Vật liệu - Hóa chất: Dự thảo áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón sẽ được biểu quyết vào tháng 11/2024

                                                                                                                                                                     Nguồn: HSC

Dự thảo áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón sẽ được biểu quyết vào tháng 11/2024

 

 

  • Ngày 29/10/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất giữ nguyên dự thảo chuyển phân bón từ diện không chịu thuế GTGT sang diện chịu thuế GTGT với thuế suất 5%.
  • Việc áp dụng lại thuế GTGT 5% đối với phân bón sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu và giảm sức cạnh tranh của phân bón nhập khẩu, trong khi các doanh nghiệp sản xuất trong nước có thể được hoàn thuế GTGT, giúp giảm chi phí và cho phép các doanh nghiệp này điều chỉnh giá. Các công ty như DCM (Tăng tỷ trọng, giá mục tiêu 41.600đ) và DPM (Tăng tỷ trọng, giá mục tiêu 40.800đ) có thể được hưởng lợi từ tỷ suất lợi nhuận và thị phần tăng.
  • Luật Thuế GTGT sửa đổi dự kiến được biểu quyết từ ngày 20 đến 30/11/2024, và luật có thể có hiệu lực vào ngày 1/1/2025 nếu được thông qua.

Giữ nguyên dự thảo áp 5% thuế VAT cho phân bón

Ngày 29/10/2024, trong phiên họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV, các nhà lập pháp đã thảo luận về dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi bổ sung. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên dự thảo chuyển phân bón từ diện không chịu thuế GTGT sang diện chịu thuế GTGT với thuế suất 5%.

Bối cảnh

Năm 2014, một sửa đổi trong Luật Thuế GTGT đã thay đổi tình trạng áp thuế đối với phân bón từ diện chịu thuế suất GTGT 5% sang diện không chịu thuế GTGT, nhằm mục đích giảm chi phí cho người dùng cuối nhưng điều này đã vô tình ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất phân bón không thể khấu trừ thuế GTGT đầu vào, buộc họ phải hạch toán vào chi phí, làm tăng chi phí sản xuất và giảm sức cạnh tranh so với phân bón nhập khẩu. Ngược lại, phân bón nhập khẩu được hưởng lợi từ việc miễn thuế và vẫn giữ được khả năng hoàn thuế GTGT đầu vào, do đó đạt được lợi thế về giá so với sản phẩm trong nước.

Theo Agromonitor (nhà cung cấp thông tin thị trường), trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 3,76 triệu tấn phân bón với trị giá gần 1,3 tỷ USD, tăng 34% so với cùng về khối lượng và 29% về giá trị. Việc nhập khẩu phân bón tăng cao đã gây áp lực lên các doanh nghiệp sản xuất trong nước khi phải đối mặt với chi phí sản xuất tăng do không được hoàn thuế GTGT đầu vào.

Những lợi ích dự kiến của việc áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón

Nếu thuế GTGT 5% được áp dụng trở lại đối với phân bón, các sản phẩm nhập khẩu sẽ phải đối mặt với chi phí tăng lên, khiến chúng kém cạnh tranh về giá. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ được hưởng lợi từ việc hoàn thuế GTGT đầu vào, giúp làm giảm chi phí sản xuất và tạo điều kiện để điều chỉnh giá. Một phân tích định lượng trong dự án IPSC của USAID cho thấy rằng việc áp dụng thuế GTGT 5% có thể làm giảm 2% giá urê sản xuất trong nước, giảm 1,13% giá DAP và giảm 0,87% giá phosphate, và làm tăng nhẹ 0,09% giá NPK. Ngược lại, giá phân bón nhập khẩu như urê, DAP, NPK và các nguyên liệu đầu vào như SA và potash có thể tăng khoảng 5%. Sự điều chỉnh thuế GTGT này có thể làm thay đổi đáng kể cơ cấu thị trường phân bón, giúp củng cố vị thế của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

DCM (Tăng tỷ trọng, giá mục tiêu 41.600đ) và DPM (Tăng tỷ trọng, giá mục tiêu 40.800đ) có thể được hưởng lợi từ sự thay đổi này. HSC ước tính rằng DCM và DPM có thể giảm khoảng 450 tỷ đồng chi phí sản xuất (tương đương 28% và 36% LNTT năm 2024 của DCM và DPM), điều này có thể dẫn đến cải thiện khả năng cạnh tranh về giá cũng như nâng cao lợi nhuận và thị phần của hai doanh nghiệp.

Luật Thuế GTGT có thể có hiệu lực từ tháng 1/2025

Quốc hội dự kiến sẽ biểu quyết về Luật Thuế GTGT sửa đổi này từ ngày 20 đến 30/11/2024. Nếu được thông qua, luật có thể sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.