Vĩ mô đầu tuần: Xuất khẩu của Việt Nam hồi phục trong tháng 5

Nguồn: HSC

Xuất khẩu của Việt Nam hồi phục trong tháng 5

 

Xuất khẩu

 

Tóm tắt

  • Những thông tin chính trong tuần chủ yếu từ thị trường trong nước. Tổng cục Thống kê sẽ công bố số liệu kinh tế tháng 5/2023 vào thứ hai. HSC kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu sẽ hồi phục trong tháng 5/2023, tăng 2,8% (so với giảm 16,2% trong tháng trước), dựa trên giả định hoạt động thương mại của Việt Nam có mức độ tương quan lớn đối với Trung Quốc, quốc gia có kim ngạch xuất khẩu hồi phục trong tháng thứ 2 liên tiếp.
  • CPI của Việt Nam được dự báo sẽ hạ nhiệt trong tháng thứ 4 liên tiếp, xuống mức tăng 2,5%, nhờ giá xăng dầu giảm.
  • CPI tại khu vực Eurozone được dự báo sẽ hạ nhiệt xuống tăng 6,3% trong tháng 5/2023, so với tăng 7% trong tháng 4/2023, trong bối cảnh CPI cơ bản hạ nhiệt xuống tăng 5,5%. Bất chấp rủi ro suy thoái hiện tại, ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vẫn nâng lãi suất chính sách lần thứ 7 liên tiếp nhằm kiềm chế lạm phát.
  • Chỉ số PMI chính thức tại Mỹ và khu vực Eurozone được dự báo sẽ xác nhận hoạt động xuất khẩu tiếp tục chững lại trong tháng 5/2023.

1. Mỹ

Thị trường lao động tháng 5/2023

Thị trường kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ có thêm 180.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 5/2023, thấp hơn mức 253.000 việc làm trong tháng 4/2023, một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt. Do đó, tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ tăng lên 3,5%, từ mức thấp nhất trong 50 năm là 3,4% trong tháng 4/2023.

2. Khu vực Eurozone

Lạm phát tháng 5/2023

CPI được kỳ vọng sẽ tăng chậm lại ở mức 6,3% so với cùng kỳ do chi phí năng lượng giảm.

Trong tháng 4/2023, lạm phát tổng thể tăng 7% so với cùng kỳ, cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% của ECB, cho thấy các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ duy trì nỗ lực kiềm chế lạm phát. Giá năng lượng tăng 2,4% so với cùng kỳ, so với giảm 0,9% so với cùng kỳ trong tháng 3/2023, trong khi chi phí dịch vụ cũng tăng nhanh hơn ở mức 5,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lạm phát hạ nhiệt đối với các mặt hàng thực phẩm, rượu bia & thuốc lá, cùng với các mặt hàng công nghiệp phi năng lượng. Trong khi đó, so với tháng trước, giá tiêu dùng tăng 0,6%, tháng tăng thứ 3 liên tiếp. CPI cơ bản, không bao gồm các mặt hàng như thực phẩm và năng lượng, hạ nhiệt xuống tăng 5,6% so với cùng kỳ nhưng vẫn sát mức cao kỷ lục là tăng 5,7% so với cùng kỳ trong tháng 3/2023.

3. Việt Nam

Số liệu kinh tế tháng 5/2023

  • Hoạt động thương mại

Trong tháng 5/2023, kim ngạch xuất khẩu được dự báo sẽ tăng 2,8% so với cùng kỳ, so với giảm 16,2% so với cùng kỳ trong tháng 4/2023, trong khi kim ngạch nhập khẩu được dự báo sẽ giảm chậm lại đáng kể ở mức 2,4% so với cùng kỳ, so với giảm 23,1% so với cùng kỳ trong tháng 4/2023. Thâm hụt thương mại tháng 5/2023 ước tính khoảng 0,3 tỷ USD, tương đương thặng dư thương mại lũy kế trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt 7,3 tỷ USD (Bảng 2). Theo đó, hoạt động xuất khẩu sẽ chấm dứt chuỗi 5 tháng giảm liên tiếp, đã loại trừ tháng 2/2023 theo yếu tố mùa vụ. Trên thực tế, số liệu thương mại của Việt Nam có mức độ tương quan lớn với Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu tại Trung Quốc tăng lần lượt 14,8% và 8,5% so với cùng kỳ trong tháng 3-4/2023 sau khi quốc gia này mở cửa trở lại và nỗ lực tăng cường thương mại với các quốc gia phát triển đồng thời tìm kiếm cơ hội mới tại các nền kinh tế mới nổi.

  • Lạm phát

Về mặt giá cả, HSC kỳ vọng CPI sẽ hạ nhiệt xuống mức 2,5% so với cùng kỳ, so với tăng 2,8% so với cùng kỳ trong tháng trước nhờ chi phí xăng dầu trong nước giảm so với cùng kỳ (Biểu đồ 3).

Cập nhật hàng tuần xu hướng thị trường chứng khoán và biến động tỷ giá

HSC cập nhật xu hướng thị trường chứng khoán và biến động tỷ giá trong Biểu đồ 4 & 5.