Tổng CTCP Bưu chính Viettel (VTP): Ban lãnh đạo tự tin đà phục lợi nhuận hồi năm 2023

Nguồn: VCSC

Ban lãnh đạo tự tin đà phục lợi nhuận hồi năm 2023

 

VTP

 

  • Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ thường niên của Tổng CTCP Bưu chính Viettel (VTP) tại Hà Nội vào ngày 19/4.
  • Trong năm 2023, VTP dự kiến đạt doanh thu đạt 18,5 nghìn tỷ đồng (+15,1% YoY) và LNST là 376 tỷ đồng (+46,7% YoY), tương ứng 99% và 103% các dự báo tương ứng của chúng tôi. Chúng tôi lưu ý rằng VTP thường không đạt được kế hoạch về lợi nhuận. Chúng tôi hiện chưa nhận thấy rủi ro đáng kể nào đối với dự báo của chúng tôi.
  • ĐHCĐ đã thông qua mức cổ tức tiền mặt năm 2022 (sẽ trả vào năm 2023) là 1.150 đồng/cổ phiếu (lợi suất cổ tức 3,7%) và cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 7,61% sẽ thực hiện trong năm 2023. ĐHCĐ cũng thông qua mức cổ tức tiền mặt cho năm 2023 là 1.500/cổ phần.

VTP cho rằng nâng cao chất lượng là động lực chính để giành lại thị phần. Tính đến năm 2022, VTP ước tính nắm giữ 18% thị phần. Công ty đặt mục tiêu thị phần đạt 21% vào năm 2023 và 31% vào năm 2025. Ban lãnh đạo cho rằng triển vọng tăng trưởng này đến từ chất lượng của VTP về thời gian chuyển phát toàn trình và tỷ lệ hư hỏng thấp. Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ, VTP đã đầu tư phát triển chất lượng nguồn nhân lực bằng cách thường xuyên tổ chức đào tạo dịch vụ khách hàng và cung cấp các khóa học nâng cao — đặc biệt dành cho cấp quản lý — để nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ của công ty. Gần đây, VTP đã hợp tác với các nhà bán lẻ mỹ phẩm như Guardian và Oriflame sử dụng dịch vụ giao hàng của VTP. Trong năm 2023, VTP đặt mục tiêu tận dụng sự tăng trưởng mạnh mẽ của TikTok Shop để hỗ trợ sản lượng chuyển phát, TikTok Shop có biên lợi nhuận cao hơn so với các nền tảng thương mại điện tử khác do TikTok Shop chưa phát triển đội ngũ giao hàng tận nơi. Trong tương lai, ban lãnh đạo tin rằng VTP có thể gia tăng thị phần và có khả năng hoàn thành mục tiêu nhờ danh tiếng vững chắc, dịch vụ giao hàng chất lượng cao và khả năng mở rộng sang các thị trường giao hàng ngách.

VTP dự kiến cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt và tạo áp lực lên giá dịch vụ trung bình của VTP trong tương lai. Hiện có hơn 800 doanh nghiệp tại Việt Nam kinh doanh dịch vụ chuyển phát. Ban lãnh đạo cho rằng mức độ cạnh tranh cao này đến từ rào cản thấp đối với những công ty mới tham gia do thiếu các quy định nghiêm ngặt về giá cước bưu điện tại Việt Nam. VTP cho biết vẫn đang trong quá trình đề xuất luật bưu chính mới và kiến nghị Chính phủ thành lập hiệp hội ngành để kiểm soát tốt hơn và cạnh tranh công bằng. Ban lãnh đạo tin rằng việc Chính phủ ban hành các chính sách sẽ là một bước ngoặt quan trọng đối với ngành; tuy nhiên, VTP cho rằng việc này sẽ mất nhiều thời gian để hoàn thành và cuộc chiến giá cả giữa các công ty chuyển phát sẽ kéo dài.

VTP kỳ vọng biên lợi nhuận sẽ được bù đắp một phần nhờ tối ưu hóa chi phí. Ban lãnh đạo cho biết VTP đặt mục tiêu đầu tư nhiều hơn vào tái cơ cấu bưu điện, công nghệ và máy móc để giảm chi phí do hư hỏng, mất mát và chi phí nhân công cho việc giao hàng. VTP cũng có thể tận dụng các kênh phân phối đa dạng của công ty chị em là Viettel Telecom để tối ưu hóa chi phí thuê mặt bằng. Bất chấp cuộc chiến giá cả đang diễn ra, VTP vẫn nhận thấy dư địa để đảm bảo lợi nhuận bằng cách cắt giảm chi phí hoạt động và nhắm đến các phân khúc có biên lợi nhuận cao hơn như chuyển phát nhanh và chuyển phát hàng đông lạnh.