Tổng CT Khí Việt Nam (GAS): Lợi nhuận 2023 có thể giảm đáng kể từ mức đỉnh năm 2022

Nguồn: SSI

Lợi nhuận 2023 có thể giảm đáng kể từ mức đỉnh năm 2022

 

GAS

Doanh thu và lợi nhuận ròng của GAS trong Q4/2022 lần lượt đạt 22,1 nghìn tỷ đồng và 3,34 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 9,3% và 64,4% svck. Công ty ghi nhận kết quả khả quan này là nhờ mức tăng trưởng mạnh 27% về sản lượng tiêu thụ so với mức nền thấp được thiết lập trong Q4/2021 (sản lượng tiêu thụ Q4/2021 giảm 31% svck), cũng như giá bán trung bình tăng cao hơn so với giá đầu vào.

Lũy kế năm 2022, doanh thu và lợi nhuận ròng của GAS lần lượt đạt 100,7 nghìn tỷ đồng (+27,5% svck) và 15 nghìn tỷ đồng (+70,2% svck), vượt kế hoạch lần lượt 26% và 114%.

Động lực chính trong năm 2022 là mảng khí khô, mảng này đóng góp 77% vào mức tăng lợi nhuận gộp so với năm 2021. Tổng sản lượng khí khô phục hồi +8% svck (từ mức nền thấp trong năm 2021 lên 7,7 tỷ m3), do nhu cầu từ các nhà máy điện khí và các nhà sản xuất phân bón phục hồi.

Tuy nhiên, sản lượng khí khô thực tế vẫn thấp hơn 13% so với kế hoạch năm 2022 do nhu cầu từ các nhà máy điện khí yếu hơn dự kiến, bởi thời tiết thuận lợi giúp nhà máy thủy điện phát điện nhiều hơn. Sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện trong năm 2022 tăng 20,8% svck, mức tăng trưởng cao nhất trong các nhà máy điện và gần gấp đôi mức tăng trưởng 12% của các nhà máy điện khí. Năm 2022 đánh dấu năm thứ ba liên tiếp sản lượng bán khí khô thực tế thấp hơn so với kế hoạch, tiếp nối xu hướng giảm từ năm 2020 và 2021, khi nhu cầu năng lượng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trước đó, sản lượng thường vượt kế hoạch khoảng 5% và dao động trong khoảng 9 - 10 tỷ m3 trong giai đoạn 2013-2019.

Giá dầu tăng thúc đẩy doanh thu khí khô: Doanh thu và lợi nhuận gộp từ mảng này tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng sản lượng. Doanh thu tăng 31,4% svck và lợi nhuận gộp tăng 65,5% svck, lần lượt đạt 53,15 nghìn tỷ đồng và 16,1 nghìn tỷ đồng, nhờ giá dầu nhiên liệu tăng 30%. Giá bán khí khô cho hầu hết các nhà máy điện và sản xuất phân bón từ các bể Cửu Long và Nam Côn Sơn I & II đều tính theo giá dầu FO, trong khi giá bán đầu vào của nhiều mỏ tại các bể Cửu Long và Nam Côn Sơn I & II (trừ Hải Thạch – Mộc Tinh) trường) đã tăng lên.

Lợi nhuận của mảng LPG được hỗ trợ từ giá dầu tăng: Sản lượng LPG giữ nguyên ở mức 2,01 triệu tấn so với năm 2021. Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận gộp tăng đáng kể lần lượt 22,6% và 35% svck nhờ giá LPG trung bình tăng 20%. Tỷ suất lợi nhuận của LPG thường ổn định hơn so với khí khô, với tỷ suất lợi nhuận gộp của LPG chỉ cải thiện 90 điểm cơ bản svck trong năm 2022 so với mức 4,3 điểm phần trăm của mảng khí khô, do giá bán LPG biến động sát hơn với giá đầu vào.

Cập nhật các dự án trọng điểm:

  • Dự án LNG đầu tiên tại Việt Nam – LNG Thị Vải: Dự án đã hoàn thành toàn bộ phần xây dựng cơ khí và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2023.
  • Sư Tử Trắng giai đoạn 2B: Mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2A (nằm trong Block 15.1) đã đi vào hoạt động vào ngày 18/6/2021, với tổng trữ lượng khí tự nhiên là 5,5 tỷ mét khối và 63 triệu thùng condensate dự kiến được khai thác giai đoạn 2021-2025. Dự án tiếp theo Sư Tử Trắng 2B, với tổng vốn đầu tư 1,1 tỷ USD, dự kiến triển khai EPCI cuối năm 2023 và đi vào hoạt động trong năm 2026.

Triển vọng lợi nhuận

Tăng trưởng sản lượng có thể chững lại trong năm 2023: Chúng tôi kỳ vọng sản lượng tiêu thụ khí khô là 8 triệu m3 trong năm 2023, đạt mức tăng trưởng khiêm tốn 4% svck do sự suy giảm của nền kinh tế nói chung có thể ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng. Trong 2 tháng đầu năm 2023, sản lượng điện của Việt Nam giảm 2,2% svck. Tuy nhiên, tỷ lệ huy động của các nhà máy điện khí trong năm 2023 có thể cải thiện so với năm 2022 do công suất thủy điện giảm với dự báo điều kiện thủy văn kém thuận lợi hơn.

Giá dầu giảm có thể khiến lợi nhuận quay về mức bình thường: Chúng tôi dự đoán giá dầu Brent trung bình ở mức 83 USD/thùng, giảm 17% svck so với mức nền cao trong năm 2022, do tăng trưởng nhu cầu toàn cầu chậm lại và tác động của việc thiết lập hàng tồn kho. Theo IEA, lượng dầu tồn kho toàn cầu đạt 7,8 tỷ thùng trong tháng 1, mức cao nhất kể từ tháng 9/2021 (tăng 52,9 triệu thùng so với tháng trước), với lượng dầu tồn kho của OECD tăng 55 triệu thùng, gấp bốn lần mức tăng trung bình 5 năm. Bất chấp sự phục hồi khả quan của nhu cầu tại Trung Quốc, thị trường toàn cầu đã chuyển từ thâm hụt trong nửa đầu năm 2022 sang thặng dư nguồn cung trong ba quý vừa qua. Với mối tương quan cao 0,9 lần của giá FO và LPG so với giá dầu Brent trong 10 năm qua, chúng tôi kỳ vọng giá FO và LPG sẽ giảm lần lượt 17% và 13% svck do giá dầu thô điều chỉnh.

Do đó, chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2023 lần lượt là 23% và 14%, theo đó doanh thu và lợi nhuận ròng của GAS sẽ giảm lần lượt 11,5% và 27,4% svck từ mức đỉnh năm 2022 xuống 89,2 nghìn tỷ đồng và 10,9 nghìn tỷ đồng.

Định giá và luận điểm đầu tư

Với ước tính lợi nhuận năm 2023 của GAS sẽ giảm, chúng tôi hạ khuyến nghị đối với cổ phiếu GAS từ Khả quan xuống TRUNG LẬP, với giá mục tiêu 1 năm là 103.000 đồng/cổ phiếu (trước đó là 128.000 đồng/cổ phiếu), dựa trên P/E mục tiêu 2023 là 18,5x. Chúng tôi chưa nhận thấy nhiều yếu tố hỗ trợ trong ngắn hạn, do nhu cầu yếu và giá dầu điều chỉnh mạnh có thể khiến lợi nhuận giảm đáng kể trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng GAS vẫn có triển vọng dài hạn tích cực. Theo dự thảo mới nhất của Quy hoạch điện VIII, tổng công suất điện khí dự kiến đạt 30 GW trong năm 2030, tương đương mức tăng trưởng hàng năm trên 12% trong giai đoạn 2020-2030.

Rủi ro tăng/giảm đối với khuyến nghị của chúng tôi bao gồm sản lượng tiêu thụ khí khô mạnh hơn/yếu hơn và giá nhiên liệu cao hơn/thấp hơn giả định.