VEAM Corp (VEA): Gián đoạn chuỗi cung ứng ảnh hưởng đà phục hồi của lợi nhuận

Nguồn: VCSC

Gián đoạn chuỗi cung ứng ảnh hưởng đà phục hồi của lợi nhuận

 

VEA

 

  • Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA cho Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEA) khi chúng tôi đánh giá cao sự hiện diện của VEA trên thị trường xe máy rộng lớn của Việt Nam và tăng trưởng dài hạn của tiêu thụ ô tô tại Việt Nam và mức lợi suất cổ tức cao.
  • Chúng tôi giảm giá mục tiêu 7% khi chúng tôi giảm dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2022-2024 thêm 15% chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên kết của VEA thấp hơn trong bối cảnh thiếu nguyên liệu đầu vào - đặc biệt là đối với xe máy. Những điều chỉnh này được bù đắp một phần bởi việc chúng tôi cập nhật giá mục tiêu từ cuối năm 2022 sang giữa năm 2023.
  • Chúng tôi kỳ vọng doanh số của ngành xe du lịch (PC) và xe máy sẽ phục hồi sau gián đoạn nghiêm trọng do dịch COVID-19 trong giai đoạn 2020-2021 với CAGR lần lượt đạt 20% và 9% trong giai đoạn 2021-2024.
  • Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng P/E năm 2022/2023 của VEA là 11,4/9,7 lần – nhìn chung phù hợp với P/E trượt trung bình 5 năm của các công ty cùng ngành là 11 lần. VEA có lợi suất cổ tức năm tài chính 2021 (sẽ trả vào năm 2022) hấp dẫn là 10%.
  • Rủi ro đối với quan điểm tích cực của chúng tôi: nhu cầu xe máy và ô tô duy trì ở mức thấp; cạnh tranh gay gắt trên thị trường ô tô; những thay đổi đối với chính sách cổ tức của VEA hoặc các công ty liên kết sẽ dẫn đến lợi suất cổ tức thấp hơn kỳ vọng.

Gián đoạn chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến doanh số xe máy và biên lợi nhuận của Honda. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông trong nước, tình trạng khan hiếm linh kiện xe máy đang ảnh hưởng hoạt động sản xuất một số mẫu xe của Honda như Vision, dẫn đến thời gian chờ hàng lâu và các đại lý tăng giá bán đáng kể so với giá đề xuất. Trong khi đó, LNST của Honda không đổi so với cùng kỳ năm trước trong quý 1/2022 dù doanh số xe máy/ô tô tăng 11%/36% YoY, cho thấy biên lợi nhuận giảm. Do Honda không sở hữu mạng lưới đại lý và các tác động tiềm ẩn đối với giá trị thương hiệu đến từ việc giá bán tại đại lý tăng không kiểm soát, chúng tôi tin rằng Honda sẽ mất nhiều thời gian để chuyển chi phí đầu vào cao hơn cho các đại lý và người tiêu dùng. Đối với cả năm 2022, chúng tôi dự báo sản lượng bán xe máy tăng 9% YoY (so với 13% trước đây) và LNST xe máy của Honda tăng 2% YoY (chiếm 98% LNST năm 2022 của Honda).

Doanh số ô tô tăng nhờ dân số thu nhập trung bình cao ngày càng tăng tại Việt Nam, sự gián đoạn do dịch COVID-19 giảm và các ưu đãi của Chính phủ. Dựa theo ước tính của chúng tôi, doanh số PC hàng tháng của Việt Nam tăng 33% YoY trong 4 tháng đầu năm 2022, phản ánh khả năng phục hồi của nhu cầu ô tô tại Việt Nam được hỗ trợ bởi tầng lớp thu nhập trung bình cao ngày càng tăng. Việc Chính phủ giảm 5%-6% phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước (áp dụng từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022) cũng là một yếu tố hỗ trợ cho doanh số PC trong ngắn hạn.

Toyota và Honda giành lại thị phần ô tô nhờ các mẫu xe có giá cạnh tranh, nhưng Ford dự kiến có KQKD kém hơn mức chung của toàn ngành. Chúng tôi dự báo sản lượng bán của Toyota và Honda tại Việt Nam sẽ lần lượt tăng 25% YoY và 42% YoY vào năm 2022. Theo quan điểm của chúng tôi, các mẫu xe mới có đặc tính/giá hấp dẫn hơn như SUV cỡ nhỏ Corolla Cross, Raize và MPV Veloz sẽ củng cố thị phần của Toyota. Trong khi đó, chúng tôi kỳ vọng Honda sẽ tiếp tục khuyến mãi để duy trì thị phần nhờ nguồn lợi nhuận từ xe máy lớn. Cuối cùng, chúng tôi tin rằng Ford có thể gặp khó khăn trước các thương hiệu giá rẻ hơn như Hyundai, Mitsubishi, Kia và VinFast do danh mục sản phẩm hạn chế.