Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (HVN): Đặt kế hoạch cho một năm lỗ nữa trong năm 2022

Nguồn: VCSC

Đặt kế hoạch cho một năm lỗ nữa trong năm 2022

 

HVN

 

  • Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ thường niên của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (HVN) vào ngày 28/06. Cuộc họp chủ yếu thảo luận kế hoạch tái cơ cấu để duy trì hoạt động kinh doanh của hãng hàng không.
  • Đối với năm tài chính 2022, HVN đặt kế hoạch lỗ hợp nhất đạt 11,5 nghìn tỷ đồng – thấp hơn 14% so với khoản lỗ trong năm 2021. Khoản lỗ kế hoạch này cao hơn 1,5 lần so với dự báo hiện tại của chúng tôi, do đó, chúng tôi nhận thấy rủi ro điều chỉnh giảm dự báo và định giá hiện tại của chúng tôi cho HVN, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
  • Cổ đông của HVN đã thông qua đề xuất cho phép công ty thoái vốn khỏi các công ty con và công ty liên kết.
  • ĐHCĐ của HVN đã thông qua việc thay thế thành viên HĐQT là ông Tomoji Ishii bằng ông Hiroyuki Kometani - 1 đại diện khác từ ANA Holdings.

Các khoản thoái vốn và tái cơ cấu đội bay là các động lực chính giúp giảm lỗ tích lũy. HVN dự kiến bán 32 máy bay trong giai đoạn 2022-2025, bao gồm 26 máy bay A321ceo và 6 máy bay ATR 72 thông qua bán trực tiếp và/hoặc bán & thuê lại. Chúng tôi lưu ý rằng HVN đã lên kế hoạch bán máy bay vào năm 2021, nhưng ban lãnh đạo chia sẻ rằng tiến độ chậm do nguồn cung máy bay lớn trên thị trường. Ngoài ra, công ty có kế hoạch thoái vốn khỏi các công ty con và công ty liên kết – trong đó Pacific Airlines là khoản thoái vốn lớn nhất trong kế hoạch. Ban lãnh đạo cho biết công ty đã có các khách mua tiềm năng nhưng đang chờ quy định cụ thể hơn từ Chính phủ để tiến hành thương vụ.

Rủi ro hủy niêm yết rõ ràng hơn, nhưng công ty có thể giải quyết vấn đề này thông qua việc tiếp tục phát hành vốn chủ sở hữu. Với khoản lỗ dự phóng trong năm 2022, vốn chủ sở hữu của HVN sẽ rơi vào mức âm trong năm 2022, do đó khiến cổ phiếu của hãng hàng không này không đạt tiêu chuẩn để duy trì niêm yết trên sàn HOSE. HVN có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành riêng lẻ và/hoặc phát hành quyền mua trong giai đoạn 2022-2023. Tuy nhiên, việc tăng vốn chủ sở hữu là một phần của kế hoạch tái cơ cấu vẫn đang chờ Chính phủ phê duyệt.

Chi phí nhiên liệu là thách thức lớn nhất trong năm 2022; HVN đang đề xuất nâng mức trần đối với giá vé máy bay. Dù HVN ghi nhận sản lượng của mảng vận tải hàng không trong nước trong 6 tháng đầu năm 2022 cao hơn con số của cùng kỳ năm 2019, HVN chủ yếu cho rằng khoản lỗ lớn dự phóng trong năm 2022 đến từ chi phí nhiên liệu máy bay cao hơn đáng kể cùng với mức trần đối với giá vé máy bay trong nước. Hãng hàng không cho biết mức trần này dựa trên chi phí nhiên liệu máy bay là khoảng 80 USD/thùng, chỉ tương đương 50% con số hiện tại. Do đó, HVN xin ý kiến Chính phủ về việc 1) tăng mức trần đối với giá vé máy bay và 2) cho phép các hãng hàng không được phụ thu chi phí nhiên liệu trong giá vé máy bay.

Cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu suất hoạt động để duy trì thanh khoản vào năm 2022. HVN cho biết công ty đã đơn giản hóa cấu trúc của tập đoàn, cắt giảm chi phí nhân công bằng cách chuyển sang trả thưởng dựa trên năng suất và đàm phán với các nhà cung cấp để hoãn thanh toán. Do đó, dòng tiền trong những tháng gần đây đã đạt 80% mức của năm 2019. Ban lãnh đạo cũng tin tưởng rằng HVN có thể duy trì thanh khoản vì dịch COVID-19 chưa có đợt bùng phát đáng kể nào tại Việt Nam vào năm 2022 tính đến hiện tại.