VEAM Corp (VEA): Q2/2022 - Lợi nhuận chỉ tăng 2% do nguồn cung gián đoạn

Nguồn: HSC

Q2/2022: Lợi nhuận chỉ tăng 2% do nguồn cung gián đoạn

 

VEA

 

Tóm tắt

  • Lợi nhuận thuần Q2/2022 tăng nhẹ 2% đạt 1.725 tỷ đồng. Lợi nhuận từ các công ty liên doanh cũng tăng 2% đạt 1.568 tỷ đồng. Trong Q2/2022, lợi nhuận mảng xe máy sụt giảm do gián đoạn nguồn cung mặc dù phần lớn được bù đắp nhờ doanh số ô tô tăng.
  • Trong 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận thuần đạt 3.190 tỷ đồng (tăng 2%). Nhìn chung, KQKD của VEA khá tích cực và đạt 52% dự báo cả năm 2022 của chúng tôi.
  • HSC kỳ vọng doanh số xe máy sẽ cải thiện so với quý trước trong Q3/2022 nhờ nguồn cung hồi phục trong khi doanh số ô tô nhiều khả năng sẽ giảm so với quý trước do hiệu ứng mùa vụ.
  • HSC duy trì khuyến nghị Mua vào với giá mục tiêu là 56.700đ.

Sự kiện: Công bố KQKD Q2/2022

Lợi nhuận thuần Q2/2022 đạt 1.725 tỷ đồng, cao hơn 5% so với dự báo của chúng tôi (tăng 1,8% so với cùng kỳ). Lợi nhuận của các liên doanh tăng 2,4% so với cùng kỳ đạt 1.568 tỷ đồng và đóng góp 90,9% lợi nhuận thuần Q2/2022 (so với 90,4% trong Q2/2021).

Trong 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận của các liên doanh và lợi nhuận thuần đạt lần lượt 2.889 tỷ đồng (tăng 2,7% so với cùng kỳ) và 3.190 tỷ đồng (tăng 2,0% so với cùng kỳ), đạt lần lượt 51,7% và 52,3% dự báo cả năm 2022 của chúng tôi.

Lợi nhuận của các liên doanh tăng 2% so với cùng kỳ

Trong Q2/2022, lợi nhuận mảng xe máy sụt giảm do gián đoạn nguồn cung. Tuy nhiên, điều này đã được bù đắp phần lớn nhờ doanh số ô tô tăng mạnh.

  • Lợi nhuận từ Honda giảm 5,9% so với cùng kỳ đạt 1.263 tỷ đồng, chủ yếu do doanh số xe máy sụt giảm (487.791 xe, giảm 6,5% so với cùng kỳ), được bù đắp một phần nhờ doanh số ô tô tăng mạnh 124% so với cùng kỳ do mảng xe máy là nguồn đóng góp lợi nhuận chính của Honda.
  • Lợi nhuận từ Toyota tăng 28,5% so với cùng kỳ đạt 240 tỷ đồng, nhờ doanh số tăng 54,0% so với cùng kỳ trong kỳ.
  • Lợi nhuận tự Ford và lợi nhuận khác đạt 65 tỷ đồng so với 1 tỷ đồng trong Q2/2021. Doanh số của Ford tăng 15,7% so với cùng kỳ trong kỳ. Chúng tôi tin rằng lợi nhuận của Ford sẽ cải thiện do hãng xe này chuyển dây chuyển sản xuất mẫu xe chính của mình, Ford Ranger (xe bán tải), sang Việt Nam từ Thái Lan.

Mảng xe máy được kỳ vọng sẽ cải thiện so với quý trước

HSC kỳ vọng doanh số xe máy sẽ hồi phục so với quý trước trong Q3/2022 nhờ nguồn cung hồi phục sau khi bị gián đoạn do Thượng Hải, Trung Quốc, áp dụng các biện pháp phong tỏa kết thúc vào tháng 6/2022. Nguồn cung các mẫu xe tay ga, chịu tác động nặng nề do Trung Quốc áp dụng các biện pháp phong tỏa, sẽ hồi phục từ tháng 7/2022. Do đó, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận mảng này sẽ hồi phục nhanh hơn doanh số, do các mẫu xe tay ga có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với các mẫu xe số.

Trong khi đó, doanh số ô tô được dự báo sẽ chững lại so với quý trước do hiệu ứng mùa vụ. Khách hàng thường tránh mua bán lớn trong tháng 7 âm lịch.

Tuy nhiên, đối với cả 2 mảng, HSC kỳ vọng doanh số sẽ tăng so với cùng kỳ do mức nền thấp trong Q3/2021 khi doanh số bán xe chịu tác động nặng nề do Việt Nam áp dụng các biện pháp phong tỏa tại một số tỉnh thành lớn.

HSC duy trì khuyến nghị Mua vào với giá mục tiêu là 56.700đ

HSC hiện dự báo lợi nhuận thuần đạt lần lượt 6.105 tỷ đồng (tăng trưởng 6,1%) và 6.842 tỷ đồng (tăng trưởng 12,1%) trong năm 2022 và 2023. Chúng tôi đang xem xét lại dự báo này.

VEA hiện đang giao dịch với P/E dự phóng 2022 và 2023 lần lượt là 9,7 lần và 8,6 lần; tương đương P/E trượt dự phóng 1 năm là 9,1 lần, so với mức bình quân trong quá khứ là 10,2 lần (tính từ năm 2019). HSC duy trì khuyến nghị Mua vào với giá mục tiêu là 56.700đ (tiềm năng tăng giá là 28%).