Vĩ mô Việt Nam: Đơn đặt hàng mới tăng cho thấy tín hiệu tích cực

Nguồn: VCSC

Đơn đặt hàng mới tăng cho thấy tín hiệu tích cực

 

 

Sản xuất cải thiện trong tháng 2 nhưng số liệu tính chung 2 tháng đầu năm (2T 2023) vẫn kém khả quan. Chỉ số Sản xuất Công nghiệp (IIP) tháng 2 tăng 3,6% so với cùng kỳ (YoY) sau khi giảm 14,9% YoY trong tháng 1. Tuy nhiên, IIP 2T 2023 vẫn giảm 6,3% YoY, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,9% YoY. Mặc dù vậy, báo cáo Nhà Quản trị Mua hàng ngành sản xuất của Việt Nam (PMI) tháng 2 cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng lần đầu tiên sau 4 tháng, với tốc độ tăng cao nhất kể từ tháng 8/2022, cho thấy hoạt động sản xuất có thể cải thiện hơn trong những tháng tới.

Tổng doanh thu bán lẻ tăng trưởng chậm lại sau Tết. Sau Tết, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 2 giảm 6,0% so với tháng trước (MoM), tuy nhiên vẫn tăng 13,2% YoY. Tổng doanh thu bán lẻ trong 2 tháng đầu năm 2023 tăng 13,0% YoY (tăng 9,2% nếu loại trừ yếu tố giá; 2T 2022 giảm 1,1%). Theo khảo sát của S&P Global, nhân sự đã tăng lần đầu tiên sau 4 tháng, điều này có thể hỗ trợ tiêu dùng.

Vốn FDI đăng ký giảm do không có các dự án mở rộng quy mô lớn. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, vốn FDI giải ngân 2T 2023 giảm 4,9% YoY đạt 2,55 tỷ USD. Trong khi đó, vốn FDI đăng ký (cấp mới, tăng thêm và mua cổ phần) giảm 38% YoY, đạt 3,1 tỷ USD, chủ yếu là do vốn FDI tăng thêm giảm 85% YoY do thiếu các dự án tăng vốn quy mô lớn. Ở chiều tích cực, vốn đăng ký của các dự án cấp mới tăng 2,8 lần đạt 1,76 tỷ USD. Ngoài ra, trong tháng 1/2023, Cục Đầu tư Nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết vốn FDI đăng ký năm 2023 có thể đạt 36 - 38 tỷ USD, cao hơn khoảng 30% - 37,2% so với mức được ghi nhận trong năm 2022.

Xuất nhập khẩu vẫn kém khả quan trong 2T 2023. Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam trong 2T 2023 giảm lần lượt 10,4% YoY và 16,0% YoY, đạt 49,4 tỷ USD và 46,6 tỷ USD, xuất siêu 2,8 tỷ USD. Ngoại trừ xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng 4,2%, xuất khẩu sang hầu hết các thị trường trọng điểm đều giảm, bao gồm Mỹ (-21,0%), EU (-4,2%) và các nước ASEAN (-7,9%). Tăng trưởng xuất khẩu có thể cải thiện trong tháng 3 khi các đơn hàng mới đang tăng trở lại. Theo khảo sát của S&P Global, các đơn đặt hàng xuất khẩu mới ghi nhận trong tháng 2 đã tăng trong tháng thứ hai liên tiếp, nhờ nhu cầu toàn cầu tích cực hơn.

Thu ngân sách nhà nước (NSNN) tích cực mặc dù thu từ hoạt động thương mại giảm. Theo TCTK, tổng thu và chi NSNN đạt lần lượt 362,3 nghìn tỷ đồng (+10,6% YoY) và 242,0 nghìn tỷ đồng (+6,0% YoY) trong 2T 2023, hoàn thành lần lượt 22,4% và 11,7% kế hoạch năm. Bội thu NSNN đạt 120,3 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, chi đầu tư phát triển đạt 49,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% YoY và hoàn thành 6,8% kế hoạch năm.

Giá xăng dầu và gas tăng tiếp tục làm tăng lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 0,5% MoM và 4,3% YoY, dẫn đến CPI bình quân 2T 2023 tăng 4,6% YoY. CPI tháng 2 tăng chủ yếu do giá xăng dầu và gas tăng theo giá thế giới. Chúng tôi hiện kỳ vọng CPI bình quân có thể tăng 4,0% trong năm 2023, cao hơn so với mức 3,2% ghi nhận trong năm 2022 chủ yếu do các giá dịch vụ do Nhà nước quản lý giá có thể tăng sau khi ổn định hoặc giảm trong giai đoạn COVID-19.

Tỷ giá USD/VND tăng trong tháng 2. Tỷ giá USD/VND tăng 1,4% trong tháng 2 và tăng 0,8% tính từ đầu năm, do đồng USD tăng trên thị trường thế giới và thanh khoản VND dồi dào trên thị trường liên ngân hàng. Trong tháng 2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng khoảng 198 nghìn tỷ đồng. Các đợt tăng lãi suất sắp tới của Fed có thể làm tăng áp lực đối với tỷ giá USD/VND, tuy nhiên, chúng tôi cho rằng chu kỳ thắt chặt chính sách của Fed đang dần đạt đỉnh trong khi Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn USD ổn định từ FDI, kiều hối, xuất siêu hàng hóa và đồng thời nhập siêu dịch vụ thu hẹp, có thể giúp giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND trong nửa cuối năm nay.