Tín dụng toàn hệ thống giảm trong tháng 1; Thông tư 02 về các khoản vay tái cơ cấu được gia hạn

                                                                              Nguồn: VCSC

 

 

Ngày 20/02/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội nghị trực tuyến thúc đẩy tăng trưởng tín dụng năm 2024 với sự tham gia của các ngân hàng thương mại. Hội nghị công bố tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống trong tháng 1 và ý định kéo dài thời gian áp dụng Thông tư 02.

1. Tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 1 đạt -0,6 % so với đầu năm.

Quan điểm của chúng tôi: Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức thấp trong 2 tháng đầu năm do yếu tố mùa vụ (cụ thể là dịp Tết Nguyên đán) và đã tăng mạnh ở cuối năm 2023. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ mạnh hơn từ quý 2 dựa trên kỳ vọng về sự phục hồi liên tục của nền kinh tế và môi trường lãi suất thấp. Chúng tôi hiện dự báo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 13,7% trong năm 2024.

2. Thời gian áp dụng Thông tư 02 liên quan đến các khoản vay tái cơ cấu sẽ được gia hạn và cơ chế chi tiết sẽ được ban hành vào quý 1/2024.

Tại hội nghị, nhiều ngân hàng đã đồng tình với việc gia hạn thời gian áp dụng Thông tư 02(CTG, BID, VPB, MBB). CTG cho rằng khách hàng sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc trả nợ trong năm 2024 và đến đầu năm 2025. BID đề xuất gia hạn thời gian áp dụng đến cuối năm 2024. Trong khi MBB và VPB đề xuất gia hạn đến tháng 6/2025.

Quan điểm của chúng tôi:

Trước đây, chúng tôi cho rằng có thể không cần thiết phải gia hạn Thông tư 02 do:

  • dư nợ tái cơ cấu của hầu hết các ngân hàng trong phạm vi theo dõi chúng tôi đều thấp (dư nợ cơ cấu theo thông tư 02/tổng dư nợ của các ngân hàng trong phạm vi theo dõi của chúng tôi đã công bố là dưới 1% trong năm 2023 (ngoại trừ VPB ở mức 1,04%))
  • lãi suất cho vay đang giảm dần
  • kỳ vọng của chúng tôi về việc cải thiện khả năng trả nợ của khách hàng khi nền kinh tế 2024 phục hồi.

Tuy nhiên, với việc quyết định gia hạn Thông tư 02 của NHNN, chúng tôi đánh giá là (1) sẽ có tác động tích cực cho tâm lý thị trường và (2) giúp bên vay có thêm thời gian để phục hồi, đồng thời giảm bớt áp lực lên lợi nhuận của ngân hàng, từ đó củng cố thêm đà hồi phục của nền kinh tế. Hiện tại, chúng tôi cho rằng không có tác động đáng kể đến dự báo về dự phòng và lợi nhuận giai đoạn 2024-2025 cho các ngân hàng trong danh mục theo dõi của chúng tôi do dư nợ tái cơ cấu ở mức thấp. Chúng tôi sẽ có đánh giá chi tiết hơn khi có thêm thông tin chi tiết.