Tổng CTCP Công trình Viettel (CTR): KQKD sơ bộ quý 3/2022 khá tích cực

Nguồn: SSI

KQKD sơ bộ quý 3/2022 khá tích cực

 

CTR

 

KQKD sơ bộ quý 3/2022 khá tích cực với tăng trưởng LNTT ước tính là 37% so với cùng kỳ và 25% so với quý trước. Tốc độ tăng trưởng trong KQKD sơ bộ quý 3/2022 cao hơn một chút so với dự báo KQKD của chúng tôi được cập nhật ngày 7 tháng 10 năm 2022, và chúng tôi cho rằng LNTT khả quan chủ yếu là nhờ tăng tỷ trọng đóng góp từ mảng cho thuê cơ sở hạ tầng viễn thông. Việc xây dựng các trạm BTS mới đang được đẩy mạnh từ quý 2/2022 (742 trạm) và thêm 361 trạm trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 8 năm 2022 so với 162 trạm trong quý 1/2022. Trong 9 tháng đầu năm 2022, LNTT sơ bộ đạt 400 tỷ đồng (tăng 28,5% so với cùng kỳ), hoàn thành 70% dự báo năm 2022 của chúng tôi.

Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy vòng quay tiền mặt và vị thế tiền mặt ròng của CTR tốt hơn dự kiến. Trước đây, chúng tôi lo ngại về việc vòng quay tiền mặt sẽ bị kéo dài khi mở rộng sang phân khúc xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, kể từ tháng 6 năm 2022, chỉ số TTM CCC đạt mức 84 ngày, thấp hơn ước tính hiện tại của chúng tôi cho năm 2022 là 94 ngày. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh đạt 194 tỷ đồng so với ước tính năm 2022 là 84 tỷ đồng. Do dòng tiền hoạt động khá tốt, dư nợ ngắn hạn thấp hơn dự kiến và mang lại tỷ lệ tiền mặt ròng trên vốn chủ sở hữu là 0,4 lần ở thời điểm tháng 6 năm 2022, tốt hơn so với ước tính của chúng tôi là tỷ lệ nợ ròng trên VCSH của năm 2022 sẽ đạt 0,4 lần.

Chúng tôi đang chờ Luật sửa đổi Luật tần số vô tuyến điện được thông qua và điều này sau đó có thể là cơ sở để khởi động đợt đấu giá băng tần cho 4G & 5G. Theo đánh giá 6 tháng đầu năm 2022 của Bộ Thông tin & Truyền thông (MIC) ngày 26/72022, mục tiêu của Bộ TT&TT bao gồm thực hiện hoạt động đấu giá cho băng tần 2300-2400MHz cho 4G vào cuối năm 2022 và đấu giá băng tần 2600-3500MHZ cho 5G trong 6 tháng cuối năm 2023. Một mục tiêu khác là đóng cửa dần dần mạng 2G cho đến hết tháng 9 năm 2024.

Tập đoàn Viettel giữ vị trí số 1 về thị phần thuê bao di động và tốc độ mở rộng vẫn đang được duy trì. Do đó, điều này có thể mang lại lợi ích cho mảng cho thuê cơ sở hạ tầng viễn thông của Công ty. Hơn nữa, các nhà đầu tư cần lưu ý rằng không dễ dàng để các doanh nghiệp khác tham gia vào thị trường viễn thông do rào cản về mức độ sử dụng vốn lớn.

Cổ phiếu CTR hiện giao dịch ở mức P/E năm 2022 là 17,9 lần và năm 2023 là 14,9 lần, thấp hơn nhiều so với các công ty cùng ngành là 22 lần và 21 lần. Trong khi đó, tăng trưởng EPS năm 2022 và 2023 của CTR được dự báo là sẽ đạt lần lượt 22,6% và 20,2%, so với các công ty cùng ngành hiện ở mức 9% và 10%. Với kết quả kinh doanh quý 3/2022 khả quan so với cùng kỳ và so với quý trước, cùng với vòng quay tiền tốt hơn ước tính và số dư nợ ngắn hạn thấp hơn dự kiến, sẽ giúp CTR đạt lợi nhuận năm 2022 cao hơn lợi nhuận ước tính của chúng tôi, đồng thời mang lại những yếu tố hỗ trợ bất ngờ cho giá mục tiêu. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn duy trì dự báo hiện tại cho năm 2022 và năm 2023 do những lo ngại về suy thoái kinh tế. Giá mục tiêu 1 năm hiện tại của chúng tôi cho CTR là 71.200 đồng/cổ phiếu trên cơ sở áp dụng phương pháp định giá DCF, tiềm năng tăng giá là 17%, tương ứng với khuyến nghị KHẢ QUAN.

Với sự biến động của lãi suất, kết quả sau khi chúng tôi phân tích độ nhạy cho thấy rủi ro giảm giá cổ phiếu hiện tại có thể bị giới hạn ở mức khoảng 8%.