Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS): Giá dầu cao thúc đẩy lợi nhuận 2022-2023, câu chuyện tăng trưởng dài hạn đến từ nhập khẩu khí LNG

Nguồn: VCSC

Giá dầu cao thúc đẩy lợi nhuận 2022-2023, câu chuyện tăng trưởng dài hạn đến từ nhập khẩu khí LNG

 

GAS

 

  • Chúng tôi gần như giữ nguyên giá mục tiêu và duy trì khuyến nghị MUA đối với Tổng CT Khí Việt Nam (GAS). Chúng tôi kỳ vọng GAS sẽ tiếp tục hưởng lợi từ giá dầu/khí cao trong ngắn hạn trong khi triển vọng tăng trưởng dài hạn của công ty sẽ được củng cố bởi triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ đến từ việc nhập khẩu LNG vào Việt Nam.
  • Sau khi chúng tôi tăng dự báo giá dầu nhiên liệu (FO) giai đoạn 2022-2023 thêm khoảng 11% như trong Báo cáo cập nhật ngành năng lượng ngày 20/07/2022, chúng tôi tăng dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2022/2026 thêm 8,3%/17,0%. Ngoài ra, chúng tôi nhìn chung giữ nguyên dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2024-2026. Những điều chỉnh này bù đắp cho tác động của việc chúng tôi tăng dự báo WACC thêm 50 điểm cơ bản và dẫn đến giá giá mục tiêu gần như không thay đổi.
  • Chúng tôi dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2022 tăng 56,3% YoY nhờ giá FO/khí LPG tăng 37,9%/20,6% YoY và sản lượng bán phục hồi 12,6% YoY.
  • Chúng tôi kỳ vọng LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 nhìn chung sẽ ổn định so với cùng kỳ năm trước khi đóng góp từ trạm LNG Thị Vải mới xây dựng và nhu cầu khí phục hồi khoảng 20% YoY bù đắp cho dự báo giá FO giảm của chúng tôi.
  • Trong dài hạn, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận từ vận chuyển khí (nhờ các dự án LNG và đường ống dẫn khí mới) sẽ tăng gấp đôi và đóng góp khoảng 70% lợi nhuận ròng của GAS vào năm 2026 so với mức khoảng 40% vào năm 2021, bù đắp cho lợi nhuận thấp hơn từ mảng phân phối khí khi các mỏ khí giá rẻ hết trữ lượng. Do đó, chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS đạt 23,5% trong giai đoạn 2021-2026.
  • Theo quan điểm của chúng tôi, định giá của GAS có vẻ hấp dẫn với PEG 5 năm là 0,7.
  • Yếu tố hỗ trợ: Giá dầu Brent, FO và giá khí LPG cao hơn dự kiến.
  • Rủi ro: Giá LNG tiếp tục tăng cao, có thể ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu LNG vào năm 2023.

Câu chuyện tăng trưởng mảng LNG trong dài hạn vẫn duy trì. Chúng tôi ước tính Việt Nam sẽ thiếu hụt 1,2 tỷ m3 khí vào năm 2023 và sẽ tăng lên khoảng 7 tỷ m3 vào năm 2026, khiến việc nhập khẩu LNG trở nên quan trọng. Ngoài ra, theo dự thảo Tổng Quy hoạch Phát triển điện VIII (tháng 4/2022), Việt Nam đặt mục tiêu nâng công suất nhiệt điện LNG lên 24.000 MW, với nhu cầu LNG là 14-18 tỷ m3 vào năm 2030 (theo tính toán của Bộ Công Thương). Những mục tiêu này củng cố tốt cho triển vọng nhập khẩu LNG tại Việt Nam và các dự án LNG của GAS. GAS đang xây dựng trạm LNG Thị Vải (1 triệu tấn/năm) với kế hoạch đi vào hoạt động vào năm 2023. GAS cũng đã trình lên Bộ Công Thương nghiên cứu khả thi dự án trạm LNG Thị Vải - giai đoạn 2 (3 triệu tấn/năm) và đặt mục tiêu hoàn thành dự án này vào năm 2024. GAS cũng đặt mục tiêu phát triển trạm LNG thứ hai - Sơn Mỹ (3-6 triệu tấn/năm) - vào năm 2024.

Chúng tôi kỳ vọng giá LNG sẽ hạ nhiệt trong dài hạn và khả thi cho các dự án nhập khẩu LNG. Giá LNG quốc tế cao trong thời gian gần đây là thách thức đối với hoạt động nhập khẩu LNG của GAS; tuy nhiên, GAS cho biết sẽ theo dõi sát biến động thị trường để đưa ra phương án nhập khẩu LNG tối ưu vào năm 2023. Chúng tôi kỳ vọng giá LNG sẽ giảm từ khoảng 18USD/ triệu đơn vị nhiệt lượng BTU hiện tại xuống 12 USD/ triệu đơn vị nhiệt lượng BTU vào năm 2024-2026. Đây là mức giá cạnh tranh với giá từ các mỏ khí trong nước và hợp lý để Việt Nam gia tăng nhập khẩu LNG trong dài hạn.