Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SAB): Tác động ngắn hạn từ các thách thức kinh tế toàn cầu

 Nguồn: VCSC

Tác động ngắn hạn từ các thách thức kinh tế toàn cầu

 

 

Chúng tôi đã tham gia buổi họp trực tuyến dành cho NĐT của CTCP Bia Rượu NGK Sài Gòn (SAB) diễn ra ngày 08/02. Những điểm chính mà chúng tôi chi nhận từ cuộc họp nhìn chung phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi về (1) nhu cầu tăng trưởng bị ảnh hưởng bởi những thách thức kinh tế, (2) chi phí nguyên vật liệu cao hơn có khả năng làm chậm tiến độ cải thiện khả năng sinh lời và (3) chi phí quảng cáo và khuyến mãi (A&P) cao hơn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trong năm 2023.

Đà tăng trưởng doanh thu bán hàng ổn định sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2023. Dựa trên KQKD năm 2022 của SAB, ban lãnh đạo tin rằng công ty đã giành được thêm thị phần nhờ cải thiện nhận thức về thương hiệu thông qua các chiến lược marketing hiệu quả (như biển quảng cáo, các lễ hội âm nhạc và khuyến mãi). SAB cho biết rằng công ty đã giữ vững thị phần của mình ở phân khúc phổ thông trong khi mức tăng trưởng của phân khúc cận cao cấp là tích cực. Ngoài ra, SAB đã củng cố vị thế và thị phần tại miền Bắc. Trong năm 2023, SAB dự kiến nhu cầu của người tiêu dùng sẽ chậm lại do những thách thức kinh tế toàn cầu - đặc biệt là trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, ban lãnh đạo kỳ vọng tác động tiêu cực này sẽ được bù đắp một phần bởi (1) vị thế vững chắc của SAB trong phân khúc phổ thông do người tiêu dùng sẽ giảm chi tiêu cho các sản phẩm đắt tiền và (2) dư địa tăng trưởng lớn do doanh số bán hàng năm 2022 vẫn ở dưới mức trước dịch COVID-19 vào năm 2019.

Ban lãnh đạo dự kiến chi phí nguyên vật liệu sẽ cao hơn trong năm 2023. Trong trung hạn, SAB có nhiều dư địa để mở rộng biên LN gộp. Năm 2023, ban lãnh đạo kỳ vọng chi phí đầu vào tiếp tục ở mức cao hơn so với năm 2021; tuy nhiên, tác động kém tích cực này có thể được bù đắp một phần nhờ (1) năng lực định giá của SAB, (2) cải thiện cơ cấu sản phẩm và (3) các kế hoạch cải thiện biên lợi nhuận.

Tiếp tục đầu tư A&P trong năm 2023F. Ban lãnh đạo cho rằng tỷ lệ chi phí bán hàng/doanh thu cao trong quý 4 năm 2022 là do (1) nỗ lực cải thiện sức mạnh thương hiệu, (2) phản ứng kịp thời trước việc chi tiêu lớn cho A&P của các đối thủ cạnh tranh và (3) tác động của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến sớm. Trong năm 2023, SAB đặt mục tiêu tiếp tục chi tiêu hiệu quả cho các chiến dịch marketing để tăng cường nhận thức về thương hiệu và duy trì vị thế của SAB trong môi trường cạnh tranh cao. Trong thời gian tới, ban lãnh đạo kỳ vọng tỷ lệ chi phí bán hàng/doanh thu sẽ giảm dần nhờ việc chi tiêu hợp lý và hiệu quả hơn.

Lợi nhuận tiếp tục cải thiện nhờ SAB tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty liên kết. SAB đang trong quá trình tăng cổ phần tại CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây và CTCP Tập đoàn Bao bì Sài Gòn. Sau khi hoàn thành, 2 đơn vị này sẽ trở thành công ty con của SAB. Ban lãnh đạo tin rằng việc hợp nhất này sẽ giúp cải thiện khả năng sinh lời của SAB nhờ (1) tăng công suất và lợi thế kinh tế về quy mô cũng như (2) kiểm soát hoạt động và tối ưu hóa tốt hơn. Lợi ích kinh tế từ việc tăng sở hữu ở các công ty con này dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2024.