Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT): Giá cước tàu sẽ giảm nhẹ so với cùng kỳ trong năm 2023

Nguồn: VCSC

Giá cước tàu sẽ giảm nhẹ so với cùng kỳ trong năm 2023

 

PVT

 

  • Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) vào ngày 11/4, trong đó thảo luận về giá cước tàu, triển vọng của nhu cầu vận tải, kế hoạch kinh doanh năm 2023 và kế hoạch giai đoạn 2021-2025 của công ty.
  • Ban lãnh đạo PVT dự báo giá cước tàu trung bình năm 2023 sẽ giảm nhẹ so với mức cơ sở cao trong năm 2022, phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi.
  • Cổ đông thông qua đề xuất cổ tức bằng cổ phiếu năm 2022 tỷ lệ 10% và cổ tức tiền mặt là 300 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi hiện dự báo cổ tức tiền mặt năm 2022 của PVT là 1.000 đồng/cổ phiếu.
  • Cổ đông đã thông qua kế hoạch doanh thu năm 2023 đạt 6,8 nghìn tỷ đồng (-25% YoY) và LNTT đạt 680 tỷ đồng (-54% YoY), chúng tôi cho rằng kế hoạch này thận trọng. Chúng tôi lưu ý rằng lợi nhuận thực tế của PVT đã tăng gấp đôi so với mục tiêu đề ra trong vòng 5 năm qua.
  • Cổ đông cũng đã thông qua kế hoạch giai đoạn 2021-2025 và chúng tôi cho rằng kế hoạch doanh thu và lợi nhuận công ty đặt ra là thận trọng. Trong khi đó, kế hoạch vốn XDCB 5 năm của công ty phù hợp với dự báo của chúng tôi.
  • PVT có thể sẽ áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) trong năm 2025, từ đó công ty sẽ thực hiện hạch toán theo giá thị trường đối với đội tàu của PVT, tương ứng gia tăng giá trị đáng kể so với giá trị sổ sách.

Ban lãnh đạo PVT dự báo giá cước tàu trong năm 2023 sẽ giảm nhẹ so với mức cơ sở cao trong năm 2022. Với triển vọng nhu cầu vận tải theo cơ sở tấn-dặm tiếp tục thuận lợi (do xung đột Nga-Ukraine), lượng tiêu thụ dầu toàn cầu tăng 2 triệu thùng/ngày và triển vọng tăng trưởng hạn chế đối nguồn cung tàu mới, PVT cho rằng triển vọng thị trường dầu thô và dầu thành phẩm sẽ tiếp tục tích cực. Tuy nhiên, do rủi ro nền kinh tế chững lại, PVT dự báo giá cước tàu sẽ giảm nhẹ sau mức tăng mạnh trong năm 2022. Trong khi đó, triển vọng thị trường tàu hóa chất và LPG dự kiến duy trì ổn định. PVT cũng cho biết thị trường tàu chở hàng rời có diễn biến tích cực nhờ Trung Quốc mở cửa trở lại.

Trong quý 1/2023, giá cước thuê định hạn tàu Aframax (Indonesia đến Nhật Bản) và giá cước giao ngay tàu Aframax (Tây Phi đến Bờ Vịnh, Mỹ) lần lượt giảm 15% QoQ và 26% QoQ. Tuy nhiên, giá cước thuê định hạn và giá giao ngay tàu Aframax vẫn lần lượt cao hơn 2 lần và 8 lần so với quý 1/2022. Tương tự, chỉ số Baltic Clean Tanker Index (chỉ số đại diện cho giá cước vận tải dầu thành phẩm) quý 1/2023 giảm 39% QoQ nhưng tăng 22% YoY.

PVT đặt mục tiêu hoàn tất thanh toán cổ tức bằng cổ phiếu năm 2021 tỷ lệ 10% trong 2023; ĐHCĐ thông qua phương án cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% và cổ tức tiền mặt 300 đồng/cổ phiếu cho năm 2022. Tại ĐHCĐ năm 2022 của PVT, cổ đông đã thông qua phương án cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% để tăng vốn điều lệ từ 3,2 nghìn tỷ đồng lên 3,6 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, PVT vẫn đang chờ phê duyệt từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (CMSC). Tại ĐHCĐ năm nay, cổ đông đã thông qua phương án cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% từ vốn điều lệ 3,6 nghìn tỷ đồng để nâng vốn điều lệ lên 3,9 nghìn tỷ đồng. PVT kỳ vọng kế hoạch cổ tức bằng cổ phiếu năm 2022 sẽ được thực hiện trong năm 2023 sau khi hoàn tất thanh toán cổ tức cổ phiếu 2021. Ngoài ra, cổ đông cũng thông qua phương án cổ tức tiền mặt năm 2022 của PVT là 300 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi hiện dự báo cổ tức tiền mặt năm 2022 của PVT là 1.000 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi cho rằng PVT đề xuất phương án cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% và cổ tức tiền mặt 300 đồng/cổ phiếu chủ yếu do nhu cầu huy động tiền mặt để tài trợ cho kế hoạch đầu tư năm 2023 và 2024 của công ty.

Cổ đông thông qua kế hoạch thận trọng của công ty cho năm 2023. PVT công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu là 6,8 nghìn tỷ đồng (-25% YoY) và LNTT và 680 tỷ đồng (-54% YoY), tương đương 68% và 51% dự báo cả năm của chúng tôi, và chúng tôi cho rằng kế hoạch công ty là thận trọng. Trên thực tế, lợi nhuận ròng thực tế của PVT đạt gấp đôi so với kế hoạch trong 5 năm qua. Ngoài ra, mục tiêu doanh thu và LNTT năm 2023 lần lượt cao hơn 4,6% và 13,3% so với kế hoạch năm 2022, cho thấy kỳ vọng của ban lãnh đạo đối với năm 2023 khả quan bất chấp lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu và sản lượng vận tải trong nước tăng trưởng chậm hơn do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (NSR) có kế hoạch bảo dưỡng năm 2023 kéo dài trong 45-50 ngày. PVT cũng lưu ý kế hoạch này chưa tính đến việc BSR trì hoãn đợt bảo dưỡng lớn sang năm 2024. Tuy nhiên, PVT cho rằng việc trì hoãn này sẽ ảnh hưởng không đáng kể đối với lợi nhuận năm 2023 của công ty khi PVT sẽ phải thuê tàu (tương ứng tăng chi phí) để vận chuyển sản lượng bổ sung của BSR do các tàu của công ty có kế hoạch đưa vào ụ khô để kiểm tra.

PVT đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ mở rộng công suất trong năm 2023, nhưng công ty đang thận trọng cân nhắc điều kiện thị trường. PVT đặt mục tiêu đẩy mạnh mở rộng công suất với kế hoạch đầu tư thêm 6 tàu mới cho công ty mẹ. Kế hoạch vốn XDCB cho khoản đầu tư này là 3,9 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, PVT dự kiến giải ngân 271 tỷ đồng dành cho đầu tư tài chính và các hạng mục đầu tư khác. Mục tiêu tổng vốn XDCB dành cho kế hoạch đầu tư năm 2023 của PVT là 4,1 nghìn tỷ đồng, cao hơn 71% so với dự báo hiện tại của chúng tôi là 2,4 nghìn tỷ đồng. Chúng tôi lưu ý PVT thường đặt kế hoạch vốn XDCB tham vọng vào đầu năm để nhận được sự chấp thuận trước của cổ đông, sau đó công ty có thể thực hiện kế hoạch khi điều kiện thị trường thuận lợi. Theo quan điểm của chúng tôi, giá tàu tăng sẽ là một thách thức lớn đối với kế hoạch mở rộng đội tàu của PVT. Ngoài ra, PVT có kế hoạch đầu tư tập trung vào mảng vận chuyển dầu thành phẩm/hóa chất/LPG do công ty cho rằng dầu thành phẩm & hóa chất sẽ có tăng trưởng mạnh trong khi vận tải LPG sẽ mang lại biên lợi nhuận/lợi nhuận ổn định.

PVT đặt kế hoạch thận trọng cho giai đoạn 2021-2025. PVT công bố kế hoạch giai đoạn 2021-2025 với tổng doanh thu và LNST trước lợi ích CĐTS lần lượt là 41 nghìn tỷ đồng và 4 nghìn tỷ đồng. Theo PVT, kế hoạch này dựa trên giả định giá dầu Brent là 60 USD/thùng và tỷ giá USD/VND là 23.500. Kế hoạch này tương ứng doanh thu trung bình là 8,1 nghìn tỷ đồng và LNST trước lợi ích CĐTS là 717 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2023-2025, tương đương 77% và 58% dự báo trung bình hàng năm tương ứng của chúng tôi cho giai đoạn 2023-2025. Chúng tôi cho rằng kế hoạch của công ty là thận trọng do lợi nhuận ròng thực tế của PVT đạt gấp đôi so với kế hoạch trong vòng 5 năm qua.

PVT đặt kế hoạch vốn XDCB là 7.000-9.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2021-2025. Vốn XDCB tương ứng giai đoạn 2023-2025 là 1,1 nghìn tỷ đồng/năm, tương đương 90% dự báo trung bình giai đoạn 2023-2025 của chúng tôi và phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi.

Kết quả LNTT sơ bộ quý 1/2023 của PVT hoàn thành 21% dự báo cả năm của chúng tôi. PVT công bố LNTT quý 1/2023 đạt 278 tỷ đồng (+16% YoY), tương đương 21% dự báo cả năm của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng kết quả này là do quan điểm thận trọng của ban lãnh đạo trong việc công bố KQKD sơ bộ của công ty.

PVT có thể áp dụng tiêu chuẩn IFRS trong báo cáo tài chính vào năm 2025, từ đó công ty sẽ thực hiện hạch toán theo giá thị trường đối với đội tàu của PVT, tương ứng gia tăng giá trị đáng kể so với giá trị sổ sách. Chủ tịch HĐQT của PVT nêu ví dụ về việc mua tàu chở dầu thô PVT Hera Aframax với giá 18 triệu USD nhưng hiện trị giá khoảng 40 triệu USD. Điều này sẽ giúp giá cổ phiếu của công ty phản ánh giá trị nội tại của PVT khi chính sách khấu hao nhanh và trích lập chi phí bảo trì nhiều đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty trong những năm trước.