Thiết bị điện GELEX (GEX): Hướng tới IPO công ty Hạ tầng Gelex, đầu tư lớn vào mảng năng lượng

Nguồn: VCSC

Hướng tới IPO công ty Hạ tầng Gelex, đầu tư lớn vào mảng năng lượng

 

GEX

 

Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ theo hình thức trực tuyến của CTCP Tập đoàn GELEX (GEX). Ban lãnh đạo đã nhận được câu hỏi từ các nhà đầu tư liên quan đến (1) kế hoạch đầu tư vào các mảng Điện và BĐS công nghiệp cũng như các hoạt động M&A, (2) mối quan tâm của nhà đầu tư về dư nơ vay cao.

ĐHCĐ đã thông qua kế hoạch năm 2022 với doanh thu 36 nghìn tỷ đồng (+26% YoY) và LNTT là 2,618 tỷ đồng (+27% YoY).

ĐHCĐ đã thông qua tỷ lệ cổ tức 5% tiền mặt cho năm 2021 và có thể chia cổ tức 15% tiền mặt cho năm 2022. Chúng tôi lưu ý rằng GEX đã thay đổi chính sách cổ tức thành cổ tức tiền mặt 5% từ kế hoạch ban đầu là không chia cổ tức. GEX cũng đề xuất mức cổ tức năm 2022 là 15%, và công ty đang cân nhắc trả bằng tiền mặt một đợt hoặc nhiều đợt, tùy theo nhu cầu vốn của công ty.

GEX có kế hoạch chuyển niêm yết CTCP Thiết bị Điện Gelex (GEE) từ UpCom sang HSX vào quý 4/2022. Theo tài liệu ĐHCĐ năm 2022 của GEE, GEE có kế hoạch năm 2022 với doanh thu 19 nghìn tỷ đồng (+2,1% YoY), LNTT là 2 nghìn tỷ đồng (+145%) YoY) và cổ tức 40%. GEE sẽ tăng thêm 10% vốn cổ phần trong năm 2022.

GEX cũng có kế hoạch IPO CTCP Hạ tầng Gelex. Tuy nhiên, GEX vẫn chưa chia sẻ cấu trúc IPO, tỷ lệ chào bán cổ phiếu ra công chúng. Công ty này có vốn cổ phần là 7,9 nghìn tỷ đồng. Tài sản của Hạ tầng Gelex bao gồm 50,21% cổ phần tại VGC, 99% cổ phần tại nhà máy điện gió Hướng Phùng và 62,5% cổ phần tại CTCP Nước Sông Đà. Kế hoạch kinh doanh năm 2022 của VGC bao gồm doanh thu 15 nghìn tỷ đồng (+34% YoY) và LNTT là 1,7 nghìn tỷ đồng (+10% YoY). GEX sẽ niêm yết Hạ tầng Gelex trên sàn UpCoM. Công ty cũng có kế hoạch thoái vốn mảng kinh doanh gạch thuộc mảng vật liệu xây dựng của VGC do khả năng sinh lời thấp.

Tiếp tục đầu tư lớn trong năm 2022. GEX dự kiến chi khoảng 11,4 nghìn tỷ đồng vào: 1) mảng thiết bị điện - 528 tỷ đồng; 2) Mảng điện nước - 4,6 nghìn tỷ đồng; 3) VGC - 4,7 nghìn tỷ đồng và 4) Khách sạn Trần Nguyên Hãn – 1,542 tỷ đồng. Thông tin chi tiết như sau:

Mảng điện tái tạo: Trong khi đang chờ Quy hoạch Phát triển Điện lực (PDP) VIII, GEX đang chuẩn bị đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất khoảng 1.600 MW (bao gồm trang trại điện gió ngoài khơi Vĩnh Hải - 800 MW, trang trại điện gió Gia Lai - 100 MW , trang trại điện gió Đắk Lắk - 200 MW và trang trại năng lượng mặt trời Bình Phước 1 & 2 - 480 MW), dự án LNG Long Sơn và các dự án tiềm năng khác. Vốn đầu tư cho các dự án này có thể lên tới 2-3 tỷ USD trong dài hạn. Ngoài ra, công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội M&A trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. 

Mảng nước: GEX đặt kế hoạch nâng công suất nước lên 600.000 m3/ngày tại nhà máy nước Sông Đà. Ngoài ra, GEX đặt mục tiêu đưa công suất nước mới đi vào hoạt động trong quý 4/2024.

Mảng khu công nghiệp: GEX đang chuẩn bị phát triển 1.900 ha diện tích khu công nghiệp (phù hợp với dự báo của chúng tôi) và đang tiến hành nghiên cứu khả thi cho khu phức hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ quy mô 4.300 ha.

GEX đã giải đáp một số lo ngại của NĐT về dư nợ vay cao và những vấn đề khác. Trả lời câu hỏi của NĐT về dư nợ vay 22 nghìn tỷ đồng tính đến cuối năm 2021, tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2020, HĐQT cho biết nguyên nhân chủ yếu là do hợp nhất VGC và vay nợ mới cho dự án điện gió 140 MW/năm vốn được hưởng mức giá ưu đãi là 8,5 cent. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ ròng giảm xuống dưới 1 lần là an toàn và hợp lý. GEX tự tin rằng các thủ tục M&A của công ty cho đến nay tuân thủ tất cả các quy định và quy tắc. TGĐ cho biết ông đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu và cam kết mua, đầu tư lâu dài cùng với các cổ đông và NĐT khác.

GEX phát hành trái phiếu cho các tổ chức tài chính uy tín trong và ngoài nước. Các tổ chức nhận phát hành là Credit Guarantee & Investment Facility (CGIF), Shinhan, Maritime Bank (HOSE: MSB) và TPB (HOSE: TPB). Việc phát hành trái phiếu này tuân thủ theo quy định của pháp luật.