Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công Nghiệp – CTCP (BCM): “Bàn đạp từ doanh nghiệp liên kết”

                                                                                                                                                                     Nguồn: ABS

 

 

Luận điểm đầu tư

Lợi nhuận nửa đầu năm 2024 tăng mạnh nhờ lãi từ công ty liên kết.

Trong Q2/2024, doanh thu thuần của BCM đạt 1.162 tỷ đồng (-9,6% svck), LNST của cổ đông Công ty mẹ đạt 381 tỷ đồng (+174,6% svck). Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần đạt 1.968 tỷ đồng (+4,4% svck), LNST của cổ đông Công ty mẹ đạt 391 tỷ đồng (+126,3% svck). Như vậy, BCM đã hoàn thành 22% kế hoạch doanh thu và 17% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2024. Lãi từ công ty liên kết 6T/2024 ghi nhận ở mức 522 tỷ đồng (+144,3% svck), giúp cho BCM ghi nhận lợi nhuận ròng tăng mạnh so với nửa đầu năm 2023 khi kết quả các hoạt động kinh doanh chính khác chưa thực sự khởi sắc

Chúng tôi cho rằng triển vọng của BCM vẫn sẽ tích cực dựa trên những yếu tố sau:

  • Quỹ đất BĐS KCN lớn tại Bình Dương mang lại nhiều lợi thế. Trong bối cảnh dòng vốn FDI chảy vào thị trường Việt Nam tiếp tục tích cực, Bình Dương tiếp tục nằm trong nhóm các địa phương thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn với vị trị địa lý chiến lược là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với diện tích đất công nghiệp lớn nhất cả nước. Ngoài ra, giá cho thuê đất KCN tại Bình Dương cũng nằm ở mức cao và vẫn còn dư địa tăng trưởng trong thời gian tới. Phần lớn các KCN đang vận hành của BCM nằm ở Bình Dương sẽ giúp doanh nghiệp được hưởng lợi từ những tín hiệu tích cực này.
  • Chiến lược mở rộng quỹ đất sang các tỉnh giáp ranh. Bên cạnh tận dụng những lợi thế sẵn có tại Bình Dương, BCM cũng đang tích cực nghiên cứu, phát triển các dự án mới tại các tỉnh lân cận như Bình Phước, Bình Định để đảm bảo quỹ đất cho thuê khi tỷ lệ lấp đầy tại Bình Dương ở mức cao trên 90%.
  • Triển vọng từ các công ty liên kết, đặc biệt là VSIP. Các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết của BCM đã thể hiện sự hiệu quả khi thường xuyên đóng góp tỷ trọng lớn (trung bình khoảng 46 – 50%) trong cơ cấu lợi nhuận. Triển vọng chính thời gian tới tập trung vào VSIP, IJC và BWID, đặc biệt là VSIP khi luôn duy trì KQKD ổn định với vị thế chủ đầu tư KCN với quỹ đất lớn nhất cả nước.
  • Kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước, tăng nguồn lực để thực hiện dự án. Với kế hoạch tăng vốn trong giai đoạn sắp tới khi dự kiến phát hành thêm 300 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu của UBND tỉnh Bình Dương từ 95,44% xuống 65% trong năm 2025, BCM có thể thu về ít nhất 15.000 tỷ đồng, qua đó giúp doanh nghiệp tăng nguồn lực để phát triển các dự án BĐS, cũng như giảm bớt gánh nặng nợ vay.

Chúng tôi dự phóng doanh thu và lợi nhuận của BCM năm 2024F lần lượt ở mức 5.414 tỷ đồng (-31,3% svck) và 1.417 tỷ (-41,5% svck) do không phát sinh khoản lãi bất thường từ chuyển nhượng BĐS. EPS 2024F đạt 1.369 đ/cp và BVPS 2024F đạt 18.303 đ/cp tương đương với P/E và P/B 2024F đạt 48,1x & 3,6x tại mức giá giao dịch hiện tại.

Với triển vọng của BCM, chúng tôi khuyến nghị KHẢ QUAN với giá mục tiêu 74.900 đ/cp và triển vọng tăng giá 13,8%.

Rủi ro

  • Tiến độ triển khai pháp lý các dự án bất động sản chậm hơn kỳ vọng.
  • Chi phí đền bù GPMB tăng mạnh hơn dự kiến.
  • Kế hoạch thoái vốn nhà nước và tăng vốn qua phát hành cổ phiếu chậm hơn kế hoạch đề ra trong năm 2025

Cơ hội

  • Diện tích cho thuê, giá cho thuê cao hơn dự báo sẽ làm gia tăng lợi nhuận so với dự phóng của chúng tôi.
  • Kết quả kinh doanh tại các doanh nghiệp liên kết tích cực giúp cải thiện kết quả chung của BCM.
  • Phát sinh giao dịch chuyển nhượng bất thường các dự án BĐS mang lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp.