Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PET): Kỳ vọng thị trường ICT sẽ khởi sắc bắt đầu từ nửa cuối năm 2023

Nguồn: MBS

Kỳ vọng thị trường ICT sẽ khởi sắc bắt đầu từ nửa cuối năm 2023

 

PET

 

Cập nhật kết quả kinh doanh Quý 1/2023

Vào Quý 1/2023, PET ghi nhận doanh thu thuần và LNST lần lượt là 4,316 tỷ đồng (-11.8% svck) và 39 tỷ đồng (-8.4% svck). Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 24% kế hoạch doanh thu và 16.25% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2023.

Lĩnh vực hoạt động phân phối mang lại nguồn doanh thu chính cho công ty, chiếm 86% tổng doanh thu quý 1, đạt 3,665 tỷ đồng (-15.3% svck). Trong đó, mảng điện thoại tăng mạnh 20.6% svck, đạt 2,046 tỷ đồng do tác động của chuỗi cung ứng trong quý 4/2022. Các mảng laptop, thiết bị IT khác, PP và LCG đạt lần lượt 950 tỷ đồng (-47.5% svck), 345 tỷ đồng (-10.9% svck) và 324 tỷ đồng (-25.9% svck). 

Lĩnh vực catering và lĩnh vực cung ứng, hậu cần dầu khí ghi nhận lần lượt 246 và 215 tỷ đồng, tăng 28.1% và 17.5% svck, chiếm tổng 11% doanh thu quý 1/2023. Triển vọng tăng trưởng của ngành dầu khí trong năm 2023 tác động tích cực đến các dịch vụ catering, hậu cần dầu khí của PET. Lĩnh vực cho thuê bất động sản chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu, đạt 120 tỷ đồng (+7,1% svck).

Biên LN gộp quý 1/2023 đạt 4.3% (+0.2% svck) với sự tăng trưởng mạnh từ doanh thu phân phối điện thoại, cho thấy nhu cầu mua điện thoại dồn nén của người tiêu dùng sau sự kiện đứt chuỗi cung ứng của Apple vào quý 4/2023.

Trong báo cáo tài chính quý 1/2023, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu là 2.2 lần, chủ yếu đến từ khoản vay ngắn hạn tăng lên là 4,497 tỷ đồng, từ 4,112 tỷ đồng tại quý 4/2022. Khoản đầu tư ngắn hạn tăng từ 1,764 tỷ đồng (quý 4/2022) lên 3,375 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư chứng khoán đã được tất toán và còn lại là các khoản tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng. Điều này khiến cho hệ số thanh toán nhanh tăng lên 0.54 lần.

PET tất toán mọi khoản đầu tư chứng khoán, giảm áp lực chi phí tài chính, tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi

Trong năm 2022, PET ghi nhận nhiều áp lực về chi phí tài chính, cụ thể:

(1) Khoản lỗ đâu tư chứng khoán 252 tỷ đồng, khiến cho chi phí tài chính tăng mạnh lên 450 tỷ đồng (+359% svck)

(2) Chi phí lãi vay tăng mạnh từ 98 tỷ đồng lên 178 tỷ đồng do ảnh hưởng của nền lãi suất cho vay cao năm 2022

(3) Hàng tồn kho nhập về khó bán do nhu cầu hàng không thiết yếu giảm mạnh, tồn đọng hàng khiến cho nhu cầu vốn lưu động bị ảnh hưởng

Do áp lực về chi phí tài chính, nợ vay/tổng vốn chủ sở hữu tăng lên 1.8 lần, chiếm 2.57% doanh thu (trung bình 5 năm trước là 0.82%).

Trong BCTC quý 1/2023, PET đã tất toán mọi khoản đầu tư chứng khoán, tăng các khoản đầu tư ngắn hạn lên 3,375 tỷ đồng (từ dòng tiền vay ngắn hạn). Cho thấy PET đang tập trung bảo vệ dòng tiền, dồn lực vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, chuẩn bị sẵn nguồn vốn lưu động để có thể tập trung tăng lại doanh thu vào 2 quý cuối khi thị trường hồi phục.

MBS dự phóng năm 2023, nợ vay/vốn chủ sở hữu giảm mạnh còn 1.46 lần, các khoản tiền đầu tư ngắn hạn giữ mức trên 1000 tỷ đồng để bảo vệ dòng tiền cho doanh nghiệp.

Giải quyết lượng hàng tồn laptop lớn, sở hữu nguồn cung Iphone ổn định là yếu tố thúc đẩy doanh thu bán hàng năm 2023

Với lĩnh vực laptop, lưu lượng hàng tồn kho trên thị trường còn khá lớn do tồn đọng của vấn đề cung – cầu năm 2022, dẫn đến số lượng vận chuyển laptop trên thế giới giảm mạnh hơn 30% svck, bằng số lượng quý 1/2022 – giai đoạn covid-19.

Dự báo sản lượng tiêu thụ của laptop của PET vẫn sẽ thấp hơn năm 2022 do các nhà bán lẻ phải giải quyết hàng tồn kho trong 2 năm vừa qua, tỷ trọng laptop trong tổng hoạt động phân phối sẽ giảm 3-4%. Chu kỳ thay thế sản phẩm laptop tại Việt Nam là 2 năm, nếu tính từ đỉnh cao doanh thu cuối năm 2021 thì năm 2023 là thời điểm thay thế phù hợp nhất. Đẩy nhanh tiêu thụ sản phẩm cũ để có thể cập nhật thêm các mẫu mã với tính năng mới vượt trội, kích thích tiêu dùng của các khách hàng cần thay thế sản phẩm.

Ngoài ra, nguồn cung ổn định từ Apple cũng là yếu tố thúc đẩy doanh thu bán hàng năm 2023, đặc biệt vào thời điểm Apple ra mắt sản phẩm mới. Với giả định nguồn cung ổn định, MBS dự báo mức doanh thu điện thoại tăng 10% svck, chủ yếu đến từ dòng Iphone và Samsung.

Kỳ vọng tăng giá bỏ qua tác động của thị trường xách tay Iphone tại Việt Nam, bởi chúng tôi nhận thấy đây không còn là nỗi lo cho các nhà bán lẻ chính thống. Việc Apple mở cửa hàng trực tuyến phần nào sẽ hỗ trợ các dịch vụ bảo hành, mua hàng, trả góp,…. cho khách hàng mua ở các cửa hàng phân phối của Apple và tại Apple Store Online Việt Nam.

Kỳ vọng thị trường ICT tăng trưởng trở lại vào nửa cuối năm 2023, mạnh mẽ hơn vào năm 2024

  • Thị trường ICT đang trải qua thời kỳ khó khăn nhất

Quý 4/2022 là khoảng thời gian khó khăn nhất của thị trường ICT tại Việt Nam khi phải chịu ảnh hưởng kép của: (1) sự suy giảm nhu cầu không thiết yếu của người tiêu dùng tại Việt Nam do tình hình vĩ mô không khả quan (2) đứt chuỗi cung ứng Iphone từ nhà máy Trung Quốc, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu tiêu thụ các sản phẩm trong hệ sinh thái Iphone. Sự ảnh hưởng sẽ kéo dài đến ít nhất 2 quý đầu năm 2023 và phục hồi vào nửa cuối năm 2023.

  • Kích thích tiêu dùng thu nhập trung bình – thấp nhờ vào các chương trình khuyến mãi từ 10-40%

Từ đầu năm 2023, thị trường bán lẻ điện thoại trở nên sôi động nhờ vào chiến dịch cạnh tranh giá của các nhà bán lẻ lớn: MWG, FRT, CellphoneS,…. với mức giảm từ 10-20%, chủ yếu đến từ sản phẩm của Iphone, Samsung và Xiaomi. Bên cạnh đấy, thị trường laptop cũng chứng kiến sự sụt giảm doanh số và doanh thu lên đến 50% trong 2 tháng đầu năm (theo thống kê của GjK). Để xử lý điều này, khoảng giữa tháng 2, các nhà bán lẻ phải triển khai các chương trình khuyến mãi laptop lên đến 30-40% để kích thích tiêu dùng của tầng lớp trung bình - thấp.

Việc cạnh tranh trực tiếp trên giá sản phẩm, doanh nghiệp chấp nhận hi sinh biên lợi nhuận/sản phẩm để cải thiện doanh thu cho doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn của ngành bán lẻ không thiết yếu... MBS kỳ vọng chương trình khuyến mãi sẽ thành công kích cầu của tầng lớp trung bình – thấp. Chúng tôi dự báo chi phí quảng cáo tăng nhẹ 0.01% so với năm 2022 do thực hiện các chương trình hỗ trợ giá cho nhà bán lẻ, dự tính sẽ kết thúc khi Apple ra mắt mẫu sản phẩm mới (tháng 9-10)

Doanh thu các mảng catering, hậu cần dầu khí trở lại mức tăng trưởng nhờ vào việc ký kết các hợp đồng mới

  • PET sở hữu hơn 90% thị phần lĩnh vực catering, hậu cần dầu khí tại Việt Nam, có uy tín lâu năm trong ngành catering

Dịch vụ đời sống (catering) của PET do hai đơn vị con PSV và PSA thực hiện, phục vụ các sản phẩm sinh hoạt đời sống: ăn uống, chăm sóc cảnh quan,… tại hơn 50 công trình trong và ngoài ngành dầu khí thuộc các công ty Dầu khí như: PVEP POC, Cửu Long JOC, Biển Đông POC, PTSC, KNOC, Modec, ,… . Thị phần dịch vụ của PET chiếm hơn 95% trong ngành dầu khí. Ngoài ra, PET còn là đối tác uy tín cung cấp dịch vụ bếp ăn của các dự án: mỏ Núi Pháo, dự án của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, PV Combank, Vinaconex, Hoà Phát,…

Hiện tại, PET vẫn thuộc công ty con của tập đoàn nhà nước, có thị phần lớn nên sẽ có cơ hội được nhận dịch vụ hỗ trợ đời sống của các dự án khai thác dầu khí.

  • Kỳ vọng vào động thái hỗ trợ gỡ rối khó khăn của chính phủ

Dịch vụ kinh doanh catering phụ thuộc vào khả năng vận hành của các dự án của các công ty dầu khí tại Việt Nam. Luật Dầu Khí mới được thông qua cũng là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy các hoạt động khai thác, thăm dò, tìm kiếm dầu khí và phát triển, tháo gỡ khó khăn cho các dự án.

Mới nhất, vào ngày 17/5, PSL – công ty con của PET đã ký trực tiếp hợp đồng Cung cấp dịch vụ Hỗ trợ Quản lý Dự án (PMSS) với tổng giá trị của các hợp đồng khung là 50 triệu USD cho toàn đời dự án khi đi vào hoạt động. Dự kiến dự án Lô B Ô Môn đi vào hoạt động

Dự phóng và Định giá

Chúng tôi dự phóng kết quả kinh doanh năm 2023 ghi nhận doanh thu đạt 17,815 nghìn tỷ đồng (+1.6% svck) và LNST đạt 263 tỷ đồng (+57% svck) với giả định (1) Hoạt động kinh doanh phục hồi trở lại vào nửa cuối năm 2023 nhờ vào doanh thu từ các sản phẩm Apple mới và các khuyến mãi kích cầu, giải phóng hàng tồn kho thành công (2) Chi phí tài chính giảm mạnh, doanh nghiệp không còn đầu tư chứng khoán (3) Sự phục hồi của các dự án dầu khí thượng nguồn, lĩnh vực catering trở lại hoạt động bình thường.

Trong năm 2023, chúng tôi dự báo vòng quay hàng tồn kho giữ nguyên 8.3x, tỷ lệ nợ vay giảm đi 0.3 lần nhằm giảm áp lực tài chính cho công ty. Nền kinh tế ổn định trở lại là điều kiện thiết yếu để điều tiết lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến sức tiêu thụ nhu cầu hàng không thiết yếu. Với dự báo kinh tế vĩ mô phục hồi trở lại, chúng tôi dự phóng doanh thu ICT 2023 giảm nhẹ 1% so với 2022, doanh thu lĩnh vực catering, hậu cần dầu khí +28% svck và cho thuê bds +3% svck.

Chúng tôi khuyến nghị MUA với giá mục tiêu của PET là 29,800 đồng/cổ phiếu (sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền) dựa trên các luận điểm chính:

(1) Lợi nhuận sau thuế PET tăng lên chủ yếu nhờ vào sự suy giảm áp lực chi phí tài chính, tất toán mọi khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh. Bên cạnh đó là sự phục hồi sau giai đoạn suy yếu của thị trường ICT vào nửa cuối năm 2023.

(2) Doanh thu các mảng catering, hậu cần dầu khí trở lại mức tăng trưởng nhờ vào: Sự phục hồi của các dự án dầu khí thượng nguồn; PET ký kết được các hợp đồng dịch vụ mới

Rủi ro đầu tư

(1) Sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam chậm hơn kỳ vọng do ảnh hưởng của nền kinh tế các quốc gia lớn.

(2) Hàng tồn kho không có khả năng kích cầu mạnh bởi các mẫu mã lạc hậu, không đủ chức năng thu hút người tiêu dùng.

(3) PET phải sử dung nhiều chi phí hơn cho nhà bán lẻ bởi các chương trình khuyến mãi chưa đủ kích thích chi tiêu của người tiêu dung, ảnh hưởng trực tiếp đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp.