Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT): Tiếp tục đà tăng trưởng

Nguồn: SSI

Tiếp tục đà tăng trưởng 

 

PVT

 

KQKD Q4.2022

Sau khi giá cước tàu chở dầu tăng trong những tháng gần đây, PVT tiếp tục cải thiện mảng hoạt động kinh doanh tàu chở dầu cốt lõi so với quý trước và so với cùng kỳ, nâng tổng doanh thu tăng 17% svck và 4,6% so với quý trước. Tỷ suất lợi nhuận gộp tiếp tục cải thiện lên 18% từ 16% trong Q4/2022 nhờ tỷ suất lợi nhuận mảng vận chuyển cải thiện (cùng với giá cho thuê tàu cao hơn) và tỷ suất lợi nhuận FSO ổn định.

Đội tàu của PVT gồm 41 tàu, trong đó có 3 tàu chở dầu thô, 16 tàu chở dầu/hóa chất, 15 tàu chở LPG, 6 tàu chở hàng rời và một FSO. Trong đội tàu, 31 tàu và một FSO hiện đang hoạt động theo hợp đồng thuê tàu định hạn, trong khi 9 tàu hoạt động trong thị trường nội địa. Với xu hướng tăng gần đây của giá cước tàu chở dầu (cả thị trường spot và thị trường thuê tàu) như trong biểu đồ trên, điều này thúc đẩy doanh thu vận tải của PVT tăng tương ứng, mặc dù với tốc độ chậm hơn do giá cước mới chỉ áp dụng cho hợp đồng thuê tàu định hạn tại thời điểm gia hạn (thời hạn thuê điển hình là sáu tháng đến một năm).

Trong chỉ tiêu lợi nhuận gộp, có 2 mảng đóng góp chính đó là vận tải và FSO.

Tương tự như các hình thức thuê tàu khác, chủ tàu cho thuê chỉ hạch toán chi phí vốn, khấu hao, nhân viên của tàu chở dầu - chi phí nhiên liệu do bên đối tác chi trả. Do đó, doanh thu cho thuê tàu cao hơn sẽ dẫn đến lợi nhuận tăng đáng kể, như kết quả ghi nhận trong năm 2022. Cụ thể, trong Q4/2022 lợi nhuận gộp mảng vận tải đạt 372 tỷ đồng (+41% svck), giúp cho cả năm đạt 1,3 nghìn tỷ đồng – đây là mức tăng đáng kể (+37% svck). Tỷ suất lợi nhuận gộp trong Q4/2022 được cải thiện lên 21% từ mức 19% trong Q3/2022, do tỷ lệ đóng góp từ hoạt động nội địa thấp hơn tương ứng với giá dầu thấp hơn (các hợp đồng trong nước được ghi nhận trên cơ sở chi phí cộng thêm), khiến doanh thu giảm trong khi lợi nhuận vẫn đi ngang, điều này mang lại lợi nhuận cao hơn cho mảng hoạt động này.

Mặt khác, mảng FSO tương đối ổn định do giá cho thuê của FSO Đại Hùng Queen không thay đổi khi giá dầu trên 60 USD/thùng.

Lợi nhuận gộp mảng này đạt 47 tỷ đồng trong Q4/2022 (+2% svck) và 229 tỷ đồng cho cả năm 2022 (-1% svck). Lợi nhuận gộp toàn công ty đạt 438 tỷ đồng trong Q4/2022, tương ứng với tỷ suất lợi nhuận gộp là 18% (cải thiện từ 16% svck) nhờ mảng vận tải cải thiện.

Lũy kế cả năm 2022, lợi nhuận gộp đạt 1,6 nghìn tỷ đồng (+29% svck) và tỷ suất lợi nhuận gộp là 18% (từ 17% trong năm 2021).

Có một số chỉ tiêu chính khác ngoài chỉ tiêu hoạt động như sau:

  • Chi phí lãi vay và thu nhập tài chính tăng cao do lãi suất cao hơn và biến động tỷ giá hối đoái khiến thu nhập tài chính thuần trong Q4/2022 đạt 6 tỷ đồng so với mức 48 tỷ đồng trong Q3/2022.
  • Chi phí bán hàng & quản lý (SG&A) ở mức 147 tỷ đồng (+62% svck). Công ty không cung cấp chi tiết cho khoản mục này, nhưng chúng tôi cho rằng chi phí SG&A tăng đến từ khoản trích lập dự phòng chi phí, bao gồm bảo dưỡng tàu. Đây có thể là yếu tố hỗ trợ tăng cho ước tính lợi nhuận của chúng tôi trong năm nay.
  • Thu nhập ròng khác đạt 62 tỷ đồng do PVT thanh lý tàu PVT Sông Hậu Eagle trong Q4/2022.

Theo đó, LNTT quý 4 hợp nhất đạt 361 tỷ đồng (+28% svck). Nếu loại trừ khoản lãi từ thanh lý tài sản, LNTT quý 4 sẽ tăng 13,3% svck.

Lũy kế cả năm 2022, LNTT đạt 1,5 nghìn tỷ đồng (+40% svck), cao hơn 8% so với ước tính của chúng tôi do phát sinh khoản lãi 62 tỷ đồng trong Q4/2022 nhờ thanh lý tàu (PVT Sông Hậu Eagle) (từ mức lãi dự kiến trước đó là 10 tỷ đồng). Nếu loại trừ khoản lãi từ thanh lý tài sản, LNTT năm 2022 sẽ đạt 1,2 nghìn tỷ đồng (+17% svck), cao hơn một chút so với tốc độ tăng trưởng kép LNTT là 15,6% trong 10 năm qua.

Triển vọng năm 2023

Chúng tôi kỳ vọng PVT sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023 cùng với tăng trưởng kinh doanh cốt lõi, do giá cho thuê tàu cao sẽ được áp dụng cho cả năm 2023 thay vì nửa đầu năm 2022 (chúng tôi giả định giá cho thuê tàu tăng 26% svck và đội tàu cho thuê tăng trưởng 24% svck, mang lại mức tăng trưởng doanh thu cho thuê là 54% svck). Trong khi đó, các mảng hoạt động khác như vận tải nội địa có thể bị ảnh hưởng do Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (BSR) dự kiến đại tu trong 50 ngày vào khoảng tháng 5/2023, điều này làm giảm sản lượng vận chuyển của PVT. Tuy nhiên, trước khi tiến hành bảo dưỡng, BSR thường chạy với công suất cao hơn để bổ sung sản lượng và đảm bảo nguồn cung cấp bình thường cho các đại lý bán lẻ xăng dầu trong thời gian bảo dưỡng do đó sản lượng thực tế giảm không đáng kể. Theo đó, mảng vận tải vẫn ghi nhận tác động tích cực trong năm 2023 và chúng tôi giả định doanh thu vận tải sẽ tăng trưởng 13%, nhờ doanh thu cho thuê tàu tăng trưởng 45% và doanh thu nội địa giảm 6%. Lợi nhuận gộp mảng vận tải dự kiến tăng trưởng 20% svck do chúng tôi kỳ vọng mảng cho thuê tàu sẽ mang lại mức lợi nhuận cao hơn.

Chúng tôi giả định giá dầu Brent bình quân năm 2023 dao động trong khoảng 80-90 USD/thùng và chúng tôi không dự đoán trước được những biến động trong hoạt động mảng FSO (không điều chỉnh giá đối với giá dầu Brent trên 60 USD/thùng).

Với những giả định nêu trên, chúng tôi điều chỉnh tăng ước tính cho PVT như sau:

Chúng tôi kỳ vọng doanh thu sẽ tăng 10,1% svck trong năm 2023 và 3,1% svck trong năm 2024. Tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi (không bao gồm khoản lãi từ thanh lý tài sản) dự kiến đạt 18% svck trong năm 2023 và 5% svck trong năm 2024, vì năm 2023 được cho là sẽ được hưởng lợi từ mức giá cho thuê tàu cao hơn. Nếu tính cả khoản lãi từ việc thanh lý tài sản, LNST năm 2023 sẽ tương đối ổn định so với cùng kỳ.

Luận điểm đầu tư

PVT đang giao dịch với P/E dự phóng 2023 là 8x và P/B là 1,02x, mức này nằm giữa dải P/E lịch sử (7,6x-10,5x). Giá cổ phiếu đã tăng 19% kể từ báo cáo gần đây nhất của chúng tôi, điều này phản ánh một phần mức tăng trên thị trường tàu chở dầu. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng P/E dự phóng của PVT hiện tại là 8x và cổ phiếu vẫn còn dư địa tăng trưởng, đặc biệt khi xét đến triển vọng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp suy yếu trong năm nay.

Chúng tôi chuyển cơ sở định giá sang giai đoạn 2023-2024 và tiếp tục sử dụng phương pháp định giá P/E, với P/E mục tiêu điều chỉnh là 9x (từ 10x như trước đây) để phản ánh triển vọng lợi nhuận đi ngang trong năm 2023 (do mức nền cao trong năm trước), và giảm giá mục tiêu 1 năm xuống 23.200 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá khoangr 17%) từ 24.000 đồng/cổ phiếu. Theo đó chúng tôi duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu PVT.

Trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng tăng trưởng lợi nhuận Q1/2023 có thể ghi nhận mức cao nhất trong năm với giá cho thuê tàu tăng từ Q2/2022. Đây có thể là yếu tố hỗ trợ ngắn hạn cho giá cổ phiếu.

Rủi ro chính đối với khuyến nghị của chúng tôi là chiến tranh Ukraine-Nga chấm dứt sẽ gây áp lực giảm nhu cầu tàu chở dầu trong dài hạn.