Tổng CTCP Bảo Minh (BMI): Kế hoạch thận trọng; mục tiêu mở rộng mạng lưới

Nguồn: VCSC

Kế hoạch thận trọng; mục tiêu mở rộng mạng lưới

 

BMI

 

  • 39 cổ đông chiếm 79,9% quyền biểu quyết đã tham dự ĐHCĐ trực tuyến của Tổng CTCP Bảo Minh (BMI) vào ngày 17/4. Phiên hỏi đáp tập trung vào triển vọng kinh doanh chung của BMI và tiến độ thoái vốn của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
  • Kế hoạch năm 2023 bao gồm tổng phí bảo hiểm gốc là 5,8 nghìn tỷ đồng (+6,9% YoY), LNTT là 375 tỷ đồng (+9,4% YoY) — thấp hơn 5% so với dự báo năm 2023 của chúng tôi — và ROE tối thiểu là 10%. Chúng tôi lưu ý rằng LNTT của BMI trung bình cao hơn 10% so với kế hoạch đặt ra tại ĐHCĐ trong 5 năm qua.
  • Cổ đông đã thông qua (1) phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% và (2) chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% mệnh giá (500 đồng/cổ phiếu) vào năm 2023. BMI cũng đề xuất mức cổ tức tối thiểu 10% cho năm 2023.
  • Ban lãnh đạo cho biết SCIC chưa có kế hoạch thoái vốn khỏi BMI trong giai đoạn 2021-2025 và việc thoái vốn (nếu có) sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
  • Chúng tôi hiện có khuyến nghị MUA cho BMI với giá mục têu là 31.300 đồng/cổ phiếu.

BMI tự tin sẽ hoàn thành các mục tiêu kinh doanh đặt ra cho giai đoạn 2022-2025. Ban lãnh đạo đặt kế hoạch tổng doanh thu tăng 6,9% YoY trong năm 2023, trong đó (1) mục tiêu tăng trưởng phí bảo hiểm gốc 6,9% YoY, (2) mục tiêu tăng trưởng phí tái bảo hiểm 8,2% YoY và (3) mục tiêu tăng trưởng 8,0% YoY thu nhập tài chính và doanh thu đầu tư BĐS. Ban lãnh đạo nhận thấy điều kiện kinh tế không thuận lợi sẽ tác động tiêu cực đến HĐKD của BMI và cho rằng HĐKD vẫn gặp nhiều thách thức trong quý 2 và quý 3/2023. Tuy nhiên, ban lãnh đạo vẫn tin rằng kế hoạch năm 2023 và chiến lược kinh doanh giai đoạn 2022-2025 – trong đó BMI đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu là 6%/năm và tăng trưởng LNTT 9%/năm trong giai đoạn 2023-2025 – là khả thi.

BMI kỳ vọng mảng bảo hiểm sức khỏe sẽ hỗ trợ tăng trưởng phí bảo hiểm trong năm 2023. Theo công bố của BMI, thị phần bảo hiểm chăm sóc sức khỏe của công ty đã tăng từ 9,3% trong năm 2021 lên 9,5% trong năm 2022. BMI cho biết mảng bảo hiểm sức khỏe tại Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng; do đó, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe sẽ tiếp tục là một trong những động lực chính cho tăng trưởng doanh thu của BMI. Ngoài ra, BMI đang tăng cường quan hệ đối tác với các bệnh viện công để tiếp tục khai thác cơ sở khách hàng của các bệnh viện và nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ bảo lãnh viện phí cho các chủ hợp đồng. BMI dự kiến tỷ lệ kết hợp năm 2023 sẽ được kiểm soát ở mức 97% (+40 điểm cơ bản YoY), tỷ lệ này vẫn thuộc mức thấp trong số các công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu.

Ban quản lý có kế hoạch mở rộng mạng lưới của BMI. BMI đặt mục tiêu hoàn tất thủ tục để thành lập 9 chi nhánh trong năm 2023. Ngoài ra, BMI có kế hoạch đưa 3 chi nhánh mới gần đây vào hoạt động trong năm nay. Chúng tôi lưu ý rằng công ty hiện có một trụ sở chính và 65 chi nhánh trên toàn quốc. Năm 2022, phí bảo hiểm gốc bán qua kênh bancassurance (bao gồm ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng) chiếm khoảng 30% tổng phí bảo hiểm gốc. BMI kỳ vọng mạng lưới truyền thống mạnh mẽ trên toàn quốc của công ty có thể giúp khắc phục tình trạng tăng trưởng phí bảo hiểm chậm của kênh bancassurance (nếu có). Mặc dù ban lãnh đạo không công bố cụ thể số liệu doanh thu của kênh trực tuyến, nhưng công ty cho biết kênh trực tuyến đã phát triển tốt trong vài năm qua từ mức nền thấp. Trong năm 2023, công ty sẽ bắt đầu quy trình thẩm định bảo hiểm trực tuyến cho bảo hiểm xe cơ giới.

Cổ đông đã thông qua phương án cổ tức 15% mệnh giá sẽ được trả trong năm 2023, bao gồm (1) cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% và (2) cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5% mệnh giá (500 đồng/cổ phiếu). Theo kế hoạch, cổ tức tiền mặt năm 2022 sẽ được chi trả vào quý 2/2023; trong khi đó, cổ tức bằng cổ phiếu năm 2022 sẽ được chi trả trong thời gian còn lại của năm 2023. Ban lãnh đạo cho biết việc chia cổ tức bằng cổ phiếu là cần thiết để củng cố nguồn vốn cho BMI mở rộng kinh doanh, cải thiện lợi thế cạnh tranh cũng như tỷ lệ biên khả năng thanh toán. Sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của BMI sẽ tăng lên 1,2 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, BMI đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 1,5 nghìn tỷ đồng vào năm 2025.

BMI tiếp tục tập trung vào các sản phẩm đầu tư thận trọng và có tính thanh khoản cao. Ban lãnh đạo đưa ra kế hoạch về cơ cấu danh mục đầu tư năm 2023 của BMI, bao gồm tiền gửi có kỳ hạn và chứng chỉ tiền gửi (88%), trái phiếu (3%), đầu tư dài hạn vào công ty liên doanh (6%) và cổ phiếu (3%). BMI cũng sẽ ưu tiên gửi tiền có kỳ hạn tại các ngân hàng TMCP quốc doanh (SOE) và trái phiếu doanh nghiệp do các ngân hàng SOE phát hành.