Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (SAB): Một năm thách thức do sức cầu yếu

Nguồn: SSI

Một năm thách thức do sức cầu yếu

 

SAB

 

KQKD Q1/2023

Trong Q1/2023, SAB công bố doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 6,2 nghìn tỷ đồng (-15% svck) và 1 nghìn tỷ đồng (-19% svck). Mặc dù chúng tôi đã đề cập đến khả năng doanh thu và lợi nhuận của SAB sẽ sụt giảm trong nửa đầu năm 2023 trong báo cáo trước đó (link), nhưng kết quả kinh doanh Q1 vẫn thấp hơn so với kỳ vọng. Doanh thu giảm do tâm lý người tiêu dùng yếu đi và việc cắt giảm chi tiêu không thiết yếu, chưa kể đến việc thực hiện nghiêm ngặt Nghị định 100 từ trước dịp Tết Nguyên đán đến nay. Theo ban lãnh đạo, Nghị định 100 tác động đến toàn bộ các công ty trong ngành và bắt buộc thị trường phải thích ứng. Doanh thu tháng 4 có dấu hiệu phục hồi trở lại, nhưng vẫn chưa cao như kỳ vọng. Chúng tôi lưu ý rằng Q2/2022 là quý có mức nền rất cao khi thị trường mở cửa trở lại.

Doanh thu: Doanh thu Q1/2023 giảm 15% svck, chủ yếu là do sản lượng tiêu thụ giảm. Theo SAB, do lãi suất cao và sức tiêu thụ yếu nên các đại lý phân phối không nhập hàng nhiều (tồn kho ở đại lý chỉ ở mức 7 ngày so với hơn 10 ngày trước đó). Do đó, hàng tồn trong kênh thấp. Điều này cũng cho thấy áp lực lên doanh thu của SAB sẽ giảm dần trong thời gian tới. Mức tồn kho nguyên vật liệu đã tăng 52% svck và 18% so với quý trước do doanh thu yếu. Từ đầu năm tới nay công ty chưa tăng giá bán. Công ty có thể cân nhắc việc tăng giá bán trong các qúy tới tùy tình hình thị trường. Chúng tôi ước tính giá bán bình quân đã tăng khoảng 6% trong năm 2022.

Tỷ suất lợi nhuận gộp: Tỷ suất lợi nhuận gộp trong quý 1 ở mức 30,8%, cao hơn khi svck và so với quý trước. Bất chấp kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận sẽ giảm do chi phí nguyên vật liệu tăng trong năm 2023, SAB vẫn được hưởng lợi từ phần tồn kho nguyên vật liệu giá thấp còn lại từ năm ngoái kết hợp với việc giá bán trung bình cao hơn svck. Ban lãnh đạo cho rằng tỷ suất lợi nhuận sẽ bị thu hẹp lại trong các quý tới, nhưng cho cả năm, ban lãnh đạo cũng kỳ vọng duy trì mức tỷ suất lợi nhuận tương đương năm trước, thông qua cách tiếp tục tối ưu hóa chi phí (như sử dụng năng lượng mặt trời, giảm chi phí/lít tại các nhà máy bia), điều chỉnh cơ cấu sản phẩm và tăng giá bán bình quân. SAB cũng đã chốt giá nguyên liệu đầu vào cho năm tới và có khả năng được hưởng lợi từ chi phí đầu vào thấp hơn từ năm 2024.

Thị phần: Ban lãnh đạo cho biết SAB đã tăng được thị phần trong năm 2022, sát với mức thị phần lịch sử trong năm 2019 (dựa trên dữ liệu của Nielsen), do danh mục sản phẩm phổ thông của SAB được duy trì tốt (Saigon Lager đã tăng thị phần). Trong dịp Tết Nguyên đán, SAB bị mất một chút thị phần (vì người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các sản phẩm cao cấp và cận cao cấp trong dịp Tết để dùng làm quà tặng), nhưng đến nay SAB đã lấy lại được thị phần, một phần do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và SAB bán hàng tốt hơn ở phân khúc phổ thông. SAB cũng ưu tiên quản lý chặt chi phí như chọn lọc quảng cáo và tổ chức các sự kiện trong năm nay một cách hợp lý hơn.

M&A: SAB đã nâng thành công tỷ lệ sở hữu tại WSB từ 51% lên 70,55% vào cuối tháng 4. Công suất của WSB là 350 triệu lít/năm. SAB cũng công bố kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu của SAB tại nhà máy bia Sài Gòn Bình Tây (SABIBECO – hiện là công ty liên kết của SAB với tỷ lệ sở hữu 22%) và công ty liên kết bao bì của SABIBECO (SABIBECO sở hữu 39% trong khi SAB sở hữu trực tiếp và gián tiếp dưới 20%). Tổng cộng, hai công ty liên kết có sáu nhà máy bia và hai nhà máy đóng gói. Ban lãnh đạo kỳ vọng việc nâng sở hữu sẽ phát huy hiệu quả từ năm 2024 về mặt cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp và hợp nhất báo cáo tài chính. Sabibeco sở hữu một thương hiệu mạnh là ‘Sagota’, vốn được biết đến tại thị trường địa phương với cả sản phẩm không cồn (bia không cồn Sagota).

Chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng tăng lần lượt 10% và 1% trong năm tới đến từ các hoạt động M&A nêu trên. Chúng tôi cũng kỳ vọng có khả năng 1 khoản thu nhập tài chính bất thường tiềm năng trong năm 2023 hoặc 2024 do đánh giá lại khoản đầu tư, mặc dù kế hoạch này chưa được định lượng. Mặc dù tác động ngay lập tức đến lợi nhuận ròng là không đáng kể, nhưng chúng tôi tin rằng các hoạt động M&A sẽ giúp SAB cải thiện doanh thu và tỷ suất lợi nhuận gộp trong trung hạn. Trên thực tế, chúng tôi nhận thấy những lợi thế từ M&A: (i) SABIBECO sở hữu danh mục sản phẩm mạnh với thương hiệu Sagota (Sagota có nhiều sản phẩm đa dạng, bao gồm bia không cồn); (ii) SAB có thể mở rộng năng lực sản xuất, đặc biệt là dây chuyền đóng gói trong mùa cao điểm, vốn phụ thuộc nhiều vào các công ty liên kết; (iii) mở rộng từ mạng lưới phân phối của SABIBECO; và (iv) quan trọng nhất là kiểm soát tốt hơn chất lượng bia và hiệu quả sản xuất. Nếu thương vụ thành công, chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ có thêm nhiều thương vụ hợp nhất với các công ty liên kết khác của SAB.

Rủi ro: Chúng tôi lo ngại về: (i) chi phí nguyên vật liệu cao hơn dự kiến; và (ii) sản lượng tiêu thụ thấp hơn dự kiến do cạnh tranh gay gắt và sức tiêu thụ yếu.