Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS): Triển vọng cải thiện backlog tăng cao

Nguồn: SSI

Triển vọng cải thiện backlog tăng cao

 

PVS

 

KQKD Q4.2022

Trong Q4.2022, chúng tôi nhận thấy sự cải thiện lớn cả về doanh thu và lợi nhuận của PVS khi so với quý trước và so với cùng kỳ nhờ kết quả khả quan từ mảng EPC/EPCI và đóng góp từ mảng liên doanh. Tổng doanh thu tăng 16% so với cùng kỳ, LNST tăng 86% so với cùng kỳ trong Q4.2022. Lũy kế cả năm 2022, LNST đạt 834 tỷ đồng, hoàn thành 171% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.

Như đã đề cập ở trên, động lực tăng trưởng doanh thu chính của PVS trong Q4.2022 đến từ mảng EPC/EPCI (mảng kinh doanh cốt lõi của PVS), tăng 31% so với cùng kỳ và chiếm 61% tổng doanh thu. Điều này đến từ sự đóng góp từ các dự án trọng điểm (Gallaf – Batch 3, Shwe Jacket, Sao Vàng Đại Nguyệt GĐ 2, Hải Long OSS…). Doanh thu EPC/EPCI năm 2022 đạt 8,7 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ, mang lại lợi nhuận gộp năm 2022 là 126 tỷ đồng, tăng 142% so với cùng kỳ và biên lợi nhuận gộp là 1,4%. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 0,7% trong năm 2021 và đây là mức thấp nhất kể từ năm 2013 (biên lợi nhuận gộp bình quân 10 năm là 3,8%).

Mặt khác, doanh thu ngoài EPC/EPCI đi ngang so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận gộp giảm 16% so với cùng kỳ trong Q4.2022 do hoạt động E&P ảm đạm dẫn đến nhu cầu đối với các dịch vụ của PTSC (ROV, O&M, tàu chuyên dụng...) giảm sút. Mảng FSO cũng ghi nhận mức giảm 6% so với cùng kỳ, do giá hợp đồng cho thuê hai FSO thuộc sở hữu của công ty mẹ PVS ở mức thấp.

Đóng góp từ liên doanh và liên kết (chủ yếu sở hữu và cho thuê FSO/FPSO) là một điểm sáng khác trong quý 4, với khoản lãi 134 tỷ đồng so với khoản lỗ 92 tỷ đồng trong Q4.2021. Trong năm 2022, mảng liên doanh đã đóng góp 630 tỷ đồng (+24% so với cùng kỳ) vào lợi nhuận hợp nhất, tương đương 72% lợi nhuận trước thuế của PVS trong năm 2022 (tính theo tiền VND). Lãi tỷ giá 109 tỷ đồng cũng là một đóng góp lớn khác vào lợi nhuận (so với 30 tỷ đồng ghi nhận trong năm trước), nhờ PVS có 180 triệu USD tiền gửi có kỳ hạn.

Trong Q4.2022, PVS ghi nhận LNST của cổ đông công ty mẹ (NPATMI) đạt 302 tỷ đồng (+93% so với cùng kỳ và 57% so với quý trước), lũy kế cả năm 2022 đạt 772 tỷ đồng (+28,5% so với cùng kỳ). Con số này cao hơn 20% so với ước tính của chúng tôi, do lợi nhuận EPC/EPCI tăng cao hơn dự kiến. EPS năm 2022 là 1.212 đồng/cổ phiếu, tăng 33% so với cùng kỳ, tương ứng với tỷ lệ P/E 12 tháng gần nhất là 22x.

Triển vọng năm 2023-2024

Cùng với việc E&P được cải thiện, các dự án lớn bắt đầu khởi động và backlog mới từ các dự án trang trại điện gió ngoài khơi, chúng tôi nâng các giả định về backlog cho các dự án EPC/EPCI trong giai đoạn 2023-2025, với tổng backlog dự kiến lên tới 1,41 tỷ USD. Đóng góp chính đến từ Block B, Gallaf Batch 3, trang trại gió Orsted, trang trại gió Hải Long và các dự án nhỏ khác.

Biên lợi nhuận gộp của mảng EPC/EPCI dự kiến sẽ tương đương với mức năm 2022 (biên lợi nhuận gộp là 1,4%) trong năm 2023 và có thể cải thiện lên 1,8% trong năm 2024. Trong tương lai xa hơn, chúng tôi giả định biên lợi nhuận gộp ở mức thận trọng là 1,4%.

Về FSO/FPSO, mảng này dự kiến sẽ duy trì ổn định trong năm 2023. Tuy nhiên, do hai FPSO của công ty (Lam Sơn và Biển Đông) đang tuân theo cơ chế giá thấp đến hết năm 2023, mức giá cho thuê của hai FPSO này sẽ tăng từ năm 2024. Chúng tôi giả định doanh thu của FSO/FPSO tăng trưởng 20% trong năm 2024.

Về mảng cung ứng và cảng, chúng tôi giả định năm nay sẽ không ghi nhận tăng trưởng và từ năm 2024 trở đi sẽ tăng 5% so với cùng kỳ, do chúng tôi cho rằng nhu cầu hàng hóa toàn cầu suy yếu sẽ ảnh hưởng đến sản lượng container tại cảng PTSC Đình Vũ trước khi phục hồi vào năm tới.

Chúng tôi đưa ra dự phóng cho PVS trong giai đoạn 2023-2024 như sau:

Với một số điểm chính như sau:

  • Tổng backlog giả định trong giai đoạn 2023-2025 là 1,41 tỷ USD, tăng hơn 21% so với giai đoạn 2020-2022.
  • Doanh thu tăng 7% so với cùng kỳ trong năm 2023, trước khi tăng 18% so với cùng kỳ trong năm 2024 nhờ đóng góp từ doanh thu EPC và FPSO cao hơn.
  • Tăng trưởng LNST có thể đi ngang trong năm 2023, trước khi tăng 29% so với cùng kỳ trong năm 2024 do biên lợi nhuận EPC cao hơn, giá cho thuê đối với hai FPSO cao hơn và backlog từ dự án Block B tăng cao hơn.

Luận điểm đầu tư

PVS giao dịch với P/E và P/B dự phóng 2023 lần lượt là 20x và 1,05x, thấp hơn so với mức trung bình lịch sử 5 năm.

Với thị trường E&P quốc tế được cải thiện, triển vọng backlog tích cực hơn và tiềm năng khởi động cho đại dự án Block B (trong điều kiện môi trường kinh tế nhìn chung suy yếu và triển vọng lợi nhuận chung ở mức thấp), chúng tôi tin rằng PVS vẫn là một lựa chọn đầu tư thú vị đối với các nhà đầu tư tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng. Chúng tôi áp dụng ước tính năm 2023, đưa ra giá mục tiêu 1 năm là 30.000 đồng/cổ phiếu. Với mức tiềm năng tăng giá là 9,1%, chúng tôi nâng khuyến nghị đối với PVS lên KHẢ QUAN.

Trong ngắn hạn, bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc đàm phán các điều khoản hợp đồng giữa các bên liên quan đến Block B sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh cho giá cổ phiếu, bên cạnh các thông tin trúng thầu khác.

Rủi ro giảm chính: Việc xây dựng dự án Block B kéo dài sang năm 2024 hoặc lâu hơn; giá dầu giảm.