Tổng CT Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW): Nhà máy Vũng Áng & Cà Mau thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận năm 2024

                                        Nguồn: VCSC

Nhà máy Vũng Áng & Cà Mau thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận năm 2024

 

 

 

  • Chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu (TP) 4% cho Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) xuống 13.000 đồng/CP và điều chỉnh khuyến nghị từ MUA xuống KHẢ QUAN. Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi là do dự báo LNST sau lợi ích CĐTS báo cáo tổng hợp giai đoạn 2023-2027 giảm 6% (giảm lần lượt 17%/18%/6%/1%/0% cho năm 2023/2024/2025/2026/2027). Diễn biến này chủ yếu được thúc đẩy bởi việc điều chỉnh giảm 7%/2% trong dự báo sản lượng thương phẩm năm 2023/2024 của chúng tôi do KQKD 11 tháng đầu năm 2023 thấp hơn dự báo trước đó và kế hoạch của Bộ Công Thương (BCT) về việc huy động điện khí thấp hơn trong năm 2024, chủ yếu tại khu vực Đông Nam Bộ. Chúng tôi cũng điều chỉnh giảm 3% giả định về giá CGM trung bình cho POW trong giai đoạn dự báo, sau khi điều chỉnh giảm dự báo giá CGM trung bình của ngành.
  • Chúng tôi dự báo LNST sau lợi ích CĐTS báo cáo của POW năm 2024 sẽ tăng 25% YoY, chủ yếu nhờ LNST sau lợi ích CĐTS tăng 171% từ nhà máy Vũng Áng (dựa trên việc vận hành 100% công suất và giá CGM dự kiến cao ở Miền Bắc), lợi nhuận tăng gấp đôi YoY từ nhà máy Cà Mau và lợi nhuận tăng 20% YoY từ NT2 (xem Báo cáo cập nhật NT2 ngày 18/12/2023 để biết thêm chi tiết).
  • Chúng tôi dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2025 sẽ tăng 153% YoY, do sản lượng tăng 33% YoY lên 24,5 tỷ kWh (tương đương với mức trước Covid 19, không bao gồm sản lượng từ nhà máy Nhơn Trạch 3), lợi nhuận tăng gấp đôi YoY từ nhà máy Cà Mau với giá khí ước tính thấp hơn khoảng 10% so với giá khí của các nhà máy điện tại Đông Nam Bộ và lợi nhuận cao hơn 71% YoY từ nhà máy Vũng Áng nhờ tăng trưởng mức tiêu thụ điện mạnh tại Miền Bắc và chi phí bảo trì thấp hơn.
  • POW có định giá hấp dẫn với EV/EBITDA năm 2024 là 5,9x, thấp hơn khoảng 40% so với các công ty cùng ngành trong khu vực và P/E dự phóng năm 2024 là 20,5x, tương ứng PEG là 0,3 dựa trên CAGR EPS giai đoạn 2023-2025 dự kiến là 78%.
  • Yếu tố hỗ trợ: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bồi thường thêm lỗ tỷ giá; mức bồi thường bảo hiểm cho nhà máy Vũng Áng cao hơn so với ước tính của chúng tôi là 300 tỷ đồng.
  • Rủi ro: Lợi nhuận thấp hơn từ NT2, ngừng hoạt động đột ngột do vấn đề kỹ thuật, chi phí bảo trì cao hơn dự kiến, lỗ tỷ giá/chi phí vượt mức/trì hoãn NT3&4.
 
Dự báo về nguồn cung điện ở mức đủ vào năm 2024 tương ứng mức huy động thấp hơn từ điện khí ở khu vực Đông Nam Bộ. Kế hoạch của Bộ Công Thương về nguồn cung điện năm 2024 là 306 tỷ kWh (ước tính +6%-9% YoY) và mức dự báo tăng trưởng tiêu thụ điện năm 2024 thấp hơn của chúng tôi là 7,7% so với mức 8,4% trước đây cho thấy đủ nguồn cung điện vào năm 2024. Ngoài ra, Bộ Công Thương đã phê duyệt kế hoạch nguồn cung khí tự nhiên cho phát điện đạt4,19-4,47 tỷ m3 trong năm 2024 (giảm 19%-24% YoY so với kế hoạch năm 2023 của GAS). Do đó, chúng tôi cho rằng sản lượng điện thương phẩm và lợi nhuận năm 2024 của nhiều nhà máy điện khí tại khu vực Đông Nam Bộ, trong đó có Nhơn Trạch 1 và NT2, sẽ thấp hơn.
 
Tiến độ chậm của 3 dự án truyền tải phục vụ Nhơn Trạch 3 & 4 ảnh hưởng đến tiến độ vận hành thương mại của các nhà máy này. Theo các nguồn truyền thông trong nước, việc chậm thi công các đường dây truyền tải này đến từ các vấn đề liên quan đến quy hoạch tổng thể tỉnh Đồng Nai và giải phóng mặt bằng. Do đó, chúng tôi giữ nguyên dự báo Nhơn Trạch 3 & 4 sẽ đi vào hoạt động lần lượt vào giữa năm 2025 và giữa năm 2026, muộn hơn 6-12 tháng so với kế hoạch của POW.