Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (SAB): Áp lực chi phí đầu vào gia tăng từ Q2 trở đi

Nguồn: BVSC

Áp lực chi phí đầu vào gia tăng từ Q2 trở đi

 

SAB

 

KQKD Q1 2023 cho thấy bức tranh chung của ngành bia. SAB ghi nhận doanh thu 6.214 tỷ đồng (-15% yoy) và lợi nhuận sau thuế - cđts 967 tỷ đồng (-17% yoy). Chúng tôi tóm tắt một số bình luận của Ban lãnh đạo SAB về KQKD quý vừa qua như sau:

  • Tình hình tiêu thụ bia nhìn chung không khả quan trong Q1. SAB cho biết có một số lý do chính: (i) sức mua yếu, người tiêu dùng thận trọng; (ii) lãi suất cao ảnh hưởng đến chi phí vốn lưu động của các điểm phân phối; và (iii) hoạt động kiểm tra nồng độ cồn theo Nghị định 100 diễn ra gay gắt. Các doanh nghiệp trong ngành đều ghi nhận tăng trưởng âm về doanh thu: Sabeco giảm 15%, Bia Hà Nội giảm 13%, Heineken giảm hơn 20% (tính riêng Việt Nam) và Carlsberg cũng ghi nhận sụt giảm (không công bố số liệu chi tiết). Tuy nhiên, trong khó khăn thì xu hướng down-trading cũng giúp các sản phẩm phổ thông hưởng lợi, qua đó với mức giảm thấp hơn đối thủ thì thị phần của Sabeco có thể đã tăng nhẹ so với năm trước.
  • Biên lợi nhuận chịu áp lực nhiều hơn từ Q2 trở đi. SAB ghi nhận biên gộp 30,8% trong Q1, tăng 2,7% qoq và 1% yoy, nhưng chủ yếu là nhờ vẫn hưởng lợi một phần từ chi phí đầu vào thấp đã chốt trong năm ngoái. Ban lãnh đạo cho biết các hợp đồng chốt giá cao hơn sẽ phản ánh từ Q2 và sẽ nỗ lực hết sức trong việc kiểm soát chi phí hoạt động để đảm bảo biên lợi nhuận trong 2023. Tuy nhiên, công ty cũng chia sẻ giá nguyên vật liệu (nhôm, lúa mạch, v.v) đã giảm khá nhiều nên biên lợi nhuận sẽ phục hồi trong 2024.
  • Ban lãnh đạo kỳ vọng tiêu thụ bia khả quan hơn trong 2H 2023 với một số lý do chính bao gồm: (i) niềm tin tiêu dùng phục hồi; (ii) lãi suất giảm; (iii) các chính sách kích cầu như giảm thuế VAT; (iv) đẩy mạnh đầu tư công và kỳ vọng vào sự phục hồi của xuất nhập khẩu; và (v) cú hích từ tăng trưởng du lịch.

Điều chỉnh giảm dự báo 2023. Với mức đóng góp dưới kỳ vọng của KQKD Q1 thì BVSC cũng điều chỉnh dự báo cho cả năm 2023. Chúng tôi dự phóng doanh thu đạt 35.512 tỷ (+1,5% yoy) và lợi nhuận sau thuế - cđts 5.094 tỷ (-2,5% yoy), giảm 7% và 9% so với dự báo trước. Trong đó, sự thay đổi lớn nhất là doanh thu bia +1,5% (so với +9,5% trước đây) và SG&A/doanh thu tăng thêm 50bps. EPS dự phóng 7.308 đồng/cp và P/E 22,2x.

Giao dịch tăng sở hữu chi phối tại Sabibeco sẽ hoàn thành đầu 2024. Năng lực sản xuất của Sabibeco gần 600 triệu lít/năm, tức bằng 25% tổng năng lực 2,4 tỷ lít của cả SAB và các đơn vị liên kết (Sabeco Group). Năm 2022, Sabibeco ghi nhận doanh thu 2.357 tỷ và lỗ sau thuế 3,5 tỷ - hiệu quả thấp các đơn vị liên kết khác như SMB, WSB, v.v. Theo SAB, việc kiểm soát chi phối và cải thiện hoạt động của Sabibeco sẽ giúp nâng cao hiệu quả của cả Tập đoàn. Ngoài danh mục sản phẩm cũng được bổ sung thêm bia Sagota, qua đó tăng thêm thị phần nội địa.

Khuyến nghị đầu tư: Với triển vọng ngắn hạn kém khả quan, BVSC tiếp tục duy trì khuyến nghị NEUTRAL đối với SAB, trong đó hạ giá kỳ vọng xuống 182.700 đồng/cp sau khi đã điều chỉnh giảm 9% EPS năm 2023 và giữ nguyên P/E mục tiêu 25x. Tuy vậy, chúng tôi cũng nhìn thấy điểm sáng cho 2024 xoay quanh việc biên lợi nhuận phục hồi nhờ giá đầu vào giảm và lợi ích cộng hưởng từ việc hợp nhất Sabibeco. Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc tích luỹ nếu giá cổ phiếu điều chỉnh về vùng hợp lý hơn, đặc biệt là khi áp lực so sánh ở Q2 2023 sắp tới với nền lợi nhuận cao năm ngoái là rất lớn.