Tổng CTCP Viglacera (VGC): Kế hoạch thận trọng

Nguồn: HSC

Kế hoạch thận trọng

 

VGC

 

Tóm tắt

  • VGC vừa tổ chức ĐHCĐ tại Hà Nội. Cổ đông tham dự đầy đủ và đã thông qua tất cả các tờ trình.
  • BLĐ đặt kế hoạch LNTT năm 2023 là 1,2 nghìn tỷ đồng (giảm 47,5%) và doanh thu thuần là 15,7 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 7,9%); kế hoạch LNTT thấp hơn 21,7% so với dự báo thận trọng của chúng tôi.
  • HSC duy trì khuyến nghị Mua vào với giá mục tiêu là 51.000đ (tiềm năng tăng giá là 40%). Theo dự báo hiện tại, VGC đang giao dịch với mức chiết khấu 25,6% so với RNAV, lớn hơn so với mức chiết khấu bình quân trong quá khứ là 0%.

Sự kiện: Thông qua các tờ trình ĐHCĐ năm 2023

VGC vừa tổ chức ĐHCĐ tại Hà Nội. Cổ đông tham dự đầy đủ và đã thông qua tất cả các tờ trình. Những thông tin chính như sau:

Kế hoạch LNTT khá thận trọng, giảm 48% so với cùng kỳ

Cổ đông đã thông qua kế hoạch của BLĐ với LNTT năm 2023 là 1,2 nghìn tỷ đồng (giảm 47,5% so với cùng kỳ) và doanh thu là 15,7 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 7,9%). Chúng tôi hiểu rằng kế hoạch LNTT năm 2023, thấp hơn 21,7% so với dự báo của chúng tôi là 1,5 nghìn tỷ đồng, chủ yếu đến từ cho thuê KCN tại các dự án bao gồm KCN Phú Hà (365ha, Phú Thọ), Tiền Hải (466ha, Thái Bình), Yên Mỹ (280ha, Hưng Yên).

Đối với mảng cho thuê KCN, VGC đặt kế hoạch bàn giao 140ha trong năm 2023 (năm 2022 là 157ha), so với 180ha trong kế hoạch năm 2023 trước đó và dự báo của chúng tôi là 160ha. Chúng tôi cho rằng kế hoạch này là hợp lý và có thể hoàn thành do VGC đã bàn giao 43ha trong Q1/2023 và đã bán 70ha (nhưng chưa ghi nhận doanh thu). Lưu ý, kế hoạch này không bao gồm 80ha tại dự án KCN Phú Hà mà Công ty đang đàm phán với một khách hàng lớn trong ngành công nghệ. Nếu có thể cho thuê 80ha này, đây sẽ là rủi ro khiến KQKD thực tế vượt dự báo lợi nhuận cả năm 2023 của chúng tôi.

Trong khi đó, BLĐ kỳ vọng mảng vật liệu xây dựng sẽ kém tích cực trong năm 2023 do thị trường BĐS nhà ở chững lại; chúng tôi có chung quan điểm này và đã bao gồm giả định này trong mô hình dự báo hiện tại. Dựa trên KQKD Q1/2023, chúng tôi ước tính tỷ suất lợi nhuận gộp mảng này chỉ là 12,0%, so với 26,5% trong Q1/2022 và dự báo của chúng tôi là 20,6% trong năm 2023. Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận gộp mảng kính xây dựng chỉ là 4,6% trong Q1/2023 (so với 39,1% trong Q1/2022) do nhu cầu thấp khiến Công ty phải hạ giá bán trong khi các nhà máy kính xây dựng không thể tạm dừng hoạt động.

  • Kế hoạch mở rộng tham vọng

VGC đang tích cực mở rộng quỹ đất KCN để thúc đẩy tăng trưởng. Công ty đặt kế hoạch đến năm 2025 sẽ có thêm 10 dự án KCN mới với tổng diện tích trên 2.000ha, bao gồm KCN Phú Ninh (450ha, Phú Thọ), Phú Hà giai đoạn 2 (100ha, Phú Thọ), Khu A KCN Phong Điền (120ha, Huế), KCN Đông Triều (425ha, Quảng Ninh), KCN Hòa Lạc - Hữu Lũng (490ha, Lạng Sơn). Nếu thành công, những dự án này sẽ củng cố nguồn doanh thu trong trung và dài hạn của Công ty.

Trong khi đó, VGC cũng đặt kế hoạch xây 50.000 căn nhà ở xã hội, chủ yếu tại các dự án KCN và sẽ mở bán trong giai đoạn 2023-2030. Chúng tôi ước tính kế hoạch này sẽ đem lại khoảng 30-40 nghìn tỷ đồng doanh thu và 3-4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận thuần trong 7 năm tới.

Lưu ý, đây là 2 hạng mục không nằm trong mô hình dự báo của chúng tôi do thiếu thông tin chi tiết (chi phí đầu tư, quy hoạch tổng thể,...). Chúng tôi sẽ chỉ đưa các dự án này vào mô hình dự báo khi nhận được thông tin chi tiết.

Trong khi đó, đối với ngành vật liệu xây dựng, chúng tôi cho rằng triển vọng lợi nhuận trong ngắn hạn sẽ kém tích cực. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng sự phục hồi của thị trường BĐS kể từ cuối năm nay, cùng với kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất tại các cơ sở chính của VGC – nâng công suất tại công ty TNHH kính nổi siêu trắng Phú Mỹ (PFG) lên 1.500 tấn/ngày từ 600 tấn/ngày, và bổ sung dây truyền sản xuất Eurotile mới (công suất 9 triệu m2/năm) – sẽ trở thành động lực tăng trưởng trong thời gian tới.

  • Triển khai thoái vốn nhà nước

Tại ĐHCĐ, BLĐ cũng chia sẻ rằng Công ty đang làm việc với Bộ Xây dựng và các bên liên quan để hoàn tất quá trình thoái vốn nhà nước tại VGC. Tuy nhiên, thương vụ này có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến do cần thực hiện nhiều thủ tục và quá trình định giá tốn nhiều thời gian. Bộ Xây dựng hiện đang nắm giữ 38,6% cổ phần của VGC và – theo quyết định số 1479 QĐ/TTD (ban hành ngày 29/11/2022) – Bộ Xây dựng phải thoái vốn hoàn toàn vào cuối năm 2023.

  • Thông qua phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt

Ngoài ra, cổ đông cũng thông qua phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt từ lợi nhuận năm 2023 là 20%, tương đương 2.000đ/cp, tỷ lệ lợi nhuận chi trả cổ tức là 80-90% và lợi suất cổ tức là 5,3%.

HSC duy trì khuyến nghị và giá mục tiêu

HSC duy trì khuyến nghị Mua vào và giá mục tiêu là 51.000đ, tiềm năng tăng giá là 40%. VGC đang giao dịch với mức chiết khấu 25,6% so với RNAV, so với mức chiết khấu bình quân trong 3 năm qua là 0%.