Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS): Các dự án điện gió ngoài khơi dẫn dắt thời kỳ tăng trưởng mới của PVS

Nguồn: VCSC

Các dự án điện gió ngoài khơi dẫn dắt thời kỳ tăng trưởng mới của PVS

 

PVS

 

  • Chúng tôi nâng khuyến nghị từ KHẢ QUAN lên MUA và điều chỉnh tăng giá mục tiêu thêm khoảng 46% lên 30.600 đồng/cổ phiếu cho Tổng CTCP Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (PVS). Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi là do chúng tôi dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS báo cáo giai đoạn 2023-2027 tăng khoảng 34% do chúng tôi dự phóng tổng doanh thu mảng Cơ khí dầu khí (M&C) giai đoạn 2023-2027 tăng khoảng 56% khi chúng tôi đưa tiềm năng lớn từ các dự án điện gió ngoài khơi vào trong dự báo của chúng tôi.
  • Chúng tôi dự báo LNST sau lợi ích CĐTS báo cáo gần như đi ngang YoY trong năm 2023 do chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận mảng M&C tăng sẽ bù đắp cho lợi nhuận giảm từ mảng kho nổi (cụ thể là FPSO Ruby II).
  • Chúng tôi có quan điểm tích cực đối với triển vọng của PVS với các cơ hội việc làm lớn trong ngắn hạn từ các dự án điện gió ngoài khơi nước ngoài. Trong khi đó, các dự án điện gió ngoài khơi trong nước sẽ là động lực dẫn dắt tăng trưởng dài hạn của PVS. Chúng tôi dự phóng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) EPS giai đoạn 2022-2025 khoảng 20%, được hỗ trợ bởi backlog mảng M&C cuối năm 2022 dự phóng đạt khoảng 4,8 tỷ USD và lợi nhuận ổn định từ FSO/FPSO.
  • Chúng tôi cho rằng PVS có định giá hấp dẫn với PEG 3 năm là 0,9.
  • Yếu tố hỗ trợ: Chốt giá thuê ngày dài hạn cho FPSO Ruby II và Lam Sơn; tiến độ dự án Lô B nhanh hơn dự kiến.
  • Rủi ro: Tiến độ/công bố các dự án M&C chậm hơn dự kiến.

PVS có vị thế tốt để tham gia vào xu thế toàn cầu về phát triển điện gió ngoài khơi. McKinsey dự báo công suất điện gió ngoài khơi lắp đặt toàn cầu sẽ tăng từ 40 GW trong năm 2020 lên 630 GW trong năm 2050. Đáng chú ý, McKinsey kỳ vọng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ có tiềm năng tăng trưởng điện gió lớn nhất trong dài hạn với công suất điện gió ngoài khơi tăng 37 lần đạt 410 GW vào năm 2050. Orsted – chủ đầu tư điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới – sở hữu các trang trại điện gió ngoài khơi đang vận hành & xây dựng với tổng công suất 1 GW, và đặt mục tiêu phát triển thêm 6,5 GW tại Đài Loan. Chúng tôi cho rằng PVS – nhà thầu dầu khí ngoài khơi nổi tiếng tại Châu Á với các dịch vụ trọn gói – có tiềm năng lớn trong việc giành được các hợp đồng điện gió ngoài khơi. Do đó, chúng tôi nâng dự phóng giá trị hợp đồng các dự án điện gió ngoài khơi từ 500 triệu USD lên 1 tỷ USD vào backlog M&C tiềm năng của PVS.

PVS là công ty hưởng lợi trực tiếp từ Quy hoạch Điện (PDP) VIII. Chúng tôi kỳ vọng PDP VIII sẽ được phê duyệt trong năm 2023. Dự thảo tháng 11/2022 đạt mục tiêu nâng công suất điện gió thêm 53 lần trong giai đoạn 2020-2030 (cao hơn khoảng 30% so với dự thảo tháng 11/2021). Do chúng tôi hiện đưa dự phóng 1 tỷ USD từ các dự án điện gió ngoài khơi trong nước vào trong dự báo cho PVS, chúng tôi nâng backlog M&C dự phóng cuối năm 2022 từ 3,0 tỷ USD lên 4,8 tỷ USD.

Biên lợi nhuận gộp mảng M&C đang được cải thiện. Biên lợi nhuận gộp mảng M&C tăng đạt 3,0% trong quý 4/2022 so với 0,5% trong 9T 2022. Chúng tôi giả định biên lợi nhuận gộp năm 2023 sẽ tăng đạt 2,0% từ mức 1,4% trong năm 2022 do PVS chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi (dù công tác M&C điện gió ngoài khơi đơn giản hơn M&C dầu khí). Chúng tôi dự phóng biên lơi nhuận gộp sẽ phục hồi đạt 4,0%-4,5% từ năm 2024 cùng với danh tiếng vốn có của PVS cũng như kinh nghiệm trong thị trường điện gió ngoài khơi, và chúng tôi kỳ vọng sự cạnh tranh thấp trong bối cảnh ít đối thủ cạnh tranh trong thị trường tương đối mới này.