ đầu năm là 29,8 nghìn tỷ đồng (giảm 82,8% so với cùng kỳ)
  • Tổng khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn từ đầu năm là 63 nghìn tỷ đồng (tăng 151,1% so với cùng kỳ)
  • Tổng khối lượng trái phiếu đáo hạn từ đầu năm là 51,2 nghìn tỷ đồng (tăng 159,9% so với cùng kỳ), trong đó có 5,9 nghìn tỷ đồng chậm thanh toán gốc, lãi.

Khối lượng phát hành giảm về gần bằng không trong tháng 4/2023

Khối lượng trái phiếu phát hành mới đạt mức thấp kỷ lục trong tháng 4, là 1,1 nghìn tỷ đồng sau khi bất ngờ hồi phục lên mức 28,7 nghìn tỷ đồng trong Q1/2023 (tăng 148% so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn 75% so với cùng kỳ) (Bảng 4 và Biểu đồ 5). Khối lượng trái phiếu phát hành Q1/2023 tương đối cao, tập trung vào một số doanh nghiệp phát hành trong lĩnh vực BĐS (Bảng 6).

Lãi suất coupon của số TPDN BĐS nói trên dao động trong khoảng 12-14% (ngoại trừ hai trường hợp có lãi suất coupon từ 6-9%). Trái phiếu do công ty chứng khoán và NHTM phát hành có lãi suất coupon thấp hơn, dao động từ 8,5-11% (ngoại trừ trái phiếu kỳ hạn 20 năm do BIDV phát hành có lãi suất coupon 13%) (Bảng 6).

Từ đầu năm, vẫn chưa có trái phiếu phát hành ra công chúng.

Nói chung, trái phiếu phát hành mới kể từ tháng 10 năm ngoái ở mức không đáng kể vì NĐT tỏ ra lo ngại khi số trường hợp mất khả năng thanh toán gốc, lãi gia tăng (vốn không xảy ra trước đó).

Khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn giảm nhưng vẫn ở mức cao

Khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn giảm vào đầu năm 2023 so với nửa cuối năm 2022 với khối lượng mua lại là 44,8 n tỷ đồng trong Q1/2023 (giảm 45% so với quý trước nhưng vẫn cao hơn 151% so với cùng kỳ). Khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn trong tháng 4 ở mức 18,3 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ (Bảng 7 & Biểu đồ 8).

Từ đầu năm, đã có 156 doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu trước hạn với 20 doanh nghiệp mua lại nhiều nhất có khối lượng mua lại từ 1 nghìn tỷ đồng trở lên, chủ yếu là các doanh nghiệp BĐS (Bảng 9).

Việc mua lại trái phiếu trước hạn ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp phát hành và không phải là thông lệ trên thị trường. Và việc mua lại đã được thực hiện trong điều kiện thị trường rất cực đoan.