Vĩ mô Việt Nam: Dữ liệu vĩ mô khả quan trong tháng đầu năm mới

                                                                          Nguồn: VCSC

 

 

Sản xuất tăng từ mức nền thấp. Trong tháng 1, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 4,4% so với tháng trước (MoM); tuy nhiên, IIP tăng 18,3% so với cùng kỳ (YoY) (mức tăng cao nhất kể từ tháng 4/2021) so với mức nền thấp của cùng kỳ năm 2023 (IIP giảm 14,9% YoY vào tháng 1/2023 do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán). IIP ngành sản xuất giảm -4,8% MoM nhưng tăng 19,3% YoY (tháng 1/2023 giảm 15.6% YoY). Trong tháng 2, hoạt động sản xuất có thể bị ảnh hưởng do Tết Nguyên đán, điều này có thể dẫn đến kết quả IIP thấp hơn. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi có thể tiếp tục hỗ trợ sản xuất trong những tháng tới.

Doanh thu bán lẻ dịch vụ du lịch duy trì tích cực nhờ lượng khách quốc tế tăng mạnh. Trong tháng 1, doanh thu bán lẻ hàng hóa & dịch vụ tăng 1,6% MoM và 8,1% YoY nhờnhu cầu tiêu dùng tăng trước dịp Tết Nguyên đán. Đáng chú ý, doanh thu bán lẻ ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và doanh thu bán lẻ ngành du lịch tiếp tục tăng lần lượt 10,2% YoY và 18,5% YoY, chủ yếu nhờ lượng khách quốc tế đạt 1,5 triệu trong tháng 1, mức cao nhất tính theo tháng kể từ khi bắt đầu bùng phát dịch COVID-19. Trong tháng 2, nhu cầu du lịch tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán của khách nội địa và quốc tế có thể thúc đẩy doanh thu bán lẻ. Theo ghi nhận tại một số doanh nghiệp, lượng khách hàng cận Tết tăng mạnh, chủ yếu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống.

Ngân sách Nhà nước (NSNN) thặng dư 102 nghìn tỷ đồng trong tháng 1. Theo Bộ Tài chính, tổng thu NSNN và chi NSNN lần lượt đạt 231,0 nghìn tỷ đồng (-2,8% YoY) và 128,9 nghìn tỷ đồng (-0,2% YoY), hoàn thành 13,6% và 6,1 % kế hoạch năm, dẫn đến thặng dư ngân sách Nhà nước đạt 102,1 nghìn tỷ đồng vào tháng 1/2024 (NSNN thặng dư 108,3 nghìn tỷ đồng vào tháng 1/2023). Chúng tôi giữ nguyên quan điểm đầu tư công sẽ là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2024. Tính đến ngày 31/01/2024, Việt Nam đã giải ngân 662,59 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công được phân bổ cho năm 2023, tăng mạnh gần 23% YoY và hoàn thành 93,12% kế hoạch của Thủ tướng giao (cao hơn so với mức 91,41% vào năm 2022).

FDI đăng ký tiếp tục tăng mạnh. Trong tháng 1, FDI đăng ký tăng 40,2% YoY đạt 2,3 tỷ USD, mức cao nhất được ghi nhận vào tháng 1 trong 3 năm qua, trong khi vốn FDI giải ngân tăng 9,6% YoY đạt 1,5 tỷ USD. Kết quả FDI tháng 1 tiếp tục củng cố quan điểm của chúng tôi rằng vốn FDI giải ngân có thể tiếp tục tăng tốc nhờ lượng lớn vốn FDI đăng ký trong năm 2023 và các công ty đa quốc gia đang tiếp tục đa dạng hóa đầu tư ra khỏi Trung Quốc. Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ các lợi thế như vị trí chiến lược, các hiệp định thương mại tự do (FTA) và chi phí lao động cạnh tranh. Việc nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ và Nhật Bản có thể sẽ giúp thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tăng mạnh từ mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái. Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt tăng 42,0% YoY và 33,3% YoY đạt 33,6 tỷ USD và 30,7 tỷ USD, dẫn đến thặng dư thương mại đạt 2,9 tỷ USD - mức cao nhất được ghi nhận vào tháng 1 trong giai đoạn 2011 – 2024. Kết quả khả quan trong tháng 1/2024 một phần đến từ mức nền thấp của cùng kỳ năm 2023 (vào năm 2023, Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1). Hoạt động xuất khẩu có thể chững lại trong tháng 2/2024 do kỳ nghỉ lễ và mức nền cao vào tháng 2/2023 (xuất khẩu tăng 11,6% YoY). Tuy nhiên, báo cáo chỉ sốNhà quản trị mua hàng (PMI) cho thấy số lượng đơn hàng xuất khẩu mới tăng, điều này có thể hỗ trợ kim ngạch xuất khẩu trong những tháng tới. Chúng tôi vẫn kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu có thể tăng dần trong nửa đầu năm 2024 trước khi tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm. 

Lạm phát tăng do phí dịch vụ y tế và giá điện tăng. Trong tháng 1, CPI tăng 0,31% MoM và 3,37% YoY, nguyên nhân chủ yếu do chỉ số giá điện tăng 1,29% do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh giá bán điện bán lẻ trung bình (+4,5%) từ ngày 9/11/2023, và phí dịch vụ y tế tăng theo quy định của Bộ Y tế (Thông tư 22/2023/TTBYT từ ngày 17/11/2023). Đợt điều chỉnh giá xăng dầu gần nhất vào ngày 01/02/2024 có thể nâng chỉ số CPI thêm khoảng 0,3 điểm phần trăm trong tháng 2 (giả định giá xăng dầu vẫn duy trì ở mức này cho đến hết tháng 2). Bên cạnh việc giá xăng dầu tăng, nhu cầu di chuyển cao trong dịp Tết sẽ gây thêm áp lực đối với lạm phát trong tháng 2.

Tỷ giá tăng do đồng đô tăng mạnh trên thị trường quốc tế. Tỷ giá USD/VND tăng 0,6% trong tháng 1/2024, do một số nguyên nhân bao gồm (1) chỉ số DXY tăng gần 2,0% trong tháng 1 (từ 101,38 lên 103,27), (2) chênh lệch lãi suất giữa VND và USD liên ngân hàng tiếp tục âm sâu (khoảng -5,0%), (3) nhu cầu từ doanh nghiệp FDI và (4) kế hoạch bảo trì 50 ngày sắp tới của BSR có thể dẫn đến nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu gia tăng. Trong cuộc họp đầu tiên vào năm 2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết khả năng giảm lãi suất vào tháng 3 là khá thấp. Ngoài ra, chênh lệch lãi suất VND và USD liên ngân hàng âm sâu có thể tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, dòng vốn nguồn cung ngoại tệ dồi dào từ FDI, kiều hối, thặng dư thương mại cao, và thâm hụt thương mại dịch vụ thu hẹp có thể giúp giảm bớt áp lực lên tỷ giá USD/VND.