- Ngày 9/4/2024, Cục Phòng vệ thương mại (CPVTM) thuộc Bộ Công thương đã có thông báo yêu cầu các doanh nghiệp bổ sung hồ sơ liên quan đến kiến nghị tiến hành một cuộc điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ để làm rõ những thiệt hại gây ra trên thị trường nội địa.
- Trước đó, ngày 19/3/2024, các doanh nghiệp sản xuất HRC trong nước bao gồm HPG và Formosa đã gửi đơn lên CPVTM yêu cầu tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với HRC có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ.
- CPVTM sẽ có 45 ngày để tiến hành xem xét chi tiết yêu cầu của các doanh nghiệp trước khi tiến hành điều tra chính thức. Nếu biện pháp áp thuế chống bán phá được áp dụng, HPG (khuyến nghị Mua vào) sẽ hưởng lợi lớn nhất, trong khi đó HSG (khuyến nghị Tăng tỷ trọng) và NKG (khuyến nghị Nắm giữ) sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
HPG & FMS kiến nghị áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu
Ngày 19/3/2024, HPG và Formosa (FMS) đã gửi đơn lên CPVTM yêu cầu điều tra và tiến hành áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Lý do chính cho đề xuất này như sau: Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 2 năm qua, cả HPG và Formosa đều phải gánh chịu thiệt hại do sản lượng tiêu thụ HRC tại thị trường nội địa suy yếu, với mức giảm lần lượt 16,3% và 30,4% trong năm 2022 và 2023. Sản lượng tiêu thụ thấp cộng với việc bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ đã khiến 2 doanh nghiệp sản xuất HRC trong nước là HPG và Formosa ghi nhận KQKD kém khả quan, dẫn đến tình trang lỗ nặng vào nửa cuối năm 2022. Hơn nữa, trong 2 tháng đầu năm 2024, cả nước nhập khẩu 1,89 triệu tấn HRC, trong đó có khoảng 1,4 triệu tấn nhập từ Trung Quốc. Giá HRC nhập từ Trung Quốc giảm mạnh từ 618 USD/tấn trong Q1/2023 xuống còn 520-560 USD/tấn ở thời điểm hiện tại.
Các nhà sản xuất tôn mạ & ống thép phản đối đề xuất chống bán phá giá
Phản đối đề xuất áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, một nhóm 9 công ty sản xuất tôn mạ và ống thép (HSG, NKG, GDA, TVP, POM, v.v.) đã cùng nhau gửi đơn lên Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương và Cục Phòng vệ thương mại nhằm phản đối đề xuất này, vì việc áp thuế chống bán phá giá đối với HRC sẽ khiến giá nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất tôn mạ và ống thép tăng, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp này giảm.
Nếu được chấp thuận, thuế chống bán phá giá sẽ có hiệu lực từ nửa cuối năm 2025
Hiện HPG và FMS vẫn đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ kiến nghị bằng cách gửi bổ sung các thông tin theo yêu cầu. Sau khi có đầy đủ hồ sơ hợp lệ, CPVTM sẽ có 45 ngày để tiến hành rà soát chi tiết nội dung hồ sơ trước khi mở một cuộc điều tra về vấn đề này. Thông thường, công tác điều tra sẽ kéo dài từ 12 đến 18 tháng. Do đó, nếu được chấp thuận, biện pháp áp thuế chống bán phá giá sẽ có hiệu lực sớm nhất từ nửa cuối năm 2025, theo quan điểm của chúng tôi. Tất nhiên, nếu hành vi bán phá giá trở nên trầm trọng hơn trong thời gian tới tại thị trường Việt Nam, biện pháp chống bán phá giá tạm thời có thể sẽ được xem xét trước khi các biện pháp chính thức có hiệu lực.
Nhìn chung, nếu đề xuất này được chấp thuận, HPG (Mua vào) và FMS (công ty FDI) sẽ hưởng lợi lớn, trong khi đó HSG (Tăng tỷ trọng) và NKG (Nắm giữ) sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.