Triển vọng ngành Ngân hàng năm 2024: Tiếp tục củng cố bộ đệm dự phòng

                                        Nguồn: SSI

 

 

Trong năm 2023, cổ phiếu ngành Ngân hàng diễn biến vượt trội hơn so với VNIndex nhờ sự hỗ trợ kịp thời của hành lang pháp lý.
 
Khép lại một năm 2023 đầy biến động, cổ phiếu ngành ngân hàng có diễn biến tích cực với mức tăng 19% svck, vượt trội hơn so với mức
tăng 12% của chỉ số VNIndex. Những ngân hàng có diễn biến giá tích cực nhất là LPB (+55%) và HDB (54%) nhờ tâm lý tích cực của nhà đầu tư sau những thông tin về sự hỗ trợ của hành lang pháp lý, đặc biệt đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. Các cổ phiếu được chúng tôi lựa chọn đầu năm 2023 cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, cụ thể VCB (+19%), STB (+24%), ACB (+31%) và BID (+27%).
 
 
Triển vọng năm 2024
 
Chúng tôi cho rằng 2024 vẫn tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành ngân hàng về chất lượng tài sản. Mặc dù vậy, tình hình chung sẽ có sự cải thiện so với năm 2023, phần lớn là nhờ vào chi phí vốn đã giảm về mức thấp hơn nhiều so với 2023 và lợi nhuận trước dự phòng (PPOP) có sự cải thiện giúp các ngân hàng có dư địa để tạo một bộ đệm dự phòng tốt hơn. Trong kịch bản cơ sở của chúng tôi, tăng trưởng GDP có thể phục hồi trong khoảng từ 6,0% - 6,5%, lãi suất trung bình cả năm duy trì quanh mức thấp nhất trong thập kỷ trở lại đây và NHNN sẽ có ứng phó linh hoạt trong cơ chế ghi nhận và trích lập dự phòng nợ xấu. Theo ước tính của chúng tôi, tăng trưởng LNTT năm 2024 của các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu dự kiến đạt 15,4% svck, đây là mức tăng trưởng tốt hơn so với mức 4,6% trong năm 2023.
 
Tổng thu nhập hoạt động dự kiến phục hồi.
 
Tăng trưởng tín dụng - Bức tranh trái chiều. Với bối cảnh kinh tế vĩ mô dự kiến cải thiện hơn trong năm 2024, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi lên mức 14%. Điều này được hỗ trợ một phần bởi lãi suất cho vay giảm. Dư địa tăng trưởng có thể sẽ đến từ khối doanh nghiệp như: (i) ngành xây dựng cơ sở hạ tầng; (ii) doanh nghiệp sản xuất và FDI; và (iii) các ngành nghề được ưu tiên (như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghệ cao, SME và công nghiệp bổ trợ). Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thấy các chủ đầu tư bất động sản có nhu cầu vay tái cấp vốn cho các lô trái phiếu đến hạn năm 2024 với tổng giá trị khoảng 200 nghìn tỷ đồng (tương đương 20% dư nợ tín dung cho chủ đầu tư bất động sản trong năm 2023). Đây cũng có thể là một động lực quan trọng của tăng trưởng tín dụng năm 2024, trừ trường hợp cơ quan quản lý tiếp tục thanh tra và kiểmsoát nghiêm ngặt các khoản cấp tín dung chéo đối với các bên liên quan và các công ty vệ tinh. 
 
Mặc dù lãi suất cho vay mua nhà đối với các khoản vay mới đã giảm 3% trong năm 2023, chúng tôi không kỳ vọng dư nợ cho vay mua nhà sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2024 vì: (i) giá nhà ở TP. Hà Nội và Hồ Chí Minh gần như không giảm, trong khi thu nhập và tâm lý của người mua nhà đã bị ảnh hưởng trong giai đoạn 2022-2023; (ii) số lượng căn chung cư và thấp tầng mở bán trong năm 2024 dự kiến lần lượt là 33.851 căn và 5.030 căn, tăng gấp đôi so với năm 2023, nhưng vẫn thấp so với mức trước Covid (khoảng 77.000 căn và 6.800 căn); và (iii) quan trọng nhất là một phần tài sản của người dân có thể vẫn mắc kẹt trong trái phiếu doanh nghiệp và các dự án bất động sản chưa hoàn thành. Chúng tôi cho rằng các ngân hàng sẽ cạnh tranh để giành thị phần trong mảng cho vay mua nhà đối với các dự án có đầy đủ thủ tục pháp lý tọa lạc ở những vị trí đắc địa. Theo quan điểm của chúng tôi, những ngân hàng có thể gia tăng được thị phần trong mảng này gồm có BID và CTG, do họ có khả năng triển khai chương trình cho vay với lãi suất cạnh tranh và thu hút được khách hàng từ các ngân hàng khác.
 
 
 
NIM phục hồi. Áp lực từ nguồn vốn huy động lãi suất cao ngay từ đầu năm trong khi việc đẩy mạnh giải ngân diễn ra chủ yếu trong những tháng cuối năm với các khoản cho vay ngắn hạn đã tác động tiêu cực đến NIM (giảm 54 điểm cơ bản svck trong năm 2023). Trong năm 2024, chúng tôi kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế. Mặc dù chúng tôi cho rằng sẽ có thời điểm mà lãi suất tiền gửi nhích nhẹ khi tín dụng tăng tốc (có thể là vào nửa cuối năm 2024), hoặc áp lực giữ chân khách hàng của các tổ chức tín dụng nhỏ do các khoản tiền gửi lãi suất cao đáo hạn có thể chuyển sang các ngân hàng lớn hơn. Tuy nhiên, lãi suất huy động bình quân trong năm 2024 dự kiến sẽ không có chênh lệch quá lớn so với mức hiện tại. Theo đó, chi phí vốn dự kiến thấp hơn (giảm 113 điểm cơ bản svck), CASA cải thiện và các khoản vay mới có thời hạn dài hơn sẽ giúp giảm bớt áp lực về NIM cho các tổ chức tín dụng trong năm 2024. Chúng tôi dự báo NIM sẽ phục hồi 9 điểm cơ bản lên mức 3,75% (xem biểu đồ 7-8) cho các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu. Mức phục hồi chậm này đến từ một số lý do sau:
 
(i) Tỷ lệ LDR thuần hiện tại tương đối cao (96% đối với các ngân hàng chúng tôi nghiên cứu tại thời điểm cuối Q3/2023). (Xem biểu đồ 3).
(ii) Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (MLTL) của một số ngân hàng (như TCB, MBB, OCB, VIB) gần với mức trần quy định là 30%, điều này cho thấy các ngân hàng vẫn phải thu hút thêm nguồn vốn dài hạn hơn (xem Biểu đồ 4); Và
(iii) Tín dụng bán lẻ chưa phục hồi mạnh – phân khúc mang lại NIM cao nhất cho ngân hàng. Theo đó, chúng tôi dự báo NII sẽ tăng 17% svck trong năm 2024 (so với mức tăng 4,5% svck trong 9T2023).
 
 
Tăng trưởng thu nhập ròng ngoài lãi (Non-NII) ổn định ở mức 7% svck nhờ NFI phục hồi (tăng 17% svck) sẽ bù đắp phần nào cho hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư. Việc Fed dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2024 sẽ làm đồng USD không còn mạnh như năm 2023 và chênh lệch lãi suất VND và USD trên thị trường liên ngân hàng có thể thu hẹp. Theo đó, lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối có thể không lớn nếu tỷ giá USD/VND ít biến động trong năm 2024. Ngoài ra, trong 9T2023, các ngân hàng đã thu được khoản lãi lớn từ giao dịch trái phiếu chính phủ, khoảng 8 nghìn tỷ đồng hay 2% TOI, và chúng tôi không kỳ vọng điều này tiếp diễn năm 2024.
 
Tuy nhiên, thu nhập từ phí dịch vụ dự kiến sẽ tăng trở lại 17% svck, với động lực chính đến từ các hoạt động tài trợ thương mại, hoạt động thanh toán và dịch vụ thẻ. Biên lợi nhuận của thẻ năm 2023 giảm so với 2022 do các đơn vị cung cấp thẻ quốc tế (VISA, MASTERCARD...) đều tăng phí. Trong năm 2024, mức biên lợi nhuận này được giả định sẽ duy trì ổn định so với 2023. Đối với bancassurance, doanh thu khai thác mới (NBP) có thể đã chạm đáy trong Q3/2023 (xem Biểu đồ 10). Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, tốc độ phục hồi sẽ diễn ra chậm và phụ thuộc vào sự phục hồi thu nhập cá nhân cũng như niềm tin của khách hàng đối với các sản phẩm bảo hiểm. Vấn đề niềm tin cần nhiều thời gian cũng như các nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm nâng cao tính minh bạch của thị trường và giảm thiểu các hoạt động bán/tư vấn sai các sản phẩm bảo hiểm.
 
 
Chất lượng tài sản là trọng tâm
 
Kéo dài thời gian hay tập trung xử lý nợ xấu?
 
Từ cuối năm 2022 cho đến nay, các quy định được ban hành chủ yếu theo hướng cho ngân hàng cơ chế trì hoãn trong việc ghi nhận và trích lập dự phòng cũng như tạo điều kiện gia hạn thêm thời gian cho các chủ đầu tư bất động sản giải quyết các nghĩa vụ nợ sắp đến hạn. Tuy nhiên, kể cả với những cơ chế như vậy, nợ xấu và nợ cần chú ý tại các ngân hàng mà chúng tôi nghiên cứu đã tăng lần lượt là 53% và 42% so với đầu năm tính tại thời điểm cuối Q3/2023. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu, nợ Nhóm 2 và nợ tái cơ cấu tăng lên lần lượt là 1,98%, 2,38% và 1%. Các khoản vay có vấn đề này tương đương với 5,3% tổng dư nợ tính tại thời điểm cuối Q3/2023 (xem Biểu đồ 11).
 
Do tăng trưởng tín dụng tăng tốc vào cuối năm, đạt mức trên 13,71% (tăng 4,7% so với tháng trước), chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm xuống trong Q4/2023 còn 1,89%. Tỷ lệ này có thể sẽ tăng trở lại trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2024 sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2023, do cuối năm dự kiến các ngân hàng sẽ đẩy mạnh xóa nợ xấu và nền kinh tế phục hồi mạnh hơn. Tuy nhiên, các khoản nợ có vấn đề (bao gồm các khoản nợ Nhóm 2, các khoản vaytái cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp quá hạn và các khoản vay cũ) vẫn tiếp tục cần được giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, nếu dự thảo sửa đổi Thông tư 16 nới lỏng việc hạn chế đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng được thông qua, không loại trừ khả năng một phần rủi ro tín dung sẽ quay trở lại đối với các ngân hàng tích cực mua lại trái phiếu doanh nghiệp. 
 
Chúng tôi cũng lưu ý rằng chi phí tín dụng trong 9T2023 thấp hơn so với số lượng nợ xấu mới hình thành (bao gồm VAMC và khoản vay tái cơ cấu) (xem Biểu đồ 15). Nhìn chung, bộ đệm dự phòng đang thấp hơn so với giá trị của các khoản vay có vấn đề tại hầu hết các ngân hàng, ngoại trừ VCB. Vào tháng 9/2023, tỷ lệ dự phòng trên tổng tín dụng là 2,2% so với tổng nợ có vấn đề là 5,3%. Mặc dù chúng tôi cho rằng ngân hàng cần phải trích lập thêm dự phòng để cải thiện chất lượng tài sản, nhưng thời gian trích lập dự phòng có thể được kéo dài cân nhắc những yếu tố sau:
 
Nguyên nhân sâu xa của vấn đề nợ xấu là tình trạng pháp lý của các dự án bất động sản chưa hoàn thiện. Vấn đề này không thể giải quyết một cách nhanh chóng mà có thể kéo dài trong thời gian dài mặc dù có 3 luật mới sẽ có hiệu lực vào năm 2025. Điều này không chỉ đòi hỏi ý chí mạnh mẽ mà còn cần hành động kịp thời từ các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý. Chúng tôi kỳ vọng vấn đề sẽ được giải quyết theo từng trường hợp cụ thể tương tự như trong năm 2023. Theo đó, dòng tiền của một số chủ đầu tư bất động sản vẫn còn gặp khó khăn. Chưa kể đến khoản trái phiếu doanh nghiệp trị giá 200 nghìn tỷ đồng (chiếm 20% tín dụng năm 2023 là của chủ đầu tư bất động sản) (xem Biểu đồ 16) sẽ đáo hạn trong năm 2024. Theo quan điểm của chúng tôi, tài trợ cho các dự án có đầy đủ thủ tục pháp lý để các chủ đầu tư có thể hoàn thiện và bàn giao nhà cho người mua sẽ tốt hơn là thu giữ tài sản và xóa nợ. Tuy nhiên, đối với những dự án đang có vướng vướng mắc về mặt pháp lý, chúng tôi cho rằng việc trích lập dự phòng đầy đủ là cần thiết kể cả khi các khoản vay này vẫn trong thời gian tái cơ cấu.
 
Cho vay mua nhà tại các dự án có vấn đề về mặt pháp lý cũng là một rủi ro khác. Việc người mua nhà phải chịu gánh nặng thanh toán gốc lãi cho khoản vay mua nhà hàng tháng mà không biết khi nào mới được bàn giao nhà sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của người mua nhà. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tín dung bán lẻ trong thời gian tới cũng như lợi nhuận trước dự phòng của ngân hàng. Việc xử lý các khoản vay mua nhà này sẽ gây ra tổn thất cho các ngân hàng (do không có tài sản thế chấp) và ảnh hưởng đến khẩu vị rủi ro của ngân hàng trong tương lai.
 
Mặc dù tổng thu nhập hoạt động có thể phục hồi trong năm 2024 và các ngân hàng có dư địa tốt hơn để hấp thụ rủi ro cũng như giải quyết các vấn đề về chất lượng tài sản, nhưng không dễ để thực hiện được điều này trong vòng 1 năm. Với NIM ước đạt 3,75% và OPEX trên tổng tín dụng là 1,5%, thì ngân hàng khó có thể ghi nhận chi phí tín dụng ở mức 3% (chênh lệch giữa khoản vay có vấn đề và bộ đệm dựphòng) chỉ trong một năm. Việc kéo dài nghĩa vụ trích lập dự phòng trong vài năm sẽ giúp ngân hàng duy trì tỷ suất cho vay của mình.Chúng tôi thấy rằng các ngân hàng đã rút kinh nghiệm rất nhiều từ chu kỳ trước: Thứ nhất, một số ngân hàng đã thực hiện trích lập dự phòng từ trước. Theo đó, tổng chi phí tín dụng luôn ở mức từ 1 – 1,2% trong những năm gần đây. Nhìn vào chu kỳ trước, chi phí tín dụng giai đoạn 2009-2010 ở mức thấp (0,4 – 0,5%) và chỉ tăng vọt lên 1% kể từ năm 2012 khi quá trình xử lý nợ xấu bắt đầu. Thứ hai, thu nhập thực tế trong chu kỳ trước rất yếu với NII tăng cao và nguồn thu nhập ròng ngoài lãi hạn chế. Khi quá trình xử lý nợ xấu bắt đầu, lợi suất cho vay ròng (chênh lệch lãi suất trừ OPEX và chi phí tín dụng) đã giảm do phải thoái lãi dự thu và chi phí tín dụng ngày càng tăng (xem Biểu đồ 13). Chúng tôi cho rằng việc ghi nhận lãi dự thu trong khi không thực thu được sẽ không xảy ra trong chu kỳ này. Theo đó, khả năng xử lý nợ xấu trong chu kỳ này tốt hơn chu kỳ trước, đặc biệt là tại các ngân hàng như VCB hay ACB. Thứ ba, các ngân hàng đang tuân thủ các chuẩn mực khắt khe hơn về vốn cũng như an toàn hoạt động. Những ngân hàng có tỷ trọng cho vay vào ngành bất động sản nhiều nhất cũng có CAR cao nhất (CAR của TCB & VPB từ 15-16%).
 
Cơ quan quản lý phản ứng nhanh và hỗ trợ kịp thời. NHNN đặt mục tiêu kép trong năm 2023 vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế vừa đảm bảo an toàn hệ thống. Trong 9T2023, các chính sách được ban hành thể hiện cách tiếp cận linh hoạt hơn của Chính phủ đối với các chủ đầu tư bất động sản và/hoặc tổ chức phát hành trái phiếu. Tuy nhiên trong những tháng cuối năm, không có nhiều thay đổi về chính sách nhưng các hoạt động thanh tra, giám sát lại diễn ra thường xuyên hơn. Trong năm 2024, chúng tôi cho rằng NHNN sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu đã đề ra kết hợp với các biện pháp hỗ trợ kịp thời (ví dụ gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu nợ nếu cần thiết) cùng với việc giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động ngân hàng để đảm bảo an toàn hệ thống. Chúng tôi không loại trừ khả năng NHNN sẽ áp dụng các yêu cầu chặt chẽ hơn về cơ cấu sở hữu, cho vay đối với các bên liên quan như trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng và Thông tư 15/2023 về dữ liệu bổ sung phải cập nhật trong hệ thống CIC cũng như sửa đổi quy định về tỷ lệ an toàn vốn (Thông tư 22/2023) và các tỷ lệ an toàn khác. Theo quan điểm của chúng tôi, tất cả những quy định này có thể có một giai đoạn chuyển tiếp phù hợp để tránh tạo ra một cú shock đối với hoạt động của ngân hàng. Do đó, chúng tôi cũng giả định về cơ chế linh hoạt từ NHNN và chi phí tín dụng sẽ được phân bổ trong khoảng 1-2 năm tùy vào tình hình của từng ngân hàng. Do đó, chi phí tín dung sẽ không tăng quá mạnh trong năm 2024 và ở mức 1,52%.
 
 
Ngân hàng có thể trích lập đủ dự phòng trong bao nhiêu lâu?
 
Chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt tương đối lớn trong tiêu chuẩn ghi nhận nợ quá hạn giữa các ngân hàng mà chúng tôi nghiên cứu (tăng 47% so với đầu năm) và các ngân hàng niêm yết nhỏ hơn (tăng 10,5% so với đầu năm). Xét trong bối cảnh năm 2023, chúng tôi cho rằng một phần trong số các ngân hàng niêm yết nhỏ hơn đã công bố chất lượng tài sản không đúng với thực tế nhờ tận dụng cơ chế tái cơ cấu khoản vay. Do đó, nợ có vấn đề trong hệ thống ngân hàng (không bao gồm SCB) có thể cao hơn so với mức 5.3% của các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu của chúng tôi. Xem xét kết quả xử lý nợ trong giai đoạn 2012-2017 và 2017-2021, chúng tôi nhận thấy 65% nguồn xử lý nợ xấu sẽ đến từ việc sử dụng dự phòng đã trích để xóa nợ xấu của ngân hàng (xem Bảng 1). Do đó, chúng tôi kỳ vọng hệ thống ngân hàng có thể mất khoảng 2-3 năm để trích lập đủ số dự phòng cần thiết và xóa các khoản nợ xấu đó. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt hơn (như ACB, VCB, CTG, BID…) sẽ hồi phục sớm hơn và ngược lại.
 
Thời điểm mua cổ phiếu?
 
Các ngân hàng mà chúng tôi đang nghiên cứu có mức P/B 2024 là 1,1x và riêng nhóm ngân hàng TMCP là 0,92x. Trong khi đó, nếu giả định tỷ lệ LGD đối với các khoản nợ có vấn đề là 50% và sau khi sử dung nguồn dự phòng đã trích lập thì mức độ ảnh hưởng đối với vốn chủ sở hữu sẽ ở mức 11%. Do đó, chúng tôi cho rằng mức định giá hiện tại phần lớn đã phản ánh rủi ro tín dụng đến từ nợ quá hạn và khoản vay tái cơ cấu theo Thông tư 02. Tuy nhiên, mức định giá này có thể chưa phản ánh hết các khoản vay tái cấp vốn cho chủ đầu tư bất động sản được giải ngân trong năm 2023 tại một số ngân hàng nhất định (được phân loại ở nợ Nhóm 1). Ngoài ra, khi xem xét đến diễn biến giá của các ngân hàng trong chu kỳ trước, chúng tôi nhận thấy định giá hầu như không thay đổi trong quá trình xử lý nợ xấu, tuy nhiên sẽ được định giá lại trong vòng 6-12 tháng trước khi hoàn tất quá trình xử lý nợ xấu. Trong quá trình này, những ngân hàng có khả năng tăng vốn sớm hơn sẽ có điều kiện tốt hơn để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, giành thêm thị phần và đạt kết quả khả quan hơn so với các ngân hàng khác (Xem Biểu đồ 17 và Bảng 2 để biết kế hoạch tăngvốn & CAR hiện tại của các ngân hàng). 
 
Chúng tôi duy trì quan điểm Trung lập đối với ngành Ngân hàng trong năm 2024 do quá trình củng cố bộ đệm dự phòng tiếp diễn khiến lợi nhuận toàn ngành chưa thể bứt tốc mạnh mẽ ngay. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn ưa thích những cổ phiếu có chất lượng tài sản tốt như ACB và VCB, vì các ngân hàng này sẽ hoàn tất xử lý nợ xấu sớm hơn nhiều so với các cổ phiếu cùng ngành. BID cũng là cổ phiếu ưa thích của chúng tôi do kế hoạch phát hành riêng lẻ sắp tới sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình xử lý nợ xấu cũng như triển vọng tăng trưởng trung hạn. Ngoài ra, chúng tôi chọn thêm STB vì câu chuyện xoay quanh tiến độ cơ cấu.
 
Chúng tôi đưa 3 cổ phiếu vào danh sách theo dõi gồm TCB, CTG và MBB. Đối với TCB và MBB, chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến mới cũng như quá trình tháo gỡ nút thắt của thị trường trường bất động sản để đánh giá liệu các ngân hàng này có thể đạt được tốc độ phục hồi tốt hơn kỳ vọng hay không. Đối với CTG, do ngân hàng đã đẩy mạnh trích lập dự phòng trong 2 năm qua, chúng tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận có thể sẽ có bước ngoặt mới, có thể là vào cuối năm 2024 hoặc 2025. Đối với các cổ phiếu khác, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư có thể quan sát lại vào cuối năm vì có thể mất ít nhất 1-2 năm nữa để hoàn tất quá trình xử lý nợ xấu.