Tổng CTCP Công trình Viettel (CTR): Mảng viễn thông dẫn dắt tăng trưởng trong năm 2023

Nguồn: VCSC

Mảng viễn thông dẫn dắt tăng trưởng trong năm 2023

 

CTR

 

  • Chúng tôi giảm giá mục tiêu cho CTR thêm 3% nhưng vẫn giữ khuyến nghị MUA. Chúng tôi dự báo EBITDA của CTR sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) là 17,8% trong giai đoạn 2023-2027, dẫn dắt bởi mảng towerco. Trong triển vọng tích cực, EV/EBITDA năm 2023 với giá mục tiêu của chúng tôi là 9,9 lần, vẫn khá hấp dẫn do mức chiết khấu 10% và 57% so với trung vị EV/EBITDA trượt trung bình 5 năm giai đoạn 2018-2022 của một số công ty cùng ngành tại thị trường Châu Á mới nổi và tại thị trường phát triển lần lượt là 11,0 lần và 22,8 lần.

  • Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi chủ yếu là do mức giảm 8% trong dự báo EBITDA giai đoạn 2023-2027 của chúng tôi cho mảng towerco của CTR, được bù đắp một phần bởi mức giảm 0,5 điểm phần trăm trong giả định WACC của chúng tôi.
  • Trong năm 2023, chúng tôi dự báo CTR ghi nhận doanh thu đạt 10 nghìn tỷ đồng (+11% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 476 tỷ đồng (+7% YoY). Chúng tôi kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận cao hơn sẽ được dẫn dắt bởi các mảng liên quan đến viễn thông (cụ thể, towerco và vận hành) nhưng bị ảnh hưởng bởi mức tăng trưởng thấp của mảng xây dựng.
  • Rủi ro đối với quan điểm tích cực của chúng tôi: Tăng trưởng tiêu thụ dữ liệu di động chững lại; Viettel ưu tiên sở hữu trạm viễn thông thay vì thuê ngoài CTR; không sẵn sàng chia sẻ trạm viễn thông giữa các công ty viễn thông; hoạt động xây dựng thấp hơn dự kiến do triển vọng kém khả quan của thị trường bất động sản.

Biên lợi nhuận EBITDA mảng Towerco thấp hơn dự kiến sẽ được cải thiện. Chúng tôi cho rằng biên EBITDA thấp hơn của mảng Towerco vào năm 2022 so với năm 2021 là do các tháp viễn thông kích cỡ trung bình đóng góp nhiều hơn vào doanh thu khi tạo ra khả năng sinh lời thấp hơn so với các tòa tháp nhỏ hơn. Chúng tôi cho rằng các tòa tháp quy mô trung bình chưa được khai thác triệt để do tỷ lệ dùng chung thấp hơn mức tăng trưởng mạnh của các tòa tháp mới xây dựng. CTR cho biết công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào các tháp quy mô trung bình trong tương lai. Trong trung hạn, chúng tôi kỳ vọng khả năng sinh lời của các tháp quy mô trung bình sẽ cải thiện nhờ tỷ lệ thuê cao là 1,05 vào năm 2025, diễn biến này này sẽ được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng đối với dữ liệu chất lượng cao. Theo sách trắng về tài nguyên Internet Việt Nam của Bộ Thông tin & Truyền thông (MIC), tỷ lệ truy cập Internet của Việt Nam trên tổng dân số và tỷ lệ thâm nhập 3G/4G của người dùng điện thoại thông minh lần lượt là 73% và 95% vào năm 2022. Chúng tôi cũng kỳ vọng việc chuyển sang 4G ngày càng tăng sẽ dẫn đến việc ngừng hoạt động của sóng 2G vào năm 2024. Ngoài ra, quyết định mới về chi tiết thủ tục đấu thầu tần số vô tuyến điện được sử dụng cho mạng 4G và 5G cho thấy nhu cầu cao hơn về đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông của các nhà khai thác mạng di động (MNO) trong tương lai.

Sự tăng trưởng ổn định của các mảng liên quan đến viễn thông khác để bù đắp phần nào mức tăng trưởng chậm của mảng xây dựng khu dân cư. Chúng tôi tin rằng các mảng vận hành và xây dựng viễn thông (chiếm hơn 60% doanh thu của CTR) vẫn còn nhiều dư địa để phát triển khi công ty mẹ của CTR là Tập đoàn Viettel tiếp tục giành thị phần trong các dịch vụ viễn thông thông qua việc cải thiện chất lượng mạnh mẽ trong khi các MNO khác đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong đường truyền kết nối mạng di động.