Nguồn: HSC
Lãi hoạt động đầu tư hỗ trợ lợi nhuận Q3/2021
Tóm tắt
TPB đã công bố KQKD Q3/2021 với lợi nhuận thuần đạt 1.110 tỷ đồng (tăng 40,2%). Lợi nhuận thuần 9 tháng đạt 3.517 tỷ đồng (tăng 45,4%), cao hơn một chút so với kỳ vọng của HSC.
Tín dụng (tăng 11,6% so với đầu năm và tăng 1,9% so với quý trước) tăng khiêm tốn trong khi tỷ lệ NIM giảm như dự đoán. TPB đã ghi nhận lãi lớn từ chứng khoán đầu tư trong kỳ là 913 tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận.
Tỷ lệ nợ xấu (1,04%) duy trì ở mức thấp nhưng tỷ lệ nợ quá hạn nhóm 2 (2,6%) đã tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. TPB tiếp tục quyết liệt trích lập dự phòng và xóa nợ xấu trong kỳ.
HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo.
Sự kiện: Công bố KQKD Q3/2021
TPB đã công bố KQKD Q3/2021 chính thức với lợi nhuận thuần tăng 40,2% so với cùng kỳ đạt 1.110 tỷ đồng nhờ thu nhập lãi thuần tăng mạnh (tăng 37,3% so với cùng kỳ) và khoản lãi không thường xuyên từ mua bán chứng khoán đầu tư là 913 tỷ đồng. Kết quả khả quan bất chấp chi phí dự phòng tăng mạnh 224% so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận thuần 9 tháng đầu năm 2021 đạt 3.517 tỷ đồng (tăng 45,4% so với cùng kỳ), đạt 75,8% dự báo của HSC cho cả năm 2021.
Nói chung, KQKD Q3/2021 khả quan hơn một chút so với kỳ vọng của HSC
Tăng trưởng tín dụng trong Q3/2021 khiêm tốn
Tổng tín dụng tăng 11,6% so với đầu năm (tăng 1,9% so với quý trước) đạt 146,5 nghìn tỷ đồng; trong đó cho vay khách hàng tăng 10,8% so với đầu năm (tăng 0,6% so với quý trước) đạt 133 nghìn tỷ đồng, chủ yếu nhờ cho vay khách hàng cá nhân (tăng 11,8% so với đầu năm) và cho vay DNNVV (tăng 10,9% so với đầu năm).
Trong khi đó, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục tăng 19,7% so với đầu năm (tăng 16,4% so với quý trước) đạt 13.523 tỷ đồng. Với hạn mức tăng trưởng tín dụng hiện tại là 17,4%; TPB còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng trong Q4/2021 ngay cả trong trường hợp không được NHNN nâng tiếp hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Tổng vốn huy động tăng 13,7% so với đầu năm (tăng 1,5% so với quý trước) đạt 163 nghìn tỷ đồng nhờ tiền gửi khách hàng tăng 13,5% so với đầu năm (giảm 0,4% so với quý trước) và giấy tờ có giá tăng 15% so với đầu năm (tăng 10% so với quý trước). Ngoài ra, tổng vốn CSH trong Q3/2021 tăng 22% so với quý trước (tăng 48% so với đầu năm) lên 24.759 tỷ đồng, chủ yếu nhờ việc phát hành riêng lẻ thành công 100 triệu cổ phiếu với giá 33.000đ. Vui lòng tham khảo báo cáo phát hành ngày 22/9/2021 để biết thêm thông tin chi tiết.
Tỷ lệ NIM giảm
Tỷ lệ NIM trong Q3/2021 giảm đáng kể, giảm 24 điểm cơ bản so với quý trước (tăng 31 điểm cơ bản so với đầu năm) còn 4,73% vì lợi suất gộp giảm 36 điểm cơ bản so với quý trước (giảm 38 điểm cơ bản so với đầu năm) còn 8,41%, mặc dù chi phí huy động cũng tiếp tục giảm 26 điểm cơ bản so với quý trước (giảm 71 điểm cơ bản so với đầu năm) còn 3,3%. Lợi suất gộp Q3/2021 giảm là có thể tiên lượng vì Ngân hàng đã cung cấp một số gói cho vay với lãi suất ưu đãi cho các khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong 6 tháng cuối năm 2021, TPB dự kiến hy sinh khoảng 400 tỷ đồng thu nhập lãi của các khoản vay tổng cộng 45 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng; tương đương lợi suất cho vay sẽ giảm khoảng 1,8%/năm.
Tóm lại, thu nhập lãi thuần tăng 37,3% so với cùng kỳ lên 2.346 tỷ đồng; từ đó thu nhập lãi thuần 9 tháng đầu năm 2021 đạt 7.136 tỷ đồng (tăng 37,2% so với cùng kỳ).
Lãi lớn từ chứng khoán đầu tư đóng góp vào thu nhập ngoài lãi
Tổng thu nhập ngoài lãi tăng mạnh 162% trong Q3/2021 lên 1.328 tỷ đồng từ nền thấp trong Q3/2020. Trong đó, lãi thuần HĐ dịch vụ giảm 27,5% so với cùng kỳ còn 358 tỷ đồng do thu phí dịch vụ khác giảm mạnh còn 139 tỷ đồng. Trong Q3/2020, TPB đã phân loại lại một phần thu nhập từ lãi vào thu phí dịch vụ khác nên đã tạo ra nền so sánh cao. Đáng chú ý, trong Q3/2021, TPB đã ghi nhận lãi đáng kể từ mua bán chứng khoán là 913 tỷ đồng, là động lực chính của thu nhập ngoài lãi trong kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, thu nhập ngoài lãi đạt 2.771 tỷ đồng (tăng 45,6% so với cùng kỳ), chủ yếu nhờ lãi thuần HĐ dịch vụ tăng tốt (tăng 30% so với cùng kỳ) và lãi mua bán chứng khoán đạt cao, là 1.462 tỷ đồng (tăng 149% so với cùng kỳ).
Chi phí hoạt động tiếp tục tăng
Tổng chi phí hoạt động trong Q3/2021 tăng 25% so với cùng kỳ lên 941 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lương tăng 35% so với cùng kỳ lên 488 tỷ đồng và chi phí liên quan đến tài sản tăng 20,7% so với cùng kỳ lên 200 tỷ đồng. Trong kỳ, số lượng chi nhánh, phòng giao dịch tiếp tục tăng lên 104 từ 92 tại thời điểm cuối Q2/2021. Theo đó, chi phí hoạt động 9 tháng đầu năm 2021 là 3.164 tỷ đồng (tăng 9,5% so với cùng kỳ), hệ số CIR là 32% (9 tháng đầu năm 2020 là 40,8%).
Quyết liệt trích lập dự phòng và xóa nợ xấu
Tổng nợ xấu giảm 3% so với đầu năm (giảm 9,3% so với quý trước) còn 1.378 tỷ đồng, theo đó tỷ lệ nợ xấu là 1,04% (giảm từ 1,18% tại thời điểm cuối năm 2020). Trong khi đó, tỷ lệ nợ quá hạn nhóm 2 tăng đáng kể 110% so với đầu năm (tăng 75,6% so với quý trước) lên 3.403 tỷ đồng (bằng 2,6% dư nợ cho vay), chủ yếu vì tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất từ đầu dịch tại Việt Nam. Chi phí dự phòng Q3/2021 tăng mạnh 224% so với cùng kỳ lên 1.346 tỷ đồng vì Ngân hàng quyết liệt xóa 1.955 tỷ đồng nợ xấu (bằng 1,47% dư nợ cho vay) khỏi bảng CĐKT. Theo đó, hệ số LLR giảm còn 115% từ 145% tại thời điểm cuối Q2/2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, TPB đã trích lập 2.349 tỷ đồng chi phí dự phòng (tăng 99% so với cùng kỳ) và xóa 2.666 tỷ đồng nợ xấu; chúng tôi cho rằng đây là động thái khá chủ động từ phía Ngân hàng.
HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo
Hiện HSC đưa ra giá mục tiêu dựa trên phương pháp thu nhập thặng dư cho TPB là 44.800đ nhưng chúng tôi đang xem xét lại giá mục tiêu và dự báo sau khi Ngân hàng công bố KQKD Q3/2021.